1) Cách đây mấy tháng, tôi có đưa lên
phây của mình tấm ảnh nổi tiếng chụp cảnh tướng Loan bắn Bảy Lốp trên đường phố
Sài Gòn năm Mậu Thân 1968 đã được photoshop. Tôi đưa vì thấy tấm ảnh có ý tưởng
khá hay về hòa bình. Một ai đó đã mang cái tem thư in hình đóa hoa đặt vào vị
trí bàn tay cầm súng của tướng Loan.
Tôi rất bất ngờ khi tấm ảnh đó nhận được
hai luồng comment đối nghịch và thù hận nhau. Rất nhiều người lên án tướng Loan
và cho rằng việc đặt đóa hoa vào nòng súng của kẻ giết người là một việc không
nên làm. Nhiều người khác cũng chống đóa hoa nhưng với lý do ngược lại: Bảy Lốp
đã hành hình cả gia đình một sĩ quan Sài Gòn, kể cả người già và trẻ con, nên xứng
đáng nhận lãnh phát súng trừng phạt.
Chỉ qua một tấm ảnh photoshop của một tác
giả vô danh trên mạng, tôi biết rằng dù cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc đã
khép lại sau 44 năm, nhưng chiến tranh vẩn còn hiện hữu sâu đậm giữa lòng người.
2) Tháng 3-2017, tôi qua Mỹ du lịch. Bước
vào quán phở 79 được cho là ngon nhất Little Saigon ở Nam Cali, cậu hướng dẫn
viên người Việt sống ở Mỹ bảo tôi : “Anh có thể chụp hình bất cứ người
Mỹ nào trong quán nhưng chớ chụp người Việt, vì họ không thích”. Khi đi giữa
Washington DC, nhìn vào cái khăn rằn quấn cổ chống lạnh của tôi, ông anh của thằng
bạn học thời trung học nhắc nhở ngay: ”Em nên cất cái khăn để được an toàn
vì người Việt bên này coi đó là cái khăn của Việt Cộng.”
Cuộc sống lại càng trớ trêu hơn, khi hoàn
cảnh đã đưa đẩy hậu duệ của những gia đình Việt cộng qua tận đất Mỹ để “tái hợp”
với “bên thua cuộc”- những người đã trốn chạy đất nước với gánh nặng lưu vong.
Tôi nhớ câu thành ngữ ”chạy trời không khỏi nắng” của người Việt, khi nhìn thấy
hai chiến tuyến lòng người lại được thiết lập ngay trên đất Mỹ, và tôi gọi
riêng cho mình cái tình cảnh ấy là ”thù hận mang theo”.
Từ những chi tiết chứng kiến và được kể lại
từ cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, tôi biết rằng, dù có cách xa nhau nửa vòng
trái đất, nhưng thù hận giữa người Việt với nhau chưa bao giờ chấm dứt.
3) Khi nhạc sĩ Phạm Duy từ Mỹ muốn về nước
lần đầu sau những năm tháng lưu vong, nhiều người trong nước, có một số nhạc
sĩ, chống lại điều đó, và Khánh Ly cũng gặp tình cảnh tương tự. Trường hợp phó
tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ lúc đầu cũng thế.
Dù mọi thứ về sau dễ chịu hơn, nhưng chưa
thể nói rằng sự cách chia giới tuyến trong lòng người đã được dỡ bỏ, qua rất
nhiều biểu hiện của nó trong đời sống( cứ xem YouTube là biết).
Một cuộc hội ngộ mới đây giữa các văn nghệ
sĩ hai chiến tuyến người Việt đã được Hội nhà văn Việt Nam tổ chức với mục đích
“hòa giải hòa hợp dân tộc” nhưng đã thất bại, vì các nhà văn người Việt ở Mỹ
không chịu tham gia. Đỗ Trung Quân, một nhà thơ trưởng thành ở Sài Gòn phải cay
đắng thốt lên: “Anh em ở ngay trong nước mà còn chưa chịu hòa giải thì đi
đâu cho xa vậy” !
4) Và bây giờ thì chúng ta đã thấy được sự
dai dẳng của thù hận, qua hai nhân chứng điển hình của nó là GS Mai Quốc Liên
và nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Họ là người của ”bên thắng cuộc”, nhưng đều là những đứa
con của miền Nam ruột thịt, được nuôi dưỡng bởi thức ăn và văn hóa miền Nam, đã
và đang là chức sắc cầm chịch văn hóa nghệ thuật miền Nam. Vậy mà sau 44 năm
hòa bình, người trước vẫn tuyên bố lòng căm thù của mình với nhạc boléro, người
sau thì dõng dạc lên án “văn học nghệ thuật độc hại của miền Nam".
5) Người Việt có thể tha thứ cho kẻ ngoại
bang từng mang bom đến tàn phá đất nước mình, và bao dung với những kẻ thảm sát
đồng bào ở hai đầu biên giới. Nhưng dường như họ rất khó bao dung và tha thứ
cho nhau. Vậy làm sao để hòa giải hòa hợp được đây, khi bánh ít không chịu đi
và bánh quy không chịu lại?
Vì đâu nên nỗi này? Vì lịch sử đất nước
trải qua nhiều cuộc nội chiến phân ly chăng? Vì truyền thuyết trăm trứng đã
phân ly dân tộc trước khi lập quốc chăng? Vì chính sách" tàn bạo" của
bên thắng cuộc chăng? Hay vì định mệnh của chúng ta?
6) Thù hận chưa chịu nguôi ngoai ! Làm
sao chấm dứt thù hận âm ỉ vẫn đang ngấm ngầm tàn phá chúng ta? Làm sao để dân tộc
này đoàn kết lại, thoát khỏi tình trạng hôm nay ? Tôi nghĩ, làm được điều đó,
chắc chỉ có một cuộc xâm lăng của ngoại bang mà thôi.
NGỌC VINH 14.11.2019
Sao khi cộng sản tại VN sụp đổ cỡ 100 năm, may ra có sự thống nhất lại dân tộc Việt.
RépondreSupprimer