samedi 12 janvier 2019

Dương Quốc Chính - Đằng sau vụ Lộc Hưng và lý do khiến phía Công giáo im lặng



Việc "mượn" đất sau năm 54 ở Hà Nội và sau 75 ở Sài Gòn là cực kỳ phổ biến. Năm 54 ở Hà Nội, sau khi Việt Minh tiếp quản với lượng cán bộ khổng lồ đổ về thì đương nhiên bài toán nhà ở là chuyện lớn. 

Với các nhà ở của người Pháp và dân di cư bỏ lại nhà thì đương nhiên sung công, rồi phân cho cán bộ và các công sở, sứ quán. Nhà của các lãnh đạo đảng và nhà nước như các ông Giáp, Duẩn, Đồng, Chinh...là những biệt thự lớn của quan chức thực dân. Nhiều biệt thự bỏ lại bị chia năm xẻ bảy như nhà tập thể cho 5-7 gia đình cán bộ. Điều đó tương đối hợp tự nhiên khi thay đổi chế độ.

Vấn đề éo le nhất là với những gia đình giàu có ở Hà Nội, không có nợ máu, thậm chí có công với chế độ mới. Có gia đình đại trí thức, quan to triều đình, có nhiều biệt thự lớn hiến cho nhà nước, rồi được nhà nước "cho mượn" lại nhà của chính mình để ở, hiện khu đất đó vẫn thuộc diện "trung ương quản lý". 

Chính ngay nhà ông Giáp, ông Duẩn và nhiều biệt thự của các lãnh tụ kiểu như vậy, theo mình biết, thì cũng không hề có sổ đỏ, vẫn thuộc diện do Ban Tài chính Quản trị Trung ương quản lý, coi như nhà công vụ. Lẽ ra về lý mà nói, lãnh tụ nghỉ hưu, cùng lắm là chết rồi thì con cháu phải trả lại nhà cho nhà nước. Như khu đất nhà ông Giáp, khéo phải tiền nghìn tỉ anh Vượng có tiền cũng chả mua được! Chả có luật nào cho phép con cháu lãnh tụ thừa kế nhà công vụ. Thế mà chả ai dám thắc mắc.

Trường hợp nữa cũng khá phổ biến, là các nhà giàu bị/được nhà nước mượn nhà. Thực ra nhà nước vác súng vào đuổi chủ nhà thì thô quá, nên hay chơi bài "mượn" hoặc kích động để chủ nhà "hiến tặng". Nhiều gia đình vì không muốn di cư, nên phải làm thân với chế độ mới, nên cũng phải hiến. 

Hiến rồi thì chả nói lại làm gì, còn những nhà bị nhà nước mượn thì 99,99% là không ai dám đòi. Sau này có Luật Đất đai thì nghiễm nhiên những nhà mượn kiểu đó vĩnh viễn không thể đòi được. Mình nghe nhiều người Hà Nội gốc kể những chuyện tương tự, ngày xưa gia đình có mấy cái nhà, sau này còn mấy chục mét vuông, đành ngậm ngùi mà chịu, đó cũng là cái giá của cách mạng. Nhà tư sản Trịnh Văn Bô là ví dụ điển hình nhất. Nhà ấy may còn nhảy dù vào nhà mình được, là do có công với cách mạng, con cháu làm công chức cấp trung và còn có giấy cho mượn nhà.

Trường hợp thứ ba cũng khá phổ biến, là đất Công giáo cũng bị chính quyền mượn. Hồi sau 54, chính quyền mới không dám cướp đất Công giáo, cũng lại mượn. 

Mảnh đất quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam bị nhà nước tịch thu là mảnh đất Tòa khâm sứ Vatican ở 42 Nhà Chung. Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cho rằng đất đó là của Tòa Tổng Giám mục cho Khâm sứ Tòa thánh mượn. Đến năm 59, Tòa Thánh rút về nước, cắt đứt quan hệ với Việt Nam, thì lẽ ra đất đó phải trả cho Tòa Tổng Giám mục, nhưng chính quyền lại thu về với lý do đất là của Hội Thừa sai Paris đã rút về nước bỏ lại khu đất.

