samedi 9 novembre 2019

Tuấn Khanh - Bức tường Berlin, câu hỏi nhân kỷ niệm 30 năm


Thế giới vừa nhắc tên việc sụp đổ của một bức tường dài đến 155 cây số. Berlin Wall, bức tường là biểu tượng của một phần nhân loại bị ám đỏ, tuyệt vọng và khao khát tự do. Ngày 9/11 năm 2019 đánh dấu 30 năm hàng hàng lớp lớp con người bước ra ánh sáng, chào nhau và dặn dò với mai sau, rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thứ trá hình của cuộc hôn phối quái đản giữa chế độ phong kiến và độc tài hiện đại.

Nhưng ý nghĩa hơn nữa, đó là ngoài việc bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, người ta nhìn thấy một cuộc tháo chạy, hốt hoảng đến điên cuồng của giới mật vụ, an ninh Stasi, vốn được coi là hung thần số một ở đằng sau bức màn sắt Đông Âu.

Không lâu sau khi hàng trăm người dân Đông Đức kéo nhau chạy qua đường biên giới, đánh dấu cho sự sụp đổ toàn diện đế chế cộng sản Đông Âu, hàng ngàn người dân cũng đổ xô, tràn vào các văn phòng của cơ quan mật vụ Stasi để lôi ra những hồ sơ mà ngày thường họ bị theo dõi, bị nghe lén, báo cáo... Bao gồm luôn cả những người tìm kiếm thân nhân của họ đã bị an ninh bắt đi nhiều năm không còn tin tức.

Các nhân chứng vào giờ phút ấy, kể lại rằng nhân viên mật vụ Stasi cuống cuồng tiêu hủy các hồ sơ, nhằm tránh các cuộc phanh phui và trả thù của dân chúng, nhưng không kịp. Các máy hủy tài liệu chạy hết công suất, nghẽn hay cháy, khiến các nhân viên an ninh hoảng loạn xé bằng tay, nhồi vào túi hay thùng và đổ xăng đốt đi. Nhưng rồi các cánh cửa bật mở, đám đông giận dữ xông vào khiến những nhân viên Stasi phải buông tay, chạy trốn.

Ngày thường, các tay an ninh mặt sắt đen sì, cười kiêu ngạo, là nỗi ác mộng của hàng triệu người Đông Đức. Nhưng giờ đây, họ chỉ còn một mong ước cuối cùng là thủ tiêu những vết tích đã chống lại con người, chống lại ngay chính dân tộc của họ, và tháo chạy.

Tuy vậy, hàng triệu bản ghi âm, hình chụp, hồ sơ báo cáo... vẫn được giữ lại. Thậm chí những bản hồ sơ xé vụn cũng được các nhà hoạt động nhân quyền gom về, phục dựng, nối ráp. Thậm chí, vì khao khát tìm lại sự thật và công bằng cho các nạn nhân, suốt 10 năm, các nhà nghiên cứu ở Berlin Fraunhofer Institute vẫn tìm tòi và công bố bản nhu liệu E-puzzler có khả năng sao lưu, dùng thuật toán AI để gắn lại các mảnh vụn thành bản hoàn chỉnh, dựa trên tương ứng màu giấy, phông chữ, hình dạng... để phục vụ cho hồ sơ khoảng 3 triệu người Đức vẫn luân phiên nộp đơn về Federal Archives (Cơ quan lưu trữ liên bang) xin đọc và tìm kiếm về họ hoặc về người thân.

Nước Đức đã chi hơn 2 triệu Euro để phục vụ cho việc sao lưu và phục hồi các dữ liệu này, như một lịch sử của tội ác không chỉ ở riêng nước Đức, mà cả thế giới cũng không muốn quên. Có không ít người đã tìm thấy các văn bản điều tra, ép tội, bỏ tù mình khi các hồ sơ được phục hồi. Có không ít người tìm thấy thầy giáo hay bạn mình, chính là người đã mật báo về mình với công an.

Nước Đức tự do hôm nay ghi nhận rằng chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra guồng máy an ninh mật vụ theo dõi, kiểm soát đến 5,6 triệu người Đông Đức bị coi là "phản động". Tức là khoảng 6 người dân thì có một nhân viên an ninh chính thức hay bán thời gian theo dõi. Mỉa mai thay, càng đồ sộ và tinh vi để trói buộc con người, vết tích của bộ máy an ninh độc tài càng lớn, khó mà che đậy.

30 năm sau cái chết của một nhà nước Cộng sản, sự tổn thương của người dân Đông Đức vẫn mới nguyên. Đặc biệt với các thành phần nghĩ rằng mình chỉ cắm cúi kiếm sống và chấp nhận chế độ nên sẽ thoát nạn. Thế nhưng khi đọc các hồ sơ theo dõi, tầng lớp đó lại sững sờ khi thấy họ cũng không vô can.

Có tin là chính phủ Đức muốn đóng lại toàn bộ các chứng tích đó vào năm 2020, như một cách khép lại quá khứ, chấm dứt sự căm hận không nguôi đang xâu xé con người. Trong đó, bao gồm việc cứu rỗi hàng chục ngàn cựu nhân viên Stasi vẫn nơm nớp sợ bị nhận mặt trả thù, hoặc đầy mặc cảm vì đã nhúng chàm theo một cách nào đó. Nhưng việc chính phủ muốn đóng lại kho dữ liệu này hiện cũng đối diện với sự phản đối của giới luật sư nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động. Lý giải cho việc có thể đóng lại kho lưu trữ này, một người từng làm việc cho Federal Archives nói rằng "một nhà nước văn minh ắt sẽ không thể hành động như cộng sản, tạo điều kiện cho con người căm thù và chà đạp nhau, và từ đó hưởng lợi".

Câu hỏi vẫn còn vọng lên, sau 30 năm thống nhất nước Đức, vì sao cũng cùng là con người, nhưng các chế độ độc tài cộng sản lại có thể biến một lớp người chỉ còn thú tính và thuần túy khao khát danh lợi. Không chỉ Stasi, mà cả KGB (Nga), Securitate (Rumani), AVH (Hungary)... đều là guồng máy giỏi tạo ra những nhân viên an ninh xảo quyệt và tàn nhẫn. Và họ, cũng là những kẻ chạy trốn nhanh nhất, giả dạng nhanh nhất khi triều đại nuôi dạy họ sụp đổ.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi nữa, mà lịch sử vẫn đặt ra với mỗi chúng ta: có triều đại nào chống lại con người mà không sụp đổ?

TUẤN KHANH 09.11.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.