mardi 8 septembre 2020

Matthew Pottinger, cố vấn về Trung Quốc của Trump, kẻ thù của Bắc Kinh

Cố vấn Matthew Pottinger bên cạnh tổng thống Mỹ Donald Trump, tháng 11/2017. © AFP
Đăng ngày:


Từ đầu cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung, Matthew Pottinger, trợ lý cố vấn quốc gia và là chuyên gia về Trung Quốc, đã trở thành một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất Washington. Ở tuổi 46, cựu nhà báo và cựu sĩ quan thủy quân lục chiến không có quá trình bình thường như những cố vấn khác của ông Trump. Pottinger nổi tiếng là nghiêm túc và tài năng. 

Từ nhà báo thường trú Bắc Kinh đến sĩ quan thủy quân lục chiến

Hiểu rất nhiều về Trung Quốc, ông đã sống nhiều năm tại Hoa lục. Kiến thức sâu sắc về văn hóa và chính trị Trung Quốc khiến Matthew Pottinger vô cùng nghi kỵ Bắc Kinh.

Sự hiện diện của ông ở cấp cao như vậy trong chính quyền Trump là nhờ vào một loạt những sự tình cờ. Là con một quan chức cao cấp bộ Tư Pháp, trở thành nhân viên ngân hàng ở Wall Street, Matthew Pottinger theo học trường đại học Amherst ở Massachusetts, tại đây ông học tiếng quan thoại. Ông làm việc cho hãng thông tấn Reuters ở Trung Quốc năm 1998, rồi được Wall Street Journal tuyển mộ làm thông tín viên. 

Kinh nghiệm này giúp ông hiểu thấu một đất nước toàn trị, khác với một nhà ngoại giao. Pottinger nói : « Sống tại Trung Quốc, ta có thể biết được một quốc gia không dân chủ có thể làm những gì với công dân họ. Tôi đã trông thấy những người biểu tình bị công an mặc thường phục quăng xuống đất và đánh đập trên quảng trường Thiên An Môn…Tôi đã từng bị bắt và buộc phải quẳng các ghi chép vào toa-lét để công an không thu được ».

Năm 2005, ở tuổi 35, Matthew Pottinger bắt đầu một sự nghiệp thứ hai : đăng ký nhập ngũ thủy quân lục chiến. Quyết định này là do ông bị sốc khi thấy cảnh một người Mỹ bị những kẻ Hồi giáo Irak hành hình. Vào lúc đó, Pottinger thổ lộ : « Chúng ta thường đề cập đến cách thức mà chính sách của chúng ta khiến những người trẻ Trung Đông trở nên cực đoan, nhưng hiếm khi nói về cách họ hành động khiến ta trở nên cứng rắn hơn ».

Trở thành sĩ quan tình báo của thủy quân lục chiến, đại úy Pottinger được gởi sang Irak và Afghanistan. Trong một cuộc hành quân, ông được tướng Michael Flynn, trợ lý phụ trách tình báo của tướng McChrystal – tư lệnh lực lượng quốc tế ở Afghanistan - chú ý. Tướng Flynn và Pottinger soạn thảo một báo cáo gây chấn động về các lỗ hổng của tình báo Mỹ, gây giận dữ cho Lầu Năm Góc và CIA. Năm sau, ông rời quân đội để làm việc cho một quỹ trợ cấp ở New York.

Trở thành cố vấn về châu Á của Nhà Trắng

Tháng Giêng năm 2017, cựu tướng Flynn vốn đã tham gia chiến dịch tranh cử của Donald Trump và được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia, mời Matthew Pottinger tham gia ê-kíp ở Nhà Trắng. Ngược với ý kiến của những người thân, ông chấp nhận với tinh thần phụng sự, trở thành người phụ trách về châu Á. Nhiều tuần lễ sau, ông Flynn dính vào một xì-căng-đan nên phải từ chức. Nhưng Matthew Pottinger có quan hệ tuyệt vời với người kế nhiệm ông Flynn, tướng McMaster và chánh văn phòng Nhà Trắng, cựu tướng thủy quân lục chiến John Kelly.

Tài năng và tính cách dễ mến, thẳng thắn, vui vẻ của Pottinger chừng như thu hút tất cả cấp trên. Khi John Bolton trở thành tân cố vấn an ninh quốc gia năm 2018, ông giữ lại Matthew Pottinger, mà kiến thức chuyên môn về châu Á hết sức quý báu đối với ông.

Ngay cả tổng thống Donald Trump cũng đánh giá cao vị cố vấn và thái độ không khoan nhượng trước Bắc Kinh. Cũng như ông, Pottinger nhận định rằng Hoa Kỳ đã sai lầm khi giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm có được một đối tác thân thiện về kinh tế và chiến lược. 

Pottinger cũng phụ trách hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trong khi Trump đi ngược lại với những người tiền nhiệm, chấp nhận gặp Kim Jong Un, Pottinger nghiên cứu khả năng tấn công quân sự để làm chậm lại chương trình vũ khí nguyên tử và đạn đạo của Bình Nhưỡng. Ông cũng không mấy ảo tưởng về chế độ Bắc Triều Tiên, và đã cảnh báo năm 2017 : « Họ muốn sử dụng những vũ khí này như công cụ bắt bí để đạt các mục đích khác, và có thể một ngày nào đó để thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực ». 

Người đầu tiên dùng từ « virus Vũ Hán »

Buộc phải chạy theo những thất thường của một tổng thống hành động theo cảm xúc và ít quan tâm đến chuyên gia, thay vì có chính sách đối ngoại phù hợp, Pottinger vẫn giữ mục tiêu của mình. Ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, ông đã tham gia vào việc soạn thảo chính sách mới về an ninh quốc gia. Khác hẳn với các chính quyền trước, văn bản này trình bày Trung Quốc như một « cường quốc xét lại », quyết tâm « tổ chức lại châu Á theo hướng có lợi cho mình ». Văn bản khiến Bắc Kinh tức giận, thậm chí còn mưu toan ép Matthew Pottinger phải từ chức, thông qua tác động lên con rể của tổng thống là Jared Kushner.

Matthew Pottinger còn là một trong những người đầu tiên cảnh báo về chiến lược tấn công kinh tế của Trung Quốc. Lúc đó ông Trump chỉ tìm cách thương lượng lại các thỏa thuận thuế quan, ca ngợi « ông bạn Tập », nhưng Pottinger khuyến cáo nên áp thuế hải quan lên 60 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu. 

Đầu năm 2020, khi Donald Trump vẫn còn khen Tập Cận Bình tích cực chống dịch virus corona, Pottinger cảnh cáo về một chiến dịch quy mô của Bắc Kinh nhằm che giấu sự trầm trọng của đại dịch. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng từ « virus Vũ Hán » tại Nhà Trắng, và sau đó tổng thống Trump dùng lại, trong lúc Trung Quốc gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để gọi là « Covid-19 ».
 
Từ đó đến nay, quan hệ giữa hai đại cường nhanh chóng xấu đi, và ảnh hưởng của Matthew Pottinger lên chính sách Mỹ càng tăng lên.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.