Năm 2014, tôi có
gần năm làm giúp bà chị họ ở Bù Gia Mập, Bình Phước. Chị ấy nhận thầu căng-tin
của bệnh viện Nhân Ái. Ở đây, lần đầu tôi chứng kiến chuyện "ăn chay"
nhưng mang "tâm đảng". Nó độc địa hơn tâm ma trong truyền thuyết và
văn hóa Á Đông.
Bệnh viện Nhân Ái
là nơi trú thân cuối cùng của những bệnh nhân AIDS. Bệnh nhân rất đông, được
quy tụ từ nhiều tỉnh thành phía Nam, nhưng đông nhất là đến từ Hồ Chí Minh.
Chế độ ăn của
những người bệnh chờ chết, gầy gò, đen đúa và khắc khổ ở Nhân Ái là nỗi ám ảnh
với tôi suốt cả năm sau đó. Bữa cơm của bệnh nhân, thức ăn thông thường nhất là
thịt heo vụn, mỡ lẫn hạch ở nọng cổ con heo (nói chung là những thứ mà người mổ
heo bỏ đi không bán được). Những thứ đó được băm nát ra để nấu lên thành món
"thịt băm" cho bệnh nhân. Rau cũng là rau ế, héo và loại thải ngoài
chợ. Lâu lâu có cá thì cũng là loại đầu thừa đuôi thẹo, đồ bỏ đi.
Căng-tin của chị
tôi không phục vụ bệnh nhân, chỉ phục vụ y bác sĩ, gồm hàng trăm cán bộ công
nhân viên trong bệnh viện. Để thầu được cái căng-tin đó, vợ chồng bà chị phải
cung phụng cho lãnh đạo đủ thứ. Giám đốc cần ăn gà rừng, cần ăn rắn, ăn thịt
thú rừng, ăn lợn rừng, ăn cá đặc sản sông Bé... anh chị đều phải tất tả phục
vụ. Hàng tháng, lễ tết đều phải quà cáp, lại quả cho Giám đốc và kế toán trưởng
bệnh viện.
Tay kế toán
trưởng bệnh viện tên Hải, người Thanh Hóa. Tay này là điển hình của nịnh hót,
thượng đội hạ đạp. Giám đốc bệnh viện một tuần ăn chay 1,2 ngày, Hải cũng bắt
chước ăn chay theo. Mà khi ăn chay, Hải đích thân xuống căng-tin chỗ bà chị chỉ
đạo nấu món chay, tự hắn nêm nếm gia vị cho vừa miệng giám đốc.
Sẽ không có gì
chê trách chuyện "chúng nó" ăn chay nếu không có chuyện "hai
thằng" giám đốc và kế toán trưởng la liếm không chừa một thứ gì. Ai xin
vào làm y tá, làm bác sĩ trong bệnh viện đều phải có giá vài trăm triệu. Tiền
ăn của bệnh nhân, vốn được các tổ chức quốc tế và hội từ thiện cho không hề ít,
rất nhiều tiền. (Thời điểm tôi ở đó năm 2014, bữa ăn bệnh nhân AIDS được chúng
kê đâu đó 70 nghìn/ngày).
Mỗi khi bệnh viện
có tiệc, căng-tin bà chị thường xin khoảng 20 bệnh nhân khỏe mạnh lên giúp
việc. Họ xếp bàn ghế, chuẩn bị chén bát. ly cốc, nhặt rau... Bệnh nhân rất
thích lên căng-tin giúp việc bởi hai lý do: 1. Họ thoát khỏi cảnh tù túng trong
các dãy nhà cách ly (y hệt nhà tù); 2. Khi lên căng-tin giúp việc, sau khi tiệc
tàn, bệnh nhân có thể xin toàn bộ đồ ăn thừa mang về các khu chia nhau để
"cải thiện".
Mỗi khi tiệc của
cán bộ công nhân viên tàn, nhìn những bệnh nhân đen đúa gầy gò đi gom đồ ăn
trên bàn là tôi không dám nhìn. Càng không dám nhìn khi họ tập trung ăn đồ ăn
thừa đó ở góc khu căng-tin. Chia nhau ăn nhưng vẫn để dành những thứ thừa thãi
với người khác, nhưng là trân phẩm với nhiều bệnh nhân đang chờ họ mang đồ thừa
về!
Mỗi lần nhìn tay
giám đốc và kế toán trưởng ăn chay, trong đầu tôi luôn hiện lên suy nghĩ: Chúng
đang ăn chính máu mủ, ăn từng miếng thịt của bệnh nhân. Ăn chay làm gì khi
chúng nhẫn tâm ăn chặn, ăn cuớp cả bữa ăn những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối?
Ăn chay mà "tâm đảng", ma quỷ nhập toàn thân từ thể xác đến trí não
đều nhiễm tâm ma thì chay làm gì!
P/S: Cán bộ công
nhân viên, y tá, bác sĩ ở bệnh viện Nhân Ái chỉ đủ sống hoặc khá nghèo, chật
vật. Do bệnh viện chỉ có bệnh nhân AIDS giữa rừng nên họ không có "phong
bì" hay các dịch vụ làm ngoài như các bệnh viện khác. Chỉ có lãnh đạo là
có thể ăn và làm giàu.
BÙI VĂN THUẬN 31.08.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.