Tàu cảnh sát biển Việt Nam tuần tra tại vùng biển Hoàng Sa. Ảnh Mai Thanh Hải |
Đôi lời : Đúng 45 năm sau trận Hải
chiến Hoàng Sa bi hùng ngày 19.01.1974, nhiều người chờ đợi xem báo chí nhà
nước có dám đề cập đến hay không. Tờ Thanh Niên đã gây ngạc nhiên khi
« bắn phát súng đầu tiên », đăng bài sớm nhất với việc mạnh dạn dùng
từ Trung Quốc « cưỡng chiếm » Hoàng Sa ngay trên tựa đề, tuy không
nói về trận đánh của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Thụy My đăng lại vài bài viết
hiếm hoi về Hoàng Sa trên báo chí chính thức.
(Thanh Niên 17/01/2019) Trung Quốc đã có hàng loạt hành động phi pháp để
phục vụ mục tiêu độc chiếm Biển Đông kể từ khi ngang ngược chiếm quần đảo Hoàng
Sa của Việt Nam.
Cách
đây 45 năm, Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày
19.1.1974 sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950.
Từ
đó đến nay, nước này liên tục ngang ngược tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm
củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những
năm gần đây, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ
cộng đồng quốc tế.
Ngoài
mục tiêu áp đặt tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Hoàng Sa, những hành động này
còn nhằm tạo cơ sở bàn đạp để tiếp tục bành trướng ra toàn bộ Biển Đông.
Từ phát triển trái phép…
Tại
Hoàng Sa, Bắc Kinh từ năm 2005 đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền phi pháp tại
một số điểm trên quần đảo này. Đến năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang
ngược phê chuẩn thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam để đơn
phương áp đặt quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Từ
cuối tháng 5.2010, Trung Quốc đưa tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều
tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn và tại các lô
dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng
Ngãi khoảng 90 - 116 hải lý. Nước này còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn
để xây dựng công trình phi pháp.
Song
song đó, các hoạt động quân sự được tăng cường từ tháng 2.2011 khi Hạm đội Nam
Hải diễn tập phòng ngự tại Hoàng Sa, theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc
(CRI). Cũng trong năm này, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc công bố “Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm
2011”, trong đó đơn phương tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển
Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, in một số bản đồ có vẽ
“đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, đồng thời nêu kế hoạch triển
khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du
lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Hoàng Sa vào năm 2014. Ảnh Độc Lập |
Sự
ngang ngược của Bắc Kinh lại lấn thêm một bước lớn vào năm 2012 khi giới chức
tỉnh Hải Nam thông báo kế hoạch tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng cái gọi là
“TP.Tam Sa” tại đảo Phú Lâm. Đến tháng 12.2012, Trung Quốc thông báo xây các
trạm giám sát biển và khởi công dự án mở rộng hai con đường ở đảo Phú Lâm để
kết nối với bến tàu, các đơn vị dân sự và quân sự đồn trú trái phép tại đây.
Song song đó, biên đội tàu hộ vệ của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn
thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Tổng công ty dầu khí hải dương
Trung Quốc (CNOOC) ngang nhiên mời thầu dầu khí 19 lô ở khu vực phía bắc Biển
Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây thuộc Hoàng Sa khoảng 1 hải lý.
Cũng
trong năm 2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển
Hải Hiệp Hải Nam bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường
biển từ Tam Á (Hải Nam) đến đảo Đá Bắc ở Hoàng Sa. Ngày 29.9.2012, giới chức
Trung Quốc phác thảo kế hoạch phát triển cho 4 dự án cơ sở hạ tầng ở đảo Phú
Lâm. Các dự án bao gồm tu sửa và xây mới 7 con đường với tổng chiều dài 5 km,
xây dựng cơ sở tách muối để lọc nước biển có công suất 1.000 m3 mỗi ngày và hệ
thống cấp thoát nước cùng bến tàu, mạng lưới vận tải trên đảo Phú Lâm.
Mới
đây, vào tháng 7.2018, truyền thông Trung Quốc dẫn văn bản của Cục Hải dương và
Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi “mọi
tổ chức hay cá nhân” đăng ký tham gia “phát
triển du lịch và xây dựng” những đảo không người ở tại các khu vực mà nước
này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào
Hoàng Sa, nơi vẫn còn hàng trăm thực thể chưa có người ở. Rõ ràng, Trung Quốc
đang tiến hành bước tiếp theo để thể hiện cái gọi là “chủ quyền” tại những địa
điểm chiếm đóng phi pháp thông qua dân sự.
Trả
lời Thanh Niên, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa
học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nhận định: “Trung Quốc biết rõ rằng chỉ củng cố quân sự
các đảo đá thì không bao giờ có thể hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trái luật
pháp quốc tế của họ. Vì vậy, họ đang tìm cách dân sự hóa các hoạt động của họ,
trong đó có các hoạt động cho phép các cá nhân khai thác những đảo đá nêu
trên”.
... Đến quân sự hóa phi pháp
Bên
cạnh các kế hoạch phát triển dân sự ngang ngược, Trung Quốc tiếp tục tiến hành
tập trận và nhiều lần đưa tàu hải giám, trực thăng đến tuần tra phi pháp ở Biển
Đông trước khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa. Vụ việc bắt đầu từ
ngày 1.5.2014 và kéo dài suốt 2 tháng rưỡi khiến tình hình khu vực vô cùng căng
thẳng. Trung Quốc thậm chí huy động hơn 120 tàu thuyền ngang ngược đâm va tàu
của Việt Nam đến khẳng định chủ quyền và kêu gọi Bắc Kinh dừng các hành động
phi pháp xâm phạm lãnh hải.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành trung tâm hành chính phi pháp. Ảnh AFP |
Cũng
trong thời gian này, Trung Quốc gấp rút tiến hành kế hoạch xây dựng phi pháp ở
Hoàng Sa, bao gồm hải đăng trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn cát Nam, Duy Mộng
và Hòn Tháp. Đến tháng 10, đường băng quân sự dài 2 km trên đảo Phú Lâm được
xây dựng hoàn tất.
Đường
băng cùng các cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải tạo và đến tháng 2.2016, ảnh chụp
từ vệ tinh của trung tâm ImageSat (ISI) cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái
phép 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar tại đảo Phú
Lâm. Đài Fox News dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng đây là hệ thống tên lửa
phòng không HQ-9, tương tự loại S-300 của Nga với tầm bắn lên đến 201 km, có
thể là mối đe dọa cho bất cứ máy bay quân sự hoặc dân sự nào bay gần đó. Chưa
hết, Bắc Kinh còn triển khai gần 10 máy bay chiến đấu gồm tiêm kích J-11 và máy
bay chiến đấu ném bom JH-7 cùng máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin
BZK-005 đến đảo này.
Theo
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đến năm 2017, Trung Quốc
đã nâng cấp hàng loạt cơ sở quân sự phi pháp trên 8 đảo ở Hoàng Sa gồm đảo Cây,
Phú Lâm, Lin Côn, Tri Tôn, Quang Ảnh, Quang Hòa, Hoàng Sa và Duy Mộng. Hình ảnh
vệ tinh cho thấy 3 trong số 8 đảo (đảo Cây, Phú Lâm và Quang Hòa) hiện có những
cảng có thể tiếp nhận một số lượng lớn các tàu dân sự và hải quân. Năm đảo có
sân bay trực thăng, đảo Quang Hòa có một căn cứ trực thăng và đảo Phú Lâm có
đường băng, nhà chứa máy bay và các dàn tên lửa đất đối không HQ-9.
KHÁNH AN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.