Biến cố 9-11 cho thấy Hoa Kỳ đã đối đầu với một kẻ thù rất thông minh sáng tạo và dũng cảm. Họ là những kỹ sư có học vấn cao, biết dùng phương tiện của đối phương để gây thiệt hại đáng kể cho đối phương. Các kỹ sư của khủng bố Al-Qaeda đã dùng kiến thức học hỏi được từ xã hội Âu Mỹ, họ học hỏi cách lái máy bay hàng không ở trường bay Mỹ rồi dùng chính máy bay hàng không Hoa Kỳ để giết người Mỹ.
Nhưng khủng bố Al-Qaeda cũng như quân phiệt Nhật khi oanh kích Trân Châu Cảng năm 1941, đã không ước tính được tiềm năng, sự bền bỉ, và nhứt là tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của công dân Hoa Kỳ.
Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, liên tiếp ba chính quyền George W.Bush, Barack Obama, và Donald Trump đã không bao giờ ngừng nghỉ trong gần 20 năm săn đuổi quân khủng bố Hồi Giáo cực đoan. Lần lượt từng thủ phạm đã giết chết công dân Mỹ đã bị đền tội.
Di sản của biến cố 9 -11 là đã phát sinh ra một lớp tuổi trẻ yêu nước sẵn sàng dấn thân làm tròn trách nhiệm của một công dân khi tổ quốc lâm nguy. Sau ngày định mệnh này, hàng trăm ngàn nam nữ công dân Hoa Kỳ đã lên đường tòng quân trả mối thù cho trên ba ngàn người đã bị khủng bố thảm sát ở New York và Washington DC.
Thượng Sĩ Nhứt (Sergeant Major) Thomas Patrick Payne của Lục Quân Hoa Kỳ ,36 tuổi là một trường hợp điển hình. Khi quân khủng bố Al-Qaeda tấn công lục địa Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001 thì Patrick chỉ mới 17 tuổi. Anh phải đợi thêm một năm cho tròn 18 rồi hăm hở đầu quân vào binh chủng Nhảy Dù.
Một năm sau, 2003 Patrick được tuyển vào binh chủng ưu tú hơn đó là Biệt Động Quân (US Army Ranger). Nơi đây Patrick trở thành một xạ thủ bắn tỉa. Năm 2007 Patrick được thu nhận vào một đơn vị hoạt động trong bóng tối rất ít người biết, đó là Biệt Kích Delta. Anh tham dự hành quân ở Trung Đông, Afghanistan và Phi Châu 17 lần (tours). Trong cuốn phim “Black Hawk Down” có nói nhiều về Biệt Kích Delta ở chiến trường “Sừng Phi Châu” Somalia.
Năm 2010, khi ấy là Trung Sĩ Patrick Payne bị thương nặng ở chiến trường Afghanistan vì lựu đạn của địch. Tưởng đã phải giải ngũ vì vết thương nặng, nhưng năm 2012 Patrick lại đoạt được giải “Biệt Động Quân Hạng Nhứt” (Best Ranger Competition) trong một cuộc thi kéo dài 62 giờ mà các thí sinh phải có một thể lực và trí tuệ siêu nhân. Họ phải chạy, phải di hành trên những con đường chông gai gian khổ, phải bắn chính xác trúng các mục tiêu. Phải biết khi ấy Patrick là một thương binh chờ ngày giải ngũ.
Patrick được tại ngũ và lịch sử hào hùng đang chờ đợi anh. Năm 2015 tin tức tình báo cho biết quân khủng bố IS đang bắt giữ nhiều tù binh Kurds - Iraqi ở thành phố Hawija, Kirkuk, phía Bắc Iraq (khu vực này do người thiểu số Kurds kiểm soát rất trù phú và có nhiều mỏ dầu). Tin tình báo còn ghi nhận khủng bố IS đã đào sẵn các lỗ huyệt lớn, có lẽ để chuẩn bị hành quyết tập thể tù binh.
Thượng Sĩ Nhứt Patrick chỉ huy toán Biệt Kích Delta Mỹ và đơn vị chống khủng bố người Kurds đổ bộ xuống ban đêm từ những chiếc trực thăng khổng lồ Chinook CH-47. Ho bị hỏa lực súng máy của quân IS bắn ra ào ạt. Một Biệt Kích Delta bị trúng đạn tử trận. Patrick ra lịnh cho đồng đội: “Nào, hãy nhập trận nhé” (Hey, let’s get in the fight).
