mardi 8 janvier 2019

Ngọc Vinh - Tiếng súng đã vang…


Những người lính Quân đoàn 4 của VN tiến vào Thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 7-1-1979

(Để tưởng niệm những người lính Việt bỏ mình trong cuộc chiến với Khmer Đỏ)

1- Sáng ngày 17-11-1977, hơn 150 thanh niên tuấn tú của Phan Thiết bị gậy đầy đủ tập trung tại sân vận động, chờ xe đến đón đưa đi quân trường An Sơn (Bình Định). Mẹ tôi ngồi trước mặt tôi, bên phía bãi cỏ dành cho thân nhân những người ”lên đường làm nghĩa vụ quân sự”, khuôn mặt đẫm nước mắt. 

Tôi là con trai út trong một gia đình bảy anh chị em, nên được mẹ thương yêu nhất nhà cũng là điều dễ hiểu. Khi cuộc chiến Việt- Mỹ kết thúc, trong gia đình tôi, có hai ông anh bị xếp diện “Ngụy”, một bà chị cả là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Trong gia đình “hai chiến tuyến “ này, mỗi người trong số ba anh chị tôi vừa kết thúc bổn phận chính trị đã chọn lựa của họ. Giờ đến lượt bổn phận của tôi, nhưng không phải là tự nguyện. Tôi cùng nhiều bạn bè khác bị đẩy lên đường chiến chinh khi “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”!

Đặng Văn Đ. học cùng liên lớp với tôi ở trung học Phan Bội Châu, thay mặt đoàn thanh niên Cộng sản Phan Thiết, đọc diễn văn, cũng chính là điếu văn (mà sau này bọn tôi mới biết) trong buổi lễ đưa tiễn. Năm năm sau, hơn 150 thằng thanh niên ngồi đấy, chỉ còn 50 thằng sống sót trở về, tương đương 2/3 quân số thiệt mạng. Còn Đ., cậu ấy ở lại quê nhà để theo con đường cán bộ, sau này leo lên chức chủ tịch ủy ban, rồi phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND thành phố Phan Thiết - những chức vụ cậu trải qua trước lúc về hưu mà không tốn một giọt máu nào. Trong khi đó, có nhiều đứa trong chúng tôi, kể từ cái ngày nghe cậu ấy đọc diễn-điếu-văn tại sân vận động thì mãi mãi xanh cỏ ở tuổi 20 mà chưa biết đến mùi vị đàn bà.

2- Khi xách súng lên biên giới, chúng tôi chưa biết khái niệm hằn thù đối với những kẻ mang danh Khmer Đỏ ở bên kia chiến tuyến. Quân đội cộng sản miền Bắc từng chung lưng đấu cật với chúng một thời gian dài trong cuộc chiến chống Mỹ, chỉ tỉnh ngộ về tình đồng chí quốc tế khi mục kích 5.000 thường dân của mình bị chúng thảm sát trên dãi biên giới Tây Nam. Chúng chỉ trở thành kẻ thù của chúng tôi khi chúng tôi nhìn thấy đạn của chúng găm trên thân thể của đồng đội mình. Máu đòi nợ máu. 

Chỉ cần có thế, chiến tranh đến với những thằng trẻ tuổi vừa rời khỏi ghế nhà trường cực kỳ đơn giản. Giữa chiến trận, mùi thuốc súng quyện với mùi máu, nỗi sợ hãi cái chết biến mất, chúng tôi và Khmer Đỏ chỉ còn một mục đích duy nhất là tìm cách giết chóc nhau thật nhiều để trả thù. Với người lính, chiến tranh đơn giản hơn những thứ nằm trong đầu những kẻ làm chính trị.

3- Trong những ngày đóng quân trên cao điểm 100 án ngữ quốc lộ 19, cách đồn biên giới số 23 của Việt Nam khoảng 18 cây số, trước thời điểm tổng tấn công - ngày N+ tháng 12/1978, chúng tôi từng chứng kiến cả trung đoàn quân ta bị Khmer Đỏ xóa cả phiên hiệu. 

Máu lính Việt đã đổ hơi bị nhiều cho cuộc chiến tranh này. Để tiến quân vào được thủ đô Phnom Penh của Camphuchia ngày 7-1-1979 sau vài năm chiến tranh ngắn ngủi, 12.000 binh sĩ Việt Nam đã ngã xuống ( số liệu của bộ Quốc phòng, dù tôi cho là nhiều hơn) - chưa kể thiệt hại nhân mạng « xem xem » tiếp tục 10 năm sau đó, cho tới lúc rút quân (1989).

Ai đã gây ra cuộc chiến mà thế hệ chúng tôi buộc phải tham gia này? Không phải Campuchia, không phải Việt Nam, mà chính là Trung Quốc - tay đạo diễn châu Á tài ba mưu mô xảo quyệt, đã dàn dựng các kịch bản chiến tranh để buộc các quốc gia ngây thơ như Việt Nam, Triều Tiên và Campuchia phải tham gia trong thế kỷ 20. 

