mardi 22 janvier 2019

Chuyên gia Hứa Tùng Tộ : Kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng


Cổ phiếu sụt giảm, nhà đầu tư không còn tin tưởng vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
(Frédéric Lemaître, Le Monde 22/01/2019) Thị trường tài chính suy sụp, doanh nghiệp phá sản, nợ vay không trả được…Đối với nhà kinh tế Hứa Tùng Tộ (Xiang Songzuo) ở đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc đang « chậm lại rất nhiều ».

Là cựu kinh tế gia trưởng Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, ông Hứa Tùng Tộ, sinh năm 1965, là giáo sư trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh. Trong một hội nghị tháng 12/2018 tại Bắc Kinh ông đã đưa ra tỉ lệ tăng trưởng Trung Quốc chỉ có 1,67%, video này đã được xem hơn một triệu lần trên internet.

Hồi tháng 12/2018, ông đã đặt lại vấn đề về con số thống kê chính thức tăng trưởng của Trung Quốc. Theo ông, thì ở mức nào ?

Tôi chỉ lấy lại ước tính của một viện nghiên cứu. Người dân vẫn nghi ngờ con số thống kê chính thức. Ước đoán mà tôi nêu ra có mục đích chứng tỏ tăng trưởng đã giảm rất mạnh trong năm 2018. Chủ tịch nước, thủ tướng, và tất cả mọi người nay nhìn nhận là chúng tôi đang đối mặt với tình trạng kinh tế đang chậm lại rất nhiều.

Kinh tế Trung Quốc đang gặp khủng hoảng chăng ?

Chúng ta có thể nói là kinh tế Trung Quốc đang gặp khủng hoảng. Có rất nhiều chỉ số cho thấy như vậy. Thị trường tài chính sa sút, doanh nghiệp phá sản, nợ vay không trả được, đầu tư giảm mạnh. Tiêu thụ đang giảm xuống đôi chút, lượg xe hơi bán ra, sức mua tại các trung tâm thương mại và điện thoại di động đều giảm sút.

Có thể so sánh tình hình này với cuộc khủng hoảng năm 1929 hay không ?

Nếu quan sát các thị trường chứng khoán, thì có thể so sánh được ! Mười năm sau sự kiện  1929, Wall Street đã giảm hai phần ba giá trị. Trong mười năm gần đây, các cổ phiếu Trung Quốc cũng đã giảm trung bình 70%, thậm chí còn hơn thế nữa. Thực tế đó là một thảm họa đối với nhiều nhà đầu tư.

Đây có phải là khó khăn cho người dân ?

Tất nhiên. Một khó khăn lớn. Tài sản của nhiều người bị mất đi. Không còn việc khuyến khích tiêu dùng hoặc đầu tư nhiều hơn.

Cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ có phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng ?

Đó là một trong những nguyên nhân, nhưng không phải là chính yếu. Cuộc thương chiến chủ yếu gây tác động tâm lý lên các nhà đầu tư. Nhưng nguyên nhân chính khiến nền kinh tế chậm lại, là các chủ doanh nghiệp không tin tưởng vào chính sách.

Hồi tháng 11/2018, chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí đã phải giải thích với các doanh nghiệp tư là ông sẽ không thay đổi chính sách, và hứa hẹn bảo vệ sở hữu tư nhân.

Làm thế nào Trung Quốc có thể kết thúc chiến tranh thương mại ?

Tôi nghĩ rằng sẽ có một thỏa thuận vào ngày 1 tháng Ba tới (hạn chót do ông Donald Trump ấn định). Hoa Kỳ cũng cần như thế. Cần phải loại trừ tâm lý bất ổn đang ám ảnh tất cả mọi người. Nhưng vấn đề chủ chốt, là Washington lo ngại về quyền lực thực sự của Trung Quốc, nhất là về công nghệ.

Mối quan ngại thứ hai là các tập đoàn quốc doanh. Họ nhận được trợ cấp ồ ạt của chính phủ, khiến việc cạnh tranh trở nên bất bình đẳng. Thứ ba là tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ và đánh cắp các công nghệ cao của Mỹ. Để đáp ứng những mong đợi này, cần có những cải cách về cơ cấu, nhưng chủ tịch Tập Cận Bình hầu như từ chối tất cả.