Họ chia ra hai toán tấn công vào các tòa nhà có giam giữ tù binh. Một tên khủng bố IS tự sát bấm nút cho nổ mìn làm ngôi nhà sụp đổ và bốc cháy. Thượng Sĩ Patrick nghe mật lịnh truyền tin trong ống nghe nơi tai phải rút lui khỏi tòa nhà vì không an toàn, nhưng anh không tuân lịnh và vừa bắn vừa lao vào ngôi nhà đang cháy nhiều lần dùng kềm cắt các ổ khóa để cứu những tù binh Kurds.
Patrick là người sau cùng rời chiến địa để lên trực thăng. Con số tù binh cứu được là 70 người, nhiều nhứt trong lịch sử. Mọi người phải đứng trong khoang máy bay vì không còn chỗ để ngồi. Nhiều tù binh bị thương áo đẫm máu, và họ bật khóc vì được Biệt Kích Delta cứu sống. Có 20 tên khủng bố IS bị tiêu diệt.
Hôm qua ngày 11 tháng 9 Tổng Thống Donald Trump trao tặng Huân Chương Danh Dự (The Medal of Honor) cho Thượng Sĩ Patrick Payne ở Tòa Bạch Ốc. Đây là huân chương cao quý nhứt của quân đội dành cho những quân nhân đã thể hiện được sự dũng cảm trong chiến trận, và cũng là huân chương duy nhứt dành cho một Biệt Kích Delta vẫn còn sống.
Không riêng gì trường hợp dấn thân của Biệt Kích Delta Patrick Payne. Báo chí năm ngoái có nói nhiều về một ngôi sao bóng rổ NBA (National Basketball Association) đang lên, đó là anh Marshall Plumlee.
Cao 7 feet (2.13 mét) Marshall Plumlee khá đẹp trai, cựu sinh viên đại học nổi tiếng Duke University. Anh trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp nổi danh của NBA, có mức lương hợp đồng mỗi năm khoảng 6 triệu đô la hay nhiều hơn. Marshall có một tương lai xán lạn huy hoàng trong môn thể thao này. Nhưng anh đã không a dua bắt chước bọn cầu thủ BLM quỳ mọp gục đầu như một đám tâm thần để phản đối lá quốc kỳ của mình.
Marshall Plumlee là hậu duệ của quốc tang 9-11. Anh bỏ nghề và nhập ngũ để trở thành một quân nhân ưu tú của binh chủng Biệt Động Quân. Lương Thiếu Úy Biệt Động Quân của anh chỉ khoảng 50 ngàn đô la một năm.
Một câu chuyện bi thương khác của hậu duệ 9-11, đó là anh Patrick Daniel Tillman gọi tắt là “Pat”. Nhập ngũ cùng năm với Thomas Patrick Payne năm 2002 vì là trai thời loạn muốn lên đường cứu nước. Thomas Patrick Payne vào Nhảy Dù, còn Patrick Daniel Tillman sau khi thụ huấn khóa quân sự cơ bản thì vào ngay binh chủng Biệt Động Quân với cấp bật hạ Sĩ.
Pat là một sinh viên xuất sắc của đại học Arizona State University học về ngành thương mại. Anh tốt nghiệp chỉ trong ba năm rưỡi với số điểm trung bình GPA là 3.85 hay hạng A. Nhưng Pat trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp của môn đá banh bầu dục nổi tiếng của Mỹ là NFL (National Football League) có lương bổng vài triệu đô la một năm.
Pat bỏ hết những vinh quang của cuộc sống thành công nơi thành phố, để trở thành Hạ Sĩ của một đơn vị Biệt Động Quân. Anh được gởi qua Iraq và Afghanistan.
Nhưng Hạ Sĩ Patrick Daniel Tillman đã không có may mắn như Thượng Sĩ Biệt Kích Delta Thomas Patrick Payne. Vào ngày 22 tháng 04 năm 2004, gần ngôi làng Sperah cách biên giới Pakistan 40 km toán Biệt Động Quân của Pat đụng địch. Trong sự hỗn loạn của súng nổ từ mọi phía. Pat đã bị quân bạn bắn lầm và hy sinh.
Ngày 11 tháng 9 năm nay lòng người nào không khỏi bâng khuâng nhớ lại cả một thế hệ đã ra đi vào chinh chiến. Có nhiều người không bao giờ quay trở lại. Hình ảnh Phó Tổng Thống Mike Pence gặp và cụng cùi chỏ chào cựu Phó Tổng Thống Joe Biden ở đài tưởng niệm 9-11 New York. Hai bên không đả kích nhau mà đoàn kết, ít ra trong ngày đau buồn này. Chúng ta có cùng một kẻ thù chung, có nhớ chăng?
BÔNG LAU 12.09.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.