samedi 12 septembre 2020

Lê Văn Nghĩa - Sách giáo khoa « thừa kế »


Những thằng già trên 60 - lứa tuổi không biết thằng nào đi trước, thằng nào đi sau - ngồi bên chai bia thường nhắc chuyện hồi…đó.

Bàn bia hôm nay bỗng dưng nhớ lại chuyện đi học. Hồi nhỏ chỉ nhớ chuyện chơi, già lại nhớ chuyện đi học. Á ngộ ta…

Nhớ thày, nhớ cô, nhớ những trò quỷ của bọn đứng hàng thứ ba trong danh sách “phá hoại”. Rồi bỗng dưng nhớ lại mấy câu ca dao trong cuốn sách tập đọc lớp năm gọi là “vần con gà” “Nhiễu đều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” Té ra mấy câu ca dao nầy đã theo tụi tui gần 60 năm mà vẫn còn nhớ hay thiệt.

Nói tới, nói lui lanh quanh lại bàn về chuyện sách giáo khoa. Tất cả đều nhất trí với nhau, là hồi đó đi học thì ba má không phải lo tiền mua sách giáo khoa cho mấy đứa em của mình.

Một bộ sách giáo khoa cho một năm học thí dụ như “Quốc Sử” hay “Quốc Văn”, Toán … thường được thằng anh truyền lại cho đứa em kế của mình và đứa em kế sẽ giao lại cho đứa em kế nữa trong một gia đình đông con kiểu như truyền “của thừa kế”. Chứ không phải có ba đứa con thì mỗi năm cha mẹ bạc đầu khi phải lo mua từng bộ sách giáo khoa cho từng đứa, còn sách cũ thì bán ve chai.

Sở dĩ này xưa có cái màn trao lại “kinh thư” tiểu học hay trung học vì chương trình học không bị cải cách, cải tiến hay thay đổi hàng năm. Chương trình lớp ba năm trước với bộ sách giáo khoa nầy thì năm sau vẫn với bộ sách giáo khoa nầy sẽ học chuong trình lớp ba y như năm trước.

Lên đến bậc trung học thì chuyện sách giáo khoa của ông anh truyền giao lại cho thế hệ những thằng em cũng y xì như hồi tiểu học. Còn ngon hơn nữa là học sinh trung học có thể toàn quyền chọn mua sách giáo khoa theo ý mình mong đợi, túi tiền mình đang có, tác giả mình ưa thích.

Thậm chí, nếu không ai cho sách mình thì mình có quyền đi mua sách “sôn”, giá rẻ để học - miễn sách đó có chữ, đúng chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục, và không bị thằng học năm trước vẽ bậy lăng nhăng, lít nhít.

Tìm sách giáo khoa cũ không khó khi bạn chịu khó đến khu vực bán sách cũ gần trường Trường Sơn, rạp Nam Quang đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám) hay đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Mỗi quyển sách giáo khoa cũ có thể giảm giá hơn phân nửa, tùy theo sách cũ mới và sự trả giá. Giáo sư không bao giờ kiểm tra học sinh mình học sách của tác giả nào, thậm chí có sách hay không nữa. Học sinh nào không có sách thì thiệt thòi thế thôi!

LÊ VĂN NGHĨA 06.09.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.