Những người lãnh đạo Việt Nam lúc ấy khó tưởng tượng ra kịch bản, quân đội một quốc gia nhỏ bé hơn mình, là học trò của mình về kỹ thuật chiến tranh du kích lại dám xâm lược mình! Khi biết ra đó là âm mưu của Trung quốc thì 10 sư đoàn Khmer Đỏ đã tràn qua biên giới. Ngón nghề “ thổi lỗ tai cho mày sướng” để gài bẫy máu xương các quốc gia nhỏ bé hơn mình, không ai hơn được Trung Quốc! 

4- Trong cuộc chiến Việt-Pháp, ai được lợi? Trung Quốc. Với dãi biên giới phía Nam sạch bóng bọn Tây mũi lõ nhờ máu của Việt Nam, Trung Quốc đã chỉ bàn tay nhớp nhúa của mình vào hiệp ước Genève để định đoạt số phận Việt Nam, biến quốc gia này thành vùng đệm an toàn trước sức mạnh của Mỹ. 

Trong cuộc chiến Việt-Mỹ, ai được lợi? Lại là Trung Quốc, với chiến lợi phẩm là quần đảo Hoàng Sa và lời hứa tạo điều kiện làm giàu từ phía Mỹ. 

Trong cuộc chiến Việt- Miên, ai được lợi? Vẫn là Trung Quốc với một số đất đai chiếm được của Việt Nam tại biên giới cùng chân đứng tại Trường Sa, khi thong dong mang đại quân tràn qua mà ko gặp sự chống cự nào, vì các quân đoàn chủ lực thiện chiến nhất của Việt Nam đang mắc kẹt tại Campuchia trong cuộc chiến sa lầy với Khmer Đỏ. 

Dường như các thế hệ lãnh đạo Việt Nam chưa rút ra được kinh nghiệm nào về sự thâm hiểm của người Tàu. Chúng ta ảnh hưởng họ rất nhiều, từ văn hóa, ngôn ngữ đến phong tục, vậy mà người học trò Việt Nam chả học được từ người thầy vĩ đại và man trá của mình một chút võ công bí truyền nào, để rồi sau ba cuộc chiến tranh, lại tiếp tục bị dẫn dắt sau khi Đông Âu sụp đổ! 

5- Trong cuộc chiến mà chúng tôi” vinh dự” tham gia, Việt Nam đã sử dụng 3 quân khu để bao vây Campuchia. Quân khu 5 theo trục quốc lộ 19 đặt gọng kìm từ cao nguyên xuống. Quân khu 7 đảm nhiệm mặt trận miền Đông và Quân khu 9 nhận phần mặt trận miền Tây. Đó là chưa kể các quân đoàn chủ lực thiện chiến được tôi luyện từ cuộc chiến tranh chống Mỹ như Quân đoàn 3 và 4…

Sức vóc Campuchia được bao nhiêu để trụ nhiều năm dài trước sức mạnh của đội quân số một Đông Nam Á, nếu không có thầy dùi Trung Cộng đứng sau lưng? Khmer Đỏ từng có niềm tin ngây thơ rằng, sẽ có lúc Trung Quốc đổ quân qua để cứu mình, giống như niềm tin ngây thơ của Việt Nam vào hiệp định tương trợ chiến tranh Việt- Xô trong cuộc đối đầu với Trung Quốc vậy!

Khi chúng tôi lên biên giới, tại chiến trường mà Quân khu 5 đảm nhiệm, mỗi thằng lính được phát một tờ giấy, trong đó chỉ dẫn ít câu tiếng Miên thông dụng như Lớt-đay-lơn ( giơ tay lên) kèm theo 10 điều cấm mà lính Việt không được làm trên đất Miên như, chỉ được sử dụng nước và củi, còn lại cấm tất tần tật, dù chỉ là thịt một con bò rừng mà quân ta có thể bắn để cải thiện bữa ăn. Ấy vậy mà, trong năm 1979, một chiến binh quê Tuy Hòa ở mặt trận của chúng tôi, sau hai năm nằm rừng không biết mùi đàn bà là cái gì, đã cưỡng bức một cô gái Khmer. Kết cục là cậu bị quân ta xử bắn. Ước muốn cuối cùng của tử tù này là được…mang xác về chôn ở Việt Nam. 

Tại Đức Cơ, một huyện của tỉnh Gia Lai giáp giới với cao nguyên Ratanakiri của Campuchia, xéo xéo chân núi Phượng Hoàng, gần nơi đặt bản doanh của Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu 5, có một nghĩa trang dã chiến của lính tử trận từ Campuchia mang về. 

Tôi đã ứa nước mắt khi có dịp đi giữa những hàng mộ ngày ấy để tìm tên các liệt sĩ quê Phan Thiết đã cùng tôi lên đường cùng đợt tuyển quân, nhưng hoài công, vì đầu mỗi ngôi mộ chỉ cắm cây cọc gỗ ghi một con số câm lặng vô hồn. Năm 1995, tôi đã tìm về thăm lại nghĩa trang này nhưng nó đã bị dọn sạch không còn vết tích gì, ngoài cánh rừng cao su tươi tốt.

Cây cối mọc trên xác những người lính mà sao không tươi tốt được? 

NGỌC VINH 08.01.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.