mardi 15 janvier 2019

Hoàng Tư Giang - Lặng lẽ CPTPP


Các container hàng hỏa ở cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa.

Hôm qua CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Sự kiện này diễn ra thật lặng lẽ, không có nhiều thông tin từ chính phủ, Bộ Công Thương và báo chí. Bầu không khí đón nó khác xa so với cảnh trống giong, cờ mở, diễu hành khi Việt Nam vào WTO.

Vấn đề là CPTPP sẽ buộc Việt Nam cải cách mạnh mẽ sau đường biên, đưa nhiều lĩnh vực theo những giá trị chung của quốc tế.

Trong tút này, tôi liệt kê sơ bộ một số cải cách mà tôi tập hợp, ghi chép lại được. Có thể thông tin không đầy đủ và cập nhật, nhưng tôi nghĩ nó sẽ giúp ai quan tâm.

1 - Pháp lý và thể chế

Minh bạch được đặt lên hàng đầu. Chế tài, hay cơ chế giải quyết tranh chấp rất chặt chẽ, xử phạt ngặt nghèo, bao gồm cả trừng phạt thương mại.

Chế tài nghiêm ngặt tạo sức ép cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, khi cơ quan nhà nước xử phạt doanh nghiệp nào đó thì công khai, cần có ý kiến các bên liên quan.

2 - Thương mại hàng hóa

Đa số dòng thuế đưa về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng đã qua sử dụng được phép nhập khẩu. Quy tắc xuất xứ chặt chẽ và doanh nghiệp được quyền tự chứng minh, tự chịu trách nhiệm. Với hàng dệt may thì áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. 

3 - Đầu tư

Quan trọng ở chương này là cơ chế giải quyết tranh chấp. Một là doanh nghiệp kiện chính phủ, và chính phủ kiện chính phủ về các dự án đầu tư. Đây là điểm mới chưa từng có. 

Ví dụ, chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp vào, doanh nghiệp nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, khả thi để trình cho chính phủ nhưng rốt cuộc, chính phủ lại cấp cho nhà đầu tư khác mà không có lý do chính đáng. Lúc này doanh nghiệp kiện chính phủ.

Có khoản khiếu kiện không vi phạm. Chính phủ không vi phạm hợp đồng nhưng những việc làm của chính phủ làm ảnh hưởng tới kỳ vọng của nhà đầu tư, thì nhà đầu tư cũng có thể kiện. Ví dụ, chính phủ cấm Viber thì có thể bị kiện. Như vậy, chính phủ không vi phạm hợp đồng theo văn bản nhưng có hành động cụ thể làm ảnh hưởng đến lợi ích nhà đầu tư thì có thể đối diện với việc bị kiện, và thua kiện. 

4 - Chính sách cạnh tranh và doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải đặt trong môi trường cạnh tranh trên cả thị trường nội địa, thị trường các nước TPP, và thị trường ngoài TPP. Nhà nước không được ưu đãi cho DNNN, không cấp vốn, xóa nợ, bảo lãnh nợ. Cấm bù chéo trong DNNN. Kể cả DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, khi kinh doanh lĩnh vực có cạnh tranh cũng bị điểu chỉnh bởi chương này.

DNNN phải hoạt động minh bạch. DNNN phải thực hiện chế độ báo cáo chặt chẽ theo quy định của TPP. Có nghĩa là DNNN phải thông báo cho Ủy ban Kinh tế Nhà nước từng giao dịch một. Yêu cầu này được cho là quá đáng vì phải báo cáo từng giao dịch một là kiểm soát quá chặt chẽ tạo một sự cứng nhắc, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì không chịu sức ép này. 

5 - Mua sắm của chính phủ

Đầu tư công do các cơ quan nhà nước mua sắm sẽ được áp dụng đấu thầu trong các nước thành viên. Chính phủ phải minh bạch hóa trong đấu thầu, thiết lập hệ thống đấu thầu điện tử.

Bên cạnh đó, hiệp định điều chỉnh cả ngành quốc phòng, và công an (trừ nội dung mua sắm vũ khí). Chẳng hạn, xây dựng trụ sở thì các nước thành viên phải thực hiện đấu thầu tự do trong CPTPP.

6 - Lao động và công đoàn

Quyền tự do thành lập công đoàn của một nhóm công nhân ở cơ sở. Tự do liên kết hoặc không liện kết của tổ chức công đoàn cơ sở. Tức là tự nhiên doanh nghiệp có quyền tham gia, gia nhập vào tổ chức công đoàn, liên kết hiệp hội công đoàn, như vậy tạo ra một hệ thống hai công đoàn. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, không hề đơn giản cho Việt Nam. Đây là chương phức tạp nhất đối với Việt Nam và chúng ta được ân hạn 5 năm.

Cán bộ quản lý doanh nghiệp không được tham gia vào ban chấp hành công đoàn. Ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn, người lao động có quyền lựa chọn người đại diện cho mình trong thương lượng với chủ sử dụng lao động mà không buộc tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho họ, trừ khi họ có yêu cầu trợ giúp.

Đảm bảo tính độc lập của công đoàn cơ sở trong hoạt động nội bộ và quản lý tài sản, tài chính. Hạn chế các ngành nghề cấm đình công. Cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. 

7 - Thương mại điện tử và viễn thông

Khái niệm thương mại điện tử bao gồm tất cả các giao dịch số. Đây là khái niệm cực rộng, không có nghĩa là mua bán hàng hóa thương mại thuần túy mà là tất cả các giao dịch số. Trong đó, nội dung cơ bản là tự do lưu chuyển lưu trữ thông tin mà không bị kiểm soát, ngăn chặn (những nội dung có liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm trậ tự an toàn xã hội).

Không đánh thuế vào các giao dịch điện tử xuyên biên giới, và không buộc đặt máy chủ tại một địa điểm xác định, kể cả trên lãnh thổ một quốc gia.

(Tóm lại, những quy định này rất cần thiết để cải cách bên trong. Có nhiều luật không tương thích thì sẽ phải sửa. Lưu ý là chế tài trong CPTPP là mạnh, không như WTO).

HOÀNG TƯGIANG 15.01.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.