Hay tranh chấp đình đám nữa là khu đất ở cạnh bệnh viện Đống Đa, cũng là đất Công giáo cho chính quyền mượn, còn dư một mảnh đất trống bị nhà nước cho làm xí nghiệp. Cả hai khu đều bị giáo dân đòi khi có dự án thương mại ở đó, thế là chính quyền phải chơi bài biến đất đó thành công viên! Một số mảnh đất khác của Công giáo bị chính quyền mượn, nay khỏi đòi, là các bệnh viện như Saint Paul, Đống Đa...

Thời Pháp thuộc, Công giáo là một thế lực lớn, có rất nhiều bất động sản. Nhà thờ có nguồn lợi tức từ ruộng đất, có trại tế bần, có trường dòng, có bệnh viện...khéo gần bằng quân đội bây giờ. Sau "giải phóng", chính quyền mượn nhiều lắm, ở hầu hết các tỉnh đều bị mượn. Coi như giải phóng luôn đất đai từ Giáo hội. Công giáo bây giờ mất quyền mở trường dòng, không còn bệnh viện, ruộng đất cũng không còn.

Sau 75, mọi sự lại lặp lại ở Sài Gòn và toàn miền Nam y như ở Hà Nội và miền Bắc năm 54 nhưng phạm vi chắc lớn gấp 10. Vì thành phần nợ máu với chế độ mới đông hơn nhiều, nhà cửa ở Sài Gòn cũng nhiều hơn Hà Nội, nhà thờ và nhà giàu cũng nhiều hơn gấp bội. Vì thế mà việc tiếp quản, tịch thu, "mượn", "hiến tặng" bất động sản lại càng phổ biến.

Đất Lộc Hưng không nằm ngoài quy trình "giải phóng" kể trên. Nhưng có một vấn đề sai quy trình, vi phạm nguyên tắc và truyền thống xã nghĩa mà chưa chắc chính quyền đã đủ tinh ý để nhận ra.

Đó là, mọi người cứ để ý, thành phần bị tịch thu, mượn bất động sản thường là công chức thực dân, chế độ cũ, quan lại, nhà giàu, có đặc điểm chung là lấy tài sản của người giàu để sung công hoặc chia cho người nghèo hay cán bộ. Đấy là nguyên tắc tạo nên bản chất chế độ. Nhưng vụ Lộc Hưng, thì lại ngược lại, dân đang sử dụng đất ở đó đa phần là người nghèo, cho dù nguồn gốc đất cũng có mùi Công giáo.

Vụ này nhiều người thắc mắc là sao phía Công giáo không chính thức lên tiếng? Anh em bò đỏ thì suy diễn là Công giáo thấy sai nên ỉm đi! Anh em ngu lắm! Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn không lên tiếng chính là một giải pháp thông minh nhất. 

Nếu Tòa Tổng Giám mục đứng ra nhận đó là đất Công giáo, bị nhà nước tịch thu, thì sẽ biến điều đó là đương nhiên, như đã thấy từ năm 54 đến giờ. Công giáo đã từ bỏ ruộng đất (trước đây cho giáo dân thuê để lấy lợi tức cho nhà thờ). Dư luận viên sẽ sủa ngay là: "Công giáo là địa chủ sao được, nhà nước tịch thu đúng cmnr". Tức là tranh chấp sẽ trở thành giữa Công giáo và nhà nước, mà Công giáo sẽ rơi vào thế yếu, vì không thể giữ ruộng đất. 

Vụ này phía chính quyền cũng rất ranh mãnh, dùng bài cũ đã làm thành công ở Hà Nội khi có tranh chấp đất giữa Công giáo với chính quyền. Đó là hai vụ Thái Hà và Nhà Chung. Ban đầu hai khu ấy cũng đã được lập dự án thương mại (Trung tâm thương mại ở Nhà Chung và chung cư ở Thái Hà). Nhưng bị giáo dân phản đối quyết liệt nên chính quyền chuyển đổi mục đích sang thành đất công viên. Thế là giáo dân bỏ qua.

