jeudi 14 novembre 2019

Đoàn Bảo Châu - Cảm ơn một con bò đỏ biết chút ít âm nhạc


Chúng ta cùng luận về những lời phát biểu của mấy vị có trình độ lý luận này nhé. 

Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên nhận định sáng tác văn học, nghệ thuật đang xuống thấp một cách không tưởng. “Tàu Trung Quốc vào Biển Đông như thế, đáng lẽ ít ra phải có một bản nhạc nào đó nói lên lòng yêu nước, khí phách của dân tộc chứ. Tôi muốn nói về văn nghệ sĩ, không ai xúc động, không ai làm cả”, ông nói.

Cái này ông Liên nói đúng. Văn nghệ sĩ ở Việt Nam vốn là những con gà đẻ tác phẩm theo chỉ đạo. Thời kỳ sự chỉ đạo ấy hợp với lòng người, những quả trứng có chút giá trị, có chút cảm xúc của người sáng tác. Nhưng khi sự chỉ đạo đã trở nên quá khiên cưỡng, lòng người sáng tác sẽ trơ, sức sáng tạo không còn và họ trở nên vô cảm. 

Theo ông Liên, lòng người hiện biến động dữ dội. Đặc biệt, lớp trẻ tin vào mạng xã hội với thông tin độc lạ mà không tin vào báo chí chính thống. Các diễn biến tư tưởng phức tạp này là hệ quả khi đi vào thị trường và hội nhập quốc tế, thì những vấn đề tư tưởng đang bị đặt vào hàng thứ yếu.

Câu này của ông Liên thống nhất với câu trên. Báo chí chính thống vốn chỉ là một công cụ tuyên truyền, nó không có sức sống riêng nên mất uy tín với giới trẻ là chuyện đương nhiên. 

Ông Liên nêu quan điểm văn học, nghệ thuật phải đứng vào vai trò như thời chiến tranh. “Thấy kinh tế lên mà bỏ qua mặt trận văn hóa tư tưởng là sai lầm. Giữ chế độ này là giữ thành quả cách mạng, nhưng giờ bỏ qua hết, chạy theo giải trí, game show… Trong khi để kế thừa cái đã có thì làm không tốt, mà lại ca ngợi boléro của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống của giai đoạn đó…

Cũng từ khi đi vào thị trường, hội nhập, chúng ta lại quên đi biến động vô cùng phức tạp. Chương trình Âm nhạc Việt Nam - Những chặng đường trên VTV không biết chủ trương của Bộ Chính trị hay của ai, vì cái này ca ngợi nhạc của Sài Gòn cũ bằng những lời có cánh” - ông nói.

Cái này bắt đầu lộ tính ghen tị, lộ sự hẹp hòi, cứng nhắc của Ông Liên. Thời gian là cái sàng tốt nhất để giữ lại những gì có gía trị thực sự, bất chấp sự chỉ đạo tư tưởng của bất kỳ ai. Người nghe sẽ tự chọn cho mình loại âm nhạc họ cảm thụ được. 

Giờ chúng ta xem nhạc sĩ "một rừng cây, một đời người" nói gì nhé. 

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng cho rằng, nói chua cay, mỉa mai như báo chí thì nhạc cách mạng hiện nay gần như đã “rút lui vào hoạt động bí mật”. Các chương trình chính thống muốn lên đài truyền hình vào giờ vàng thì khó lắm.

“63 tỉnh, thành thì có được bao nhiêu đài có phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch? Ít lắm. Cục Biểu diễn nghệ thuật từng bảo tôi: “Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa”. Tôi nghe sốc và đau lắm. Không được đâu. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương hết sức vĩ đại, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhưng đoàn kết luôn có nguyên tắc tôn trọng độc lập tự do, tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được.” 

Cùng một tâm thức nhỏ mọn như ông Liên thôi nhưng mức độ đui mù còn trầm trọng hơn. Vẫn với cái tâm lý của bên thắng cuộc, các ông thắng chứ người dân có thắng đâu mà bắt người dân phải theo suy nghĩ, sự phân biệt của các ông? 

Tiếp nhé: 

Cũng theo ông Ẩn, nhạc ca ngợi Việt Nam Cộng Hòa mà giờ cũng cho là ca ngợi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì không được: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.

44 năm đã trôi qua mà suy nghĩ của ông Ẩn vẫn y như trước. Ông gọi đấy là "trang sử đen tối", "bị xâm lược", "độc hại". Tôi không biết ông Ẩn hiểu cái "sự đen tối" ấy đến đâu, ông có đọc các tác phẩm văn học và có biết cảm thụ âm nhạc "đen tối" ấy không hay ông chỉ quen thói chụp mũ trơ tráo mà chẳng động não tìm hiểu? 

Tôi không biết là họ "bị xâm lược" cái gì? Mỹ có mang một mét đất nào về không hay chính "người anh em" đểu giả của Miền Bắc Việt Nam chính là kẻ cướp Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam? 

Thời sinh viên tôi cũng hát bài "một rừng cây, một đời người" của ông Ẩn. Giờ tôi mới hiểu là ông là dạng nhạc sĩ có chút tài năng nhưng tư tưởng và nhận thức của ông vẫn chỉ như một thằng trẻ con mới lớn, não bị tẩy không thể cải tạo được. 

Thời gian sẽ trôi qua, rồi có lúc con người ta sẽ thấy mọi ý thức hệ chỉ là vớ vẩn. Bộ máy nào bảo vệ được chủ quyền dân tộc, phát triển được kinh tế và coi trọng những giá trị phổ quát của nhân loại như dân chủ, nhân quyền, tự do, sự minh bạch của hệ thống... thì bộ máy ấy xứng đáng được tôn vinh, còn không thì sớm hay muộn cũng bị đào thải. 

Cảm ơn ông Ẩn, qua đây thì tôi mới hiểu ông là một con bò đỏ nhưng biết chút ít âm nhạc.

ĐOÀN BẢO CHÂU 14.11.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.