Bên ngoài một cơ sở mang danh là "trường dạy nghề" nhưng thực chất là trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ tại Đạt Phản Thành (Dabancheng), Tân Cương. Ảnh chụp ngày 04/09/2018. |
Trong hồ sơ « China Cables » trên Le Monde
hôm nay 25/11/2019, có thuật lại câu chuyện của bà Tursunay Ziavdun,
một người Duy Ngô Nhĩ khoảng 40 tuổi, đã trải qua 11 tháng trong một «
trung tâm giáo dục và đào tạo » của Trung Quốc ở Kunas, tiếng Hoa là Tân
Nguyên (Xinyuan), phía tây Tân Cương.
Tursunay
nằm trong số các tù nhân được trả tự do nhờ có thân nhân ở nước ngoài,
trong trường hợp của bà là ở Kazakhstan, nơi người chồng (quốc tịch
Trung Quốc nhưng thuộc thiểu số Kazakhstan) sinh sống. Những lời kể của
bà từ Almaty, được Le Monde ghi lại trong hai cuộn video dài,
cho thấy chính sách tống giam đại trà người Duy Ngô Nhĩ và người
Kazakhstan đi kèm với sự tùy tiện, đe dọa, dối trá.
Năm
2016, bà Tursunay cùng với người chồng đã định cư nhiều năm tại
Kazakhstan quyết định trở về Trung Quốc, vì bà chưa được nhập tịch
Kazakhstan và visa hết hạn. Hai vợ chồng không có chút nghi ngờ gì, tuy
nhiên Tursunay có chút ngạc nhiên khi gia đình ở Trung Quốc « dường như không được vui khi tôi quay về ».
Cả
hai người đã phải nộp lại hộ chiếu Trung Quốc khi đến Hoa lục - hộ
chiếu của những người Duy Ngô Nhĩ đương nhiên bị tịch thu. Họ sống tại
Ghulja, một thành phố lớn ở tây Tân Cương. Vài tháng sau, Tursunay nhận
được một cuộc gọi yêu cầu « đi họp » ở thành phố nguyên quán là
Kunas. Tại đây, bà bị công an đưa vào một trường dạy nghề cũ, được bảo
là ở lại một đêm…nhưng rốt cuộc là 20 ngày.
Bà kể : «
Chúng tôi được phép giữ lại điện thoại. Phòng có 15 người, nhưng cửa
không bị khóa, nói chung điều kiện không đến nỗi khắc nghiệt lắm ».
Do trước đó từng bị giải phẫu, bà cần phải nhập viện. Bệnh viện gởi trở
lại trung tâm, nhưng người chồng vốn là bác sĩ, nên đã thành công trong
việc đưa bà ra khỏi nơi bị giam vì lý do sức khỏe, vào tháng 5/2017.
Cuộc sống dưới sự khủng bố
Hai
vợ chồng tiếp tục sống tại Ghulja. Người chồng nhận lại hộ chiếu, được
phép quay về Kazakhstan, với điều kiện người vợ phải làm bảo lãnh rằng
chồng sẽ trở lại Hoa lục trong vòng hai tháng. Họ cho rằng đây là giải
pháp tốt nhất : « Nếu chúng tôi ở lại Trung Quốc thì cả hai đều bị
bắt. Tôi đi Kunas với anh ấy và ký giấy. Chồng tôi đi Kazakhstan, còn
tôi trở về Ghulja ».
Vào lúc đó, người dân bắt đầu sống trong nỗi sợ bị bắt đi cải tạo. Tursunay kể : «
Khi gặp một người quen ngoài đường, câu duy nhất mà người ta nói với
nhau là ‘‘A, bạn vẫn còn đây à !’’ Gia đình nào cũng có một người bị
bắt, và đôi khi cả gia đình phải vào trại ». Hai người anh em trai của Tursunay lần lượt bị tống giam vào tháng 2/2018 vì lý do đã gọi điện ra nước ngoài.
Bà biết rằng giờ của mình cũng sắp điểm : công an sách nhiễu từ nhiều tháng qua vì người chồng không quay lại như dự kiến. «
Ngày 08/03/2018, họ gọi cho tôi, bảo rằng có chuyện muốn nói. Tôi hỏi
ngay : ‘’Tôi phải nhập trại, có phải thế không ? – Vâng, nhưng không bao
lâu đâu, đừng lo’’. Họ nói như thế để trấn an, vì đã có những trường
hợp tự sát. Tôi nói, thế thì đồng ý, tôi sẽ đến ».