Ở Lộc Hưng cũng vậy, ban đầu phía VNPT lập dự án chung cư thương mại. Nhưng bị dân phản đối quyết liệt quá nên Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) thu hồi đất, chuyển cho quận Tân Bình xây trường học và vườn hoa. Anh em thấy bài quen chưa? Ở vụ này, báo chí cách mạng cố tình cắt bỏ thông tin khu đất liên quan đến Công giáo, bẻ lái sang chuyện người dân vi phạm pháp luật (xây nhà trái phép, nhảy dù vào đất công). Báo chí bị trễ đến 4-5 ngày sau vụ cưỡng chế chứng tỏ Tuyên giáo phải bàn mưu tính kế khá đau đầu để các báo đồng thanh định hướng.

Nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn. Phía Công giáo lờ tịt vụ này đi, đẩy chính quyền thành kẻ cướp đất của dân nghèo chứ không phải thu hồi hay mượn đất Công giáo (có "chính nghĩa" hơn). Thế là chính quyền bị việt vị, tự mình vi phạm nguyên tắc XHCN là lấy của người giàu chia cho dân nghèo khi thay đổi chế độ. 

Mình hiểu lý do tại sao từ sau 75, tuy chính quyền tuyên bố khu đất là của Bưu điện nhưng sau mấy chục năm lại không cưỡng chế, đó là họ sợ vi phạm cái nguyên tắc kể trên. Nhưng hiện nay, chắc vì đất đai ngày càng đắt đỏ, lòng tham nổi lên, họ đã rơi vào thế việt vị!

Nếu anh em quan lại Sài Gòn có đọc status này. Thì anh em  hãy cố gắng đàm phán với dân để thoát ra khỏi thế việt vị đó. Nếu vụ này bị đẩy lên cao trào, thì xấu mặt chế độ lắm, dân họ không chịu mất đất đâu.

P/S: Có điểm vô lý ở những dòng bôi đỏ trong ảnh là văn bản mà UBND TP gửi Thanh tra Chính phủ. Điều đó cho thấy RẤT CÓ THỂ phía TP HCM ngụy tạo căn cứ.

Tài liệu cho thấy gốc gác đất Công giáo đứng chung với chính quyền quốc gia Việt Nam (báo chí đều cắt bỏ đoạn này), nhưng văn bản này lại cũng cắt cúp thông tin, không hiểu sao lại mọc ra quân đội Pháp sở hữu, rồi đài Nha Giám đốc Viễn thông Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) sở hữu nữa? Sao đang đất Công giáo lại bị chính quyền VNCH tịch thu? Tại sao năm 1955 mà quân đội Pháp lại có đất này? 

Trình tự thời gian được trình bày lộn xộn chứng tỏ người soạn văn bản rất dốt lịch sử và cắt cúp thông tin thô thiển. Đúng trình tự phải viết là trước năm 1955 thì VNCH và Giáo hội cùng đứng tên chủ đất, từ 55-75 do abc đứng tên, nêu lý do tại sao chuyển đổi chủ sở hữu (đây không nêu, chứng tỏ cố tình cắt bỏ lý do). Sau 1975, ai sở hữu...

Nên nhớ là năm 1949, khi thành lập Quốc gia Việt Nam, thì người Pháp bắt đầu trả đất và bất động sản cho QGVN. Chính đất Nam Kỳ được Tổng thống Pháp trao trả đầu tiên và dinh Norodom (dinh Độc Lập) được trả cuối cùng vào ngày 7/9/1954. Vậy tại sao quân đội Pháp lại có thể cho Công giáo mượn đất vào năm 1955? 

Vụ này nếu không rành lịch sử lề trái thì sẽ không thể bóc phốt cái văn bản trên được. Liệu mấy người bây giờ rành vấn đề này?

Văn bản của UBND TP HCM gửi Thanh tra Chính phủ. Toàn văn ở link này, lề phải nhé.

P/S 2: Bổ sung giấy mà quân đội Pháp cho dân mượn đất. Trong đó ghi rõ chủ đất là Công giáo. Tức là quân đội Pháp cũng mượn đất nhà thờ mà thôi.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 11.01.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.