lundi 28 janvier 2019

Nga lo sợ thay đổi chế độ ở Venezuela



Hai tổng thống Venezuela và Nga tại Matxcơva ngày 05/12/2018. Ảnh Maxim Shemetov
(Pierre Avril, LeFigaro 28/01/2019) Matxcơva tố cáo sự can thiệp của phương Tây vào chuyện nội bộ của Caracas, đồng minh chiến lược quan trọng duy nhất của Nga tại Nam Mỹ để chống lại ảnh hưởng của Washington.

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng hôm 21/1, Matxcơva đã tập trung sức lực vào cuộc chiến chống lại mưu toan « đảo chính ở Caracas do Washington bảo trợ », theo quan điểm của điện Kremlin về cuộc so găng giữa người được bảo trợ là Nicolas Maduro và Juan Guaido, « một người bước ra từ đường phố » - như đánh giá của chủ tịch Quốc hội Nga Viatcheslav Volodine.

Cùng với đồng minh Trung Quốc, chính quyền Nga hôm thứ Bảy 25/1 cố gắng cản trở cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tố cáo « sự can thiệp » của phương Tây vào « chuyện nội bộ của Venezuela ». Theo Reuters, có ít nhất mấy chục lính đánh thuê liên quan đến công ty Wagner thân cận với Bộ Quốc phòng, trong những ngày gần đây đã bay từ La Habana đến Caracas để bảo đảm an ninh cho tổng thống Maduro.

Ông Maduro được coi là đồng minh chiến lược của Matxcơva, hơn nữa, lại là duy nhất trong khu vực, giúp Kremlin chống lại ảnh hưởng lịch sử của Washington tại lục địa Nam Mỹ, như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Hugo Chavez được tiếp tám lần trong vòng bảy năm, rồi đến Nicolas Maduro trở thành vị khách thường xuyên nhất của Vladimir Putin – nếu không tính đến các nhà lãnh đạo những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Sự ủng hộ này lại càng rõ nét trong cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc ở Venezuela, vốn bị Mỹ trừng phạt. Từ năm 2006, Nhà nước Nga đã cho Venezuela vay ít nhất 17 tỉ đô la, và do không có tiền, Caracas trả cho Matxcơva bằng dầu lửa.

Khi thăm thủ đô Nga tháng 12 năm ngoái, Nicolas Maduro cảm ơn người bảo trợ Nga đã đầu tư thêm 6 tỉ euro, trong đó 5 tỉ dành cho việc khai thác năm mỏ dầu ở Venezuela và 1 tỉ còn lại để khai thác vàng. Tuy vậy chưa chắc số tiền này đã được giải ngân. Tập đoàn dầu khí Rosneft đóng vai trò chủ đạo trong vụ này, như chuyến thăm Caracas mới đây của chủ tịch Igor Setchine – một người thân tín của tổng thống Vladimir Putin – đã chứng tỏ.

Nay tập đoàn Nga phải lo giải quyết một kỹ nghệ dầu khí đang trong tình trạng tệ hại, do PDVSA quản lý, và các tập đoàn lớn của phương Tây tránh xa. Từ năm 2013, Rosneft đã đầu tư ít nhất 8,7 tỉ đô la ; trong đó có 6,5 tỉ dưới dạng trả trước cho dầu thô sẽ giao, và nắm cổ phiếu đáng kể trong hai chi nhánh của tập đoàn PDVSA. Rosneft không hề lên tiếng từ khi nổ ra khủng hoảng.

Cuối cùng, Nga là nhà cung cấp vũ khí trung thành với chế độ Venezuela, và là nước duy nhất bán vũ khí từ khi Hoa Kỳ rút lui. Một thỏa thuận hợp tác quân sự song phương đã được ký từ năm 2001 với Hugo Chavez, cụ thể hóa bằng việc chuyển giao các trực thăng Mi, tiêm kích Sukhoi, hệ thống chống hỏa tiễn, xe bọc thép và súng trường Kalachnikov, được cho là sẽ được sản xuất nhượng quyền tại Venezuela. Các thông tin về việc xây dựng một căn cứ quân sự Nga trên  lãnh thổ nước này đã được đại sứ quán Nga ở Caracas đính chính.

« Rất có thể là cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng về vũ khí phòng không, nhưng chúng tôi trông cậy vào một Nhà nước hợp pháp, với sự ủng hộ của nhân dân và quân đội, sẽ tái lập được trật tự hiến định ». Phó thủ tướng Nga Igor Borissov bày tỏ mong muốn như trên. Chính phủ nước ông sẽ bị thiệt hại rất nhiều nếu chế độ Venezuela sụp đổ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.