samedi 19 janvier 2019

Tạ Duy Anh - Hoàng Sa trong trí nhớ người Việt



Vào ngày này của 45 năm về trước, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, do Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quản lý hợp pháp, trước sự làm ngơ của Hoa Kỳ. Miền Bắc giữ im lặng, vì há miệng mắc quai. 

Trong thời kỳ căng thẳng sau chiến tranh biên giới đẫm máu 1979, sự kiện Hoàng Sa được đưa vào sách trắng của Bộ Ngoại giao, tố cáo việc Trung Quốc lợi dụng Việt Nam đang có chiến tranh, đánh chiếm Hoàng Sa như một bước đệm trong âm mưu thôn tính và nô dịch toàn cõi Đông Dương. 

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, danh từ Hoàng Sa hoàn toàn biến mất trên báo chí chính thống của Việt Nam. Cho đến trước khi vấn đề Hoàng Sa được rụt rè đưa trở lại, hầu như người dân Việt Nam không hay biết gì mấy về phần lãnh thổ này. 

Thông tin về Hoàng Sa bị kiểm soát chặt chẽ đến mức ông Hữu Thọ, khi làm tổng biên tập báo Nhân Dân, trong một bài in trên báo, sơ suất để lọt hai chữ Hoàng Sa, liền bị ông Đỗ Mười gọi lên quạt cho một trận. Nguyên văn lời kể của ông Hữu Thọ tại Trường Viết văn Nguyễn Du: Cụ Mười đọc báo, gầm lên bảo: Thằng Thọ làm hỏng hết đại sự rồi! Rồi cụ lôi cổ tôi lên quạt cho một trận”.

Chính thể này đã mắc sai lầm quá lâu trong việc tuyên truyền cho người dân về phần lãnh thổ có tên là Hoàng Sa. Trong khi Trung Quốc thì tận dụng mọi cơ hội để nhét vào đầu hơn một tỉ dân của họ về cái gọi là “chuỗi ngọc trai của đất mẹ Trung Hoa vĩ đại”, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Một học sinh cấp ba của Trung Quốc cũng sẵn sàng bảo Việt Nam và một số nước đang ngày đêm hút trộm dầu của Trung Quốc! Vì họ được học như vậy, rằng thế hệ trẻ Trung Quốc có nghĩa vụ phải thu hồi các lãnh thổ ấy về cho đất mẹ Trung Hoa! Thậm chí họ đã đặt hẳn cả thời hạn, nghe nói là nhiệm vụ đó phải hoàn tất trước năm 2049?

Không thể phủ nhận việc công khai tuyên truyền về biển đảo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, đã thấy chút dấu hiệu của “bản lĩnh dân tộc”. Nhưng mọi việc vẫn cứ như gà mắc tóc, ấm ớ và không rõ ràng. Những phản ứng yếu ớt, đơn điệu, nhàm chán của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trong mấy chục năm qua mỗi khi nhắc đến chủ quyền lãnh thổ trước một gây hấn nào đó của Trung Quốc ngoài Biển Đông, là một bằng chứng. 

Tôi không thấy tí gì gọi là sự khôn ngoan chính trị trong những phát ngôn ấy, trái lại, nó chỉ chứng tỏ một sự bạc nhược là có thật. Nguy hại hơn, những tuyên bố kiểu như vậy khiến dư luận mất dần sự chú ý về một vấn đề rõ ràng là vô cùng lớn, mà họ không thể đứng ngoài cuộc. Người dân có quyền nghĩ, có vẻ như Nhà nước đã buông xuôi, nói thì cứ nói, đòi thì cứ đòi, khẳng định thì cứ khẳng định, nhưng thực chất là đã chấp nhận an bài ?

Rất may cho dân tộc này là vào lúc nước sôi lửa bỏng, đã kịp có một phong trào dân sự rộng lớn, được hình thành và kết nối thông qua mạng xã hội. Hoàng Sa trở lại mạnh mẽ, làm nhức nhối tâm thức cộng đồng, là nhờ ở phong trào này. Mạng xã hội cần phải tiếp tục nói không mệt mỏi cho người dân rằng Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể thương lượng, hiện vẫn còn bị ngoại bang tàn bạo chiếm đóng. Cần phải cho các thế hệ người Việt ghi nhớ điều này, một cách rõ ràng và chính xác về bản chất. 

Chỉ trên cái nền tảng sự thật ấy của hiện tình đất nước, mới có thể đề ra được các sách lược thông minh và đúng hướng trong việc gắn kết chặt chẽ với ai thì có lợi cho việc bảo vệ lãnh thổ. Nếu chúng ta, vì kém cỏi đành thoái thác nhiệm vụ to lớn ấy cho thế hệ tương lai, thì đừng tiếp tục bịt tai, bịt mắt, bịt miệng họ?

TẠ DUY ANH 19.01.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.