Ông Ngô Đình Nhu |
Theo FB Nguyễn Lân Thắng 03/12/2017: "Thư viện Quốc gia kỷ niệm 100 năm thành lập (27/11/1917). Trong bức pano đăng ảnh
giám đốc thư viện 100 năm qua, đến phần ông Ngô Đình Nhu thì không dám bỏ
không, nhưng chỉ đề tên - dù ảnh ông Nhu và những người khác kiếm có khó gì
đâu...
Mời bạn đọc tham
khảo một bài viết trên báo chí chính thống về việc ông Ngô Đình Nhu làm giám
đốc Thư viện Quốc gia, chưa kể rất nhiều bài viết khác nữa về sự kiện này."
Các cựu giám đốc TVQG qua nhiều thời kỳ, không có ảnh ông Ngô Đình Nhu. Ảnh Nguyễn Lân Thắng |
Ngô Đình Nhu – Nhà lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938-1946
Từ trước tới nay,
chúng ta chỉ biết tới nhân vật Ngô Đình Nhu (1910-1963) với những hoạt động của
ông trong lĩnh vực chính trị. Cuộc đảo chính cuối năm 1963 ở miền Nam Việt Nam
đã chấm dứt chế độ “gia đình trị” của
anh em nhà họ Ngô. Đã có nhiều bài phóng sự, nghiên cứu, sách, phim truyền hình
của một số tác giả Việt Nam và nước ngoài lột tả nhân vật này dưới vai trò của
một “cố vấn chính trị”.
Nhưng ngoài
vai trò đó, rất ít người biết rằng Ngô Đình Nhu là một trong số rất ít người
Việt Nam tốt nghiệp tại một trường danh tiếng của Pháp chuyên đào tạo các Lưu
trữ viên – Cổ tự; đó chính là trường Cổ tự học Quốc gia (Ecole Nationale des