Trước mắt, tôi không thấy cách nào để giải quyết cuộc xung đột này. Thỏa thuận có thể đạt được về thuế hải quan, những lời hứa mua thêm hàng hóa, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chính sách cởi mở hơn đối với các công ty ngoại quốc, nhưng không thể có những cải cách cơ cấu như Hoa Kỳ đòi hỏi, vì nó đặt lại vấn đề về mạng lưới quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trước tình hình kinh tế chậm lại, chính phủ phải làm gì ?

Từ tháng 10/2018, chính quyền đã thay đổi chính sách để kích thích đầu tư cả công lẫn tư, chính sách này sẽ mang lại tác động tích cực. Nhưng về lâu về dài, chúng tôi cần có những thay đổi mang tính căn cơ hơn. Câu hỏi chủ chốt là làm thế nào tăng cường sự tin tưởng nơi các nhà đầu tư và nhà kinh doanh ? Ngày càng nhiều doanh nhân lo ngại cho sự an toàn về tài sản của mình, không dám đầu tư thêm, nhất là thị trường chứng khoán sa sút khiến người ta không còn tin tưởng.

Những động cơ chính của kinh tế Trung Quốc trong năm nay là gì ?

Tăng trưởng chủ yếu  sẽ nhờ vào đầu tư, nhất là đầu tư công. Tiêu thụ sẽ giảm xuống một chút. Xuất khẩu thì chưa biết được, theo dự báo của tôi thì sẽ tiêu cực. Đó là lý do khiến tôi nghĩ rằng tăng trưởng sẽ kém, cho dù có tin vào số liệu chính thức thì chỉ khoảng 6%.

Tỉ lệ này không tệ lắm…

Theo quan điểm Trung Quốc thì rất thấp.

Mức nợ công thực sự của Trung Quốc là như thế nào ?

Thật là hỗn loạn. Chính phủ cố gắng tái cấu trúc nợ của các chính quyền địa phương và tăng nợ của trung ương. Tình hình hiện nay không thể chịu đựng nổi nữa.

Tuy nhiên dù vậy, chính phủ vẫn tăng mức nợ một cách đáng kể trong năm nay. Họ cố gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân muốn vay nợ, nhưng việc này rất phức tạp, vì có thể gây ra nhiều vụ phá sản. Không có cách nào dễ dàng để thoát khỏi tình trạng này. Thâm thủng ngân sách sẽ vượt quá 3% GDP, với gần 3.000 tỉ nhân dân tệ (390 tỉ euro).

Như vậy là phải từ bỏ ý định cải cách doanh nghiệp quốc doanh ?

Tôi không cho là sẽ cải cách được các công ty quốc doanh trong năm nay. Về lâu dài, mục tiêu là chú trọng thị trường nhiều hơn nhà nước, theo mô hình công ty Temasek của Singapore. Nhưng các nhà lãnh đạo phải do ĐCSTQ bổ nhiệm, và phải đưa ra những quyết định quan trọng. Đó là một nghịch lý. Ngày nay người ta nghĩ rằng các lãnh đạo doanh nghiệp công chỉ là bù nhìn, các quyết định là do đảng, và Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Trung Quốc vẫn còn là một quốc gia mới trỗi dậy hay là nước phát triển ?

Trung Quốc vẫn luôn là nước mới trỗi dậy. Tất nhiên là có giai cấp trung lưu và tầng lớp giàu, nhưng nói chung vẫn còn nghèo. Không nên chỉ nhìn vào Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến.

Trong làng quê của tôi ở Hồ Bắc, vẫn chưa có nhà vệ sinh lẫn nhà tắm hiện đại, và y tế, giáo dục còn thiếu thốn. Hãy quên đi những con số thống kê của Ngân hàng Thế giới, chỉ tiêu duy nhất cho sự phát triển một đất nước, là cuộc sống nơi thôn quê.

Bất bình đẳng xã hội có gây ra vấn đề về chính trị ?

Sự giàu có tăng lên trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, ở đâu cũng vậy, đều tạo ra bất bình đẳng. Nhưng tại Trung Quốc, quan trọng là chính sách thuế. Tất cả chính sách thuế khóa đều dựa vào việc đánh thuế người nghèo và giai cấp trung lưu. Có quá nhiều lỗ hổng để người giàu trốn thuế. Một đặc thù khác, là nạn tham nhũng. Những người có thể lực và quan chức có thể trở thành triệu phú quá dễ dàng. Tham nhũng cũng là nguyên nhân gây ra bất công xã hội.

Mời đọc lại :

Điềm xấu cho Trung Quốc : Tăng trưởng chỉ 1,67%

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.