vendredi 1 mai 2020

Nguyễn Trọng Chức - Nghĩ sau sinh nhật 29-4



Tôi là con thứ ba trong một gia đình có bảy người con. Chào đời ở miền Bắc, năm 1954 khi còn thơ ấu, tôi theo cha mẹ vào miền Nam sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước. 

Gia đình tôi sống thanh bạch. Cha tôi là công chức cấp thấp của Chính phủ quốc gia Việt Nam từ thập niên 1950 nhưng ông yếu đau, bệnh tật trong nhiều năm sau khi vào miền Nam rồi mất sớm. 

Ơn Trời Phật, anh chị em chúng tôi có một người mẹ mà không từ ngữ nào đủ sức ngợi ca. Mẹ tôi xuất thân nông dân, mẹ chỉ biết cấy cày, không biết chữ nhưng vào Nam đã thay cha tôi bảo bọc, chăm lo cho đàn con nên người. Mẹ lam lũ, tần tảo, khổ nhọc gần như suốt đời nhưng vẫn lo liệu được cho con cái đến trường học hành, nhờ thế phần lớn các con đều được vào đại học. 

Tôi lớn lên ở miền Nam, được hít thở không khí tự do, biết giá trị của tự do từ lúc còn tuổi thiếu niên, lại được hưởng một nền giáo dục thật sự nhân bản và khai phóng, được dạy làm người tử tế từ thuở bé mà chẳng cần phải quàng khăn đỏ. Những năm đại học thì được hấp thụ tinh thần giáo dục Phật giáo “duy tuệ thị nghiệp” của Viện đại học Vạn Hạnh. 

Như một cái nghiệp, ngay từ thời học tiểu học tôi đã thích làm bích báo (báo tường), thích vẽ vời, còn cả gan làm mấy tập truyện tranh khoe bạn cùng lớp, năm lớp 3 đã có tranh đoạt giải thi vẽ trẻ em toàn quốc, đề tài vẽ “ấp chiến lược”! Thời trung học cũng tham gia hoạt động báo chí của học sinh Trường kỹ thuật Cao Thắng. Thời đại học ở Vạn Hạnh, đã “dám” chủ biên tờ “Hướng Đi” của Phân khoa Giáo dục, làm báo tại Hội trại Quảng Đức của Tổng vụ Giáo dục mà Thầy Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh là Tổng vụ trưởng.

Những điều đó đã giúp tôi rất nhiều khi làm nghề báo sau 30-4-1975 chẳng cần qua trường báo chí nào và đã làm được nhiều việc thật sự có ích cho xã hội với cái nghiệp đã theo đuổi trong nhiều thập niên. Chẳng hạn, tôi đã lặng lẽ làm điều được gọi là “hòa hợp, hòa giải dân tộc” từ khá lâu rồi bằng chính công việc biên tập, tổ chức tòa soạn tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật. 

Tác giả năm 1990.
Tôi không chỉ dị ứng với những từ đê tiện “ngụy quân”, “ngụy quyền” (đơn giản bởi giòng họ tôi có rất nhiều thành viên là “ngụy quân”, “ngụy quyền”; nếu gia đình tôi không di cư vào Nam năm 1954, chắc chắn khó qua khỏi thời kỳ “Cải cách ruộng đất” cực kỳ man rợ), mà cả với cái từ “giải phóng”. Khi đọc bài, biên tập bài, tôi luôn tìm cách hóa giải triệt để những từ ngữ luôn gây chia rẽ, gây thêm hận thù như thế. 

Với từ “giải phóng” tôi thay bằng từ “thống nhất”: “ngày thống nhất đất nước” thay cho “ngày giải phóng miền Nam” - có ai bắt bẻ được cách thể hiện đó? (Thật ra, từ “thống nhất” đó cũng chỉ là thống nhất về mặt địa dư, chứ để thống nhất được lòng người Việt thì có lẽ còn xa vời lắm cho dù đã 45 năm sau ngày 30-4-1975). 

Và tôi đã gạch bỏ ngay những từ “ngụy quyền”, “ngụy quân” trong các bài viết của không chỉ phóng viên mà cả của cộng tác viên, kể cả những cây bút, tác giả có tên tuổi; thay thế bằng “chính quyền chế độ cũ”, “chính quyền Sài Gòn trước đây”, “quân đội chế độ cũ”, “quân đội chính quyền Sài Gòn”… Cũng không ai kể cả tuyên huấn, tuyên giáo bắt bẻ được tôi, cũng không thấy cộng tác viên nào phản ứng khi tôi biên tập chữ dùng của họ như thế. Đó là cách tôi hàn gắn một vết thương mà cho đến bây giờ vẫn chưa khép miệng. 

Mà khép sao được khi cứ đến những ngày đau buồn của hàng triệu đồng bào miền Nam thì trên đài truyền hình, ở các loa công cộng (kể cả một nơi được coi là văn minh nhất của Sài Gòn hôm nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ) vẫn inh ỏi những là “tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”, “giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ xóa tan bè lũ bán nước” (!)… 

Khép sao được khi mà đến những ngày này, trên một số báo đài vẫn còn dùng từ “ngụy”. Khép sao được khi trên màn ảnh truyền hình những ngày này vẫn cứ rêu rao các mũi tiến công vào dinh lũy Mỹ - ngụy! Tôi căm ghét những kẻ đã và đang cố tình gây thêm thù hận, chia rẽ trong lòng người Việt cũng ngang bằng với sự căm thù đối với bọn Tàu cộng đang hung hãn gây áp lực và ngang ngược xâm lược ở Biển Đông.

Vài dòng ngắn như một dịp nhìn lại đời mình trong kỷ niệm sinh nhật năm nay, tôi muốn bày tỏ sự hài lòng với công việc mình đã làm trong những năm sống với nghề. Tôi đã không sống giả trá, không cơ hội (và đã không vào đảng dù hoàn toàn “xứng đáng”). Tôi cũng luôn biết ơn những gì mình đã được trải nghiệm, đã nhận được nhờ sống dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa từ thơ ấu đến tuổi trưởng thành.

NGUYỄN TRỌNG CHỨC 30.04.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.