dimanche 20 janvier 2019

Những người kể chuyện Hoàng Sa



Thuyết minh viên Nhà trưng bày Hoàng Sa giới thiệu chủ quyền quần đảo thân yêu đến du khách.

(TTO 19/01/2019) - Nhà trưng bày Hoàng Sa được xem là điểm hành hương của lòng yêu nước. Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, đến nay nơi đây đã đón gần 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Những nhân viên của Nhà trưng bày Hoàng Sa được ví như những "công dân Hoàng Sa". Mỗi ngày họ giới thiệu đến du khách về chủ quyền, giá trị pháp lý, chân lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Những "công dân Hoàng Sa"

Theo chân đoàn du khách đến từ TP.HCM thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa vào một buổi sáng cuối năm, chúng tôi bắt gặp giọng nói trầm ấm dịu dàng của thuyết minh viên Trần Thị Lê Na (26 tuổi) trong tà áo dài nhuộm màu xanh của biển.

Đi cùng cô gái miền Trung suốt hành trình tham quan Hoàng Sa thu nhỏ giữa lòng thành phố, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những chứng tích về chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Bên mô hình chiếc thuyền đơn sơ một thời oanh liệt cha ông ta từng rẽ sóng ra bảo vệ quần đảo thân yêu, kể về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của cư dân Lý Sơn ngày trước, giọng Lê Na da diết: "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây", "Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về".

Nhiều tiếng sụt sùi, không ít đôi mắt trong đoàn du khách rưng rưng. Trong ánh mắt cô thuyết minh viên cũng long lanh giọt nước.

"Mỗi người lính trong đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển", giọng Lê Na nghẹn lại.

Lê Na chia sẻ đã quá quen với những lần du khách xúc động, đã nhiều lần ngâm những câu thơ bi tráng về đội hùng binh Hoàng Sa. Nhưng cứ mỗi lần thấy người nghe nước mắt lưng tròng, bản thân cô cũng không khỏi bồi hồi.

Tốt nghiệp bằng giỏi Trường ĐH Kinh tế, Lê Na không chọn cho mình con đường kinh doanh mà cô quyết chọn theo nghề thuyết minh viên ngay khi được tin sắp có Nhà trưng bày Hoàng Sa để thực hiện niềm ấp ủ của mình.

Lê Na chia sẻ: "Trước đây khi đọc được những tư liệu về Hoàng Sa, tôi luôn có một niềm thôi thúc khó tả. Niềm động lực và khát khao cho nhiều người biết về chủ quyền vùng lãnh thổ vốn là của mình đang bị chiếm giữ trái phép".

Suốt thời gian dài học tập và trau dồi kiến thức, kỹ năng để trở thành một thuyết minh viên tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, càng lúc, cô gái trẻ càng thấy yêu và đam mê thực sự với công việc tuyên truyền viên về chủ quyền dân tộc.

Mỗi lần đón một đoàn khách khác nhau lại cho cô những tâm trạng khác nhau nhưng bất cứ lúc nào đều mang tâm thế tự hào dân tộc.

Cán bộ, nhân viên Nhà trưng bày Hoàng Sa đi thăm nhân chứng Hoàng Sa chiều 18-1
Với thuyết minh viên Võ Thị Thùy Dung (25 tuổi), mỗi lần du khách xúc động, lại tiếp thêm cho cô động lực, nhiệt huyết để tiếp tục kể về quá khứ bi hùng, để khẳng định mạnh mẽ hơn Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta.

Dung chia sẻ mong muốn lớn nhất của cô là được đưa các thông tin, bằng chứng tư liệu về Hoàng Sa nhiều hơn nữa đến với các bạn trẻ và những du khách quốc tế.

Những câu chuyện, chứng tích kể về thời bi hùng oanh liệt trong trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia, khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà hằng ngày Lê Na, Dung và các thuyết minh viên ở Nhà trưng bày Hoàng Sa kể là những lời gửi gắm, nhắc nhở người con Việt Nam ghi nhớ một phần máu thịt thiêng liêng.

Nhà trưng bày Hoàng Sa - điểm hành hương về lòng yêu nước.
Thầm lặng vì Hoàng Sa

ThS. Đinh Thị Toan - Nhà trưng bày Hoàng Sa - cho biết các nhà nghiên cứu đã dày công tìm kiếm, tập hợp nhiều tư liệu liên quan ở trong nước và quốc tế để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Các thư tịch cổ trong chính sử, các văn bản hành chính qua các thời kỳ lịch sử, các tư liệu tồn tại trong dân gian, các bản đồ phương Tây và Trung Quốc được sao chụp, in ấn, phát hành rộng rãi như một minh chứng hùng hồn để khẳng định Hoàng Sa từ lâu đã là một phần của lãnh thổ Việt Nam.

"Nhiều cá nhân tổ chức cũng đã thể hiện tinh thần yêu nước bằng việc hiến tặng các tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa như bà Phạm Thị Phán tặng cờ đỏ sao vàng 100m2 kèm bức tâm thư, hay như bác sĩ Nguyễn Tăng Tri tặng sách tư liệu lịch sử - địa lý liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, các tư liệu quý do TS sử học Nguyễn Nhã, TS Trần Đức Anh Sơn trao tặng…

"Đối với các ấn phẩm không tái bản hoặc không có trên thị trường, Nhà trưng bày tiến hành mua lại nhằm bổ sung cho kho lưu trữ" - ThS. Toan cho biết thêm.

Hình ảnh những nhân chứng Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Cũng theo ThS. Toan, trong dân gian vẫn còn lưu giữ nhiều tư liệu trên các vùng biển Hoàng Sa, nhà trưng bày lập kế hoạch dài hạn tổ chức sưu tầm nguồn tư liệu này.

Mô hình hóa các loại thuyền đã được dùng để thám sát Hoàng Sa, phục chế con dấu thủy quân triều Nguyễn, tái hiện không gian lễ khao lề thế lính Hoàng Sa phục vụ khách tham quan…

TS. Lê Tiến Công - phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa - chia sẻ các cán bộ, nhân viên của nhà trưng bày làm các công tác chính là giáo dục truyền thông, kiểm kê, bảo quản, sưu tầm…

"Làm ở Nhà trưng bày Hoàng Sa - biểu tượng, điểm hành hương của lòng yêu nước nên chúng tôi luôn tâm niệm làm việc gì cũng được, việc nhỏ thôi chăng nữa nhưng nếu để góp công sức cho cuộc đấu tranh đòi chủ quyền của Hoàng Sa thì đó là sự vinh dự, tự hào" - TS Công chia sẻ.

ĐOÀN CƯỜNG – ĐOÀN NHẠN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.