Bà Tursunay Ziavdun. Ảnh Le Monde |
Người vào trại « cải tạo » bị coi như súc vật
Tursunay đến Kunas, và hôm sau được đưa vào khu trại cũ, nhưng đã được sửa chữa toàn bộ. «
Ngay từ lúc bước vào, tôi hiểu rằng hoàn toàn không giống như trước
nữa. Họ khám người rất kỹ, họ cởi hết quần áo của chúng tôi rồi phát cho
bộ khác, không có nút áo. Tôi có mang theo giấy tờ xác nhận sức khỏe
rất kém, nghĩ rằng họ sẽ cho mình ra. Khi tôi trình giấy chứng nhận,
người nữ quản giáo đã quát nạt : ‘Đừng có đóng kịch, mày tưởng người ta
sẽ thương hại à ? Có những người gần chết mà cũng không được thả đó’.
Tôi vô cùng sợ hãi ».
Hôm đó, Tursunay trông thấy một phụ nữ
Duy Ngô Nhĩ đã trên 70 tuổi nhập trại cùng một lượt, bị buộc phải cởi
chiếc váy dài trước mặt các quản giáo. « Họ để lại cho bà cụ chiếc
vớ dài, rồi giựt đứt hàng nút áo len, và chiếc khăn quàng cổ của bà. Bà
ấy không có tóc. Bà cố che đi bộ ngực chảy xệ, nhưng bị quát phải bỏ tay
xuống. Bà cụ khóc vì xấu hổ, và tôi cũng khóc theo. Hầu hết những kẻ
quát nạt tù nhân là người Hán, còn những người Kazakhstan thì chỉ thi
hành theo lệnh ».
Tursunay bị đưa vào một căn phòng khóa kín
với cửa sắt, và những chiếc giường tầng. Bà kể lại sinh hoạt hàng ngày
và kỷ luật trại giam. « Ban đêm lúc ngủ trên giường, phải thò hai
tay ra khỏi mền. Chỉ được phép nằm nghiêng một bên. Trại viên tiêu, tiểu
trong một chiếc xô. Mỗi đêm, phải thay phiên nhau đứng canh, mỗi lần
hai người một, trong vòng hai tiếng đồng hồ, để bảo đảm tất cả đều trong
trật tự. Ban ngày, chúng tôi chỉ có ba phút để vào nhà vệ sinh : các
quản giáo vũ trang tận răng, nếu ở lâu một chút sẽ bị họ quát tháo ».
Ba tuần sau, bà mới được tắm lần đầu. «
Các nữ trại viên đều bị đẩy vào chung một lượt như súc vật. Nước lạnh
ngắt từ trần nhà chảy xuống, chúng tôi đều lo sẽ bị cảm lạnh ».
« Trung Quốc mạnh lắm, chẳng có ai đến cứu đâu ! »
Được gọi là « học viên lớp 31 »,
Tursunay nhiều lần bị thẩm vấn về cuộc sống ở Kazakhstan : Có cầu
nguyện không ? Có mang khăn choàng Hồi giáo không ? Bà cũng bị chất vấn
về các hoạt động của người chồng, vốn đã mở một dưỡng đường. Bà hiểu
rằng lý sự với công an là vô ích. « Họ thường xuyên nói với chúng
tôi là Trung Quốc là một quốc gia rất hùng mạnh, chẳng có ai đến cứu
chúng tôi đâu ! Họ sẽ tống chúng tôi vào những nhà tù còn tệ hại hơn
trại này nhiều ».
Tursunay
cũng bị buộc theo học đủ thứ, từ tiếng Hoa cho đến luật pháp, ý thức
hệ, trong những « phòng học » bên ngoài bị rào bằng song sắt và có quản
giáo vũ trang canh gác. Mùa hè năm 2018, các « học viên » từng người một
lần lượt vào một gian phòng, trong đó có một quan tòa lần lượt thông
báo bản án của mỗi người, với sự hiện diện của thân nhân họ được triệu
tập đến. « Tôi được lãnh bản án thấp nhất là hai năm, vì không có
người thân nào để có thể mời đến. Sau đó tất cả mọi người đều tìm thấy
một tờ giấy để trên giường, nêu lý do bị kết án ».
Nguyên nhân khiến Tursunay bị đi cải tạo là « đã đi ra nước ngoài và cư trú tại đó ». Dù
vậy bà cũng được thả vào cuối năm 2018, khi nổ ra xì-căng-đan về việc
tống giam những người Kazakhstan tại Trung Quốc hay người thân của các
công dân Kazakhstan, gây bối rối cho Bắc Kinh. Tất cả những tù nhân may
mắn này đều được nhận chỉ thị cuối cùng : « Không được hé răng về những gì đã trải qua ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.