mercredi 13 novembre 2019

Ngô Nhân Dụng -Tòa Tối Cao phải lấn vào chính trị


Các lãnh đạo đảng Dân Chủ thể hiện sự ủng hộ đối với những người nhập cư thuộc diện DACA vào ngày 12 Tháng Mười Một. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

(Người Việt 12/11/2019) Tối Cao Pháp Viện Mỹ bắt đầu xử vụ DACA. Quyền tư pháp phải quyết định chính phủ liên bang có được tiếp tục một chính sách của của họ hay không, trong khi đáng lẽ các đại biểu bên lập pháp phải giải quyết vấn đề này.

Trong thế tam quyền phân lập của chế độ dân chủ, nhiều người Mỹ đã than phiền về các thẩm phán “tiếm quyền” của các nhà chính trị. Vì khi giải thích Hiến Pháp họ gây ra các hệ quả chính trị mà đáng lẽ các đại biểu Quốc Hội mới có quyền quyết định. Nhưng đây là một trường hợp ngược lại, quyền tư pháp bị bắt buộc phải xen lẫn vào chính trị.

Chương trình DACA là một quyết định năm 2012 của cựu Tổng Thống Barack Obama (Deferred Action for Childhood Arrivals). Ông cho hoãn trục xuất các trẻ em đã vào Mỹ theo cha mẹ di dân bất hợp pháp. Những người đó, được gọi là “Những người mơ ước” (Dreamers) phần lớn nay đã trưởng thành. DACA được áp dụng cho những người tới Mỹ khi còn dưới 16 tuổi và chưa tới 31 tuổi. Chỉ những người không phạm tội ra trình diện mới được hoãn; vì nếu phạm tội chính các người có thẻ xanh vẫn có thể bị trục xuất. Chính sách này cho phép 1.7 triệu trong số 11 triệu di dân bất hợp pháp (di dân lậu) được quyền làm việc, gia hạn từng hai năm một.

Vì số nhân viên và quan tòa Sở Di Trú không đủ, nếu làm hết sức mỗi năm họ chỉ có thể trục xuất khoảng 400,000 người. Những người được coi là không nguy hiểm cho xã hội thường được tạm thời làm việc.

Chính phủ Mỹ từng ngưng trục xuất bốn loại di dân lậu, con số rất nhỏ. Đó là góa phụ của các công dân Mỹ chưa kịp nhập tịch, những phụ nữ bị chồng đánh đập, các nạn nhân của bọn buôn người, và các du học sinh bị ảnh hưởng của trận bão Katrina.

Trước năm 2012 đã có một chính sách khoan hồng cho di dân lậu gọi là DAPA (Deferred Action for Parents of Americans and Lawful Permanent Residents), cho phép cha mẹ các di dân hợp pháp được ở lại Mỹ. Năm 2014, ông Obama đã triển hạn cư trú cho hơn 4 triệu những người này.

Tháng Chín, 2017, Tổng Thống Donald Trump đã ra lệnh chấm dứt chương trình DACA và yêu cầu Quốc Hội Mỹ làm luật tiếp tục gia hạn giấy phép làm việc hai năm một lần, bảo vệ các người đang hưởng chương trình này. Nhưng Quốc Hội Mỹ, lúc đó do đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hai viện, đã không làm.

Quyết định rút DACA của Tổng Thống Trump bị kiện và ba tòa án ở California, New York và Washington, D.C., đã tuyên án không hợp pháp. Phần lớn các tòa án bác bỏ quyết định vì hành pháp đã không nêu lý do chính đáng, hoặc vì không làm đúng thủ tục.

Chính sách của Tổng Thống Trump được Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions lúc đó đưa ra, lấy lý do là cựu Tổng Thống Obama đã vượt quá quyền hạn của một tổng thống. Nhưng, trong văn bản chỉ có một trang, ông Sessions không giải thích tại sao quyết định này vi hiến. Tòa Phúc Thẩm Quận Hạt 9 tuyên bố rằng chính phủ có thể chấm dứt DACA vì lý do chính sách quốc gia; nhưng khi nói rằng chương trình này bất hợp hiến thì lý lẽ đó không vững. Hơn nữa, các luật lệ liên bang yêu cầu trước khi quyết định chấm dứt một chương trình, hành pháp phải theo đúng thủ tục có một thời gian nghiên cứu các hậu quả; mà chính phủ Trump đã không làm.

Bây giờ vụ kiện được đưa lên Tối Cao Pháp Viện. Trong ngày Thứ Ba, trước tòa, Bộ Trưởng Noel Francisco, công tố viên của chính phủ, biện hộ rằng việc chấm dứt một chương trình ngưng trục xuất di dân lậu hoàn toàn thuộc thẩm quyền của hành pháp, khi thi hành luật lệ. Chính phủ trước quyết định hoãn thi hành luật, chính phủ này chỉ chấm dứt chính sách đó, để thi hành đúng các luật lệ theo ý muốn của Quốc Hội.

Thẩm Phán Tối Cao Stephen Breyer nêu ra những ý kiến nói rằng chính phủ đã không chú ý đến hậu quả của quyết định ngưng chương trình DACA. Không phải chỉ tác động trên 700,000 người mà còn ảnh hưởng trên những cơ sở kinh doanh, trường học, các tôn giáo và cả nền kinh tế; mà những hậu quả này không được chính phủ để ý tới. Hơn 140 công ty và hiệp hội thương mại đã góp ý kiến với Tòa Tối Cao, yêu cầu hãy giữ lại chương trình DACA.

Những người phản đối còn nêu lý do rằng hậu quả quyết định chấm dứt DACA là khiến hàng triệu người sẽ bị đuổi về các quốc gia mà họ không hề biết gì cả, vì từ nhỏ lớn lên chỉ sống ở Mỹ. Trong số những người đang sống trong chương trình DACA, một phần tư cư ngụ trong tiểu bang California. Nhiều người đã lập gia đình và công việc làm rất tốt. Nếu Tối Cao Pháp Viện đồng ý với quyết định của Tòa Bạch Ốc, sang năm họ có thể không được làm việc.

Trong phiên tòa ngày Thứ Ba, các Thẩm Phán Tối Cao biểu lộ hai khuynh hướng rõ rệt. Bốn vị thẩm phán bảo thủ đặt những câu hỏi về tính chấp hợp hiến của DACA, bốn vị cấp tiến nhắm vào các lý lẽ ông Noel Francisco đưa ra bênh vực quyết định của chính phủ Trump. Người sẽ bỏ lá phiếu thứ năm đưa tới phán quyết của tòa là Chánh Án John G. Roberts Jr., người do cựu Tổng Thống Georges W. Bush bổ nhiệm. Ông Roberts đã nêu nhiều câu hỏi với cả hai phía nhưng không cho thấy ông nghiêng về phía nào.

Kể từ khi được ban hành năm 2012, chương trình DACA đã được đa số người Mỹ ủng hộ. Cuộc nghiên cứu của Pew Research Center năm ngoái cho thấy 73% dân Mỹ, theo hai khuynh hướng Cộng Hòa và Dân Chủ, đồng ý nên cho các trẻ em theo cha mẹ vào nước Mỹ bất hợp pháp được ở lại và dần dần sẽ trở thành công dân.

Đáng lẽ các nhà chính trị phải giải quyết vấn đề này theo ý đa số dân chúng. Nhưng bây giờ số phận hàng triệu người đang nằm trong tay quyền tư pháp. Chính vì các đại biểu Quốc Hội không làm nhiệm vụ của họ nên tòa án phải nhúng tay vào! Các quan tòa tối cao phải nhúng tay vào một câu chuyện chính trị đang sôi nổi dù họ không muốn. Giống như quyền tư pháp đang lấn hành pháp và lập pháp, trái với quy tắc phân quyền!

Tổng Thống Donald Trump đã tuyên bố nếu Tối Cao Pháp Viện đồng ý với quyết định của chính phủ thì ông sẽ thúc đẩy Quốc Hội làm ngay luật để hợp thức hóa tình trạng cư trú của những người đang hưởng chương trình DACA. Nhưng tình trạng hai viện Quốc Hội đang chia rẽ và chỉ chú tâm vào vụ đàn hặc sẽ không cho phép người ta tiến tới một thỏa hiệp. Cuộc tranh luận về số phận những “người mơ ước,” Dreamers, chỉ tạo cơ hội cho các nhà chính trị nói ồn ào để thu hút các cử tri sẽ bỏ phiếu sang năm!

Tối Cao Pháp Viện có thể sẽ đưa ra phán quyết vào Tháng Sáu năm tới, đúng vào lúc cuộc vận động tranh cử lên độ gay go. Các Dreamers đang trở thành những quân cờ cho các chính trị gia sử dụng đấu đá nhau.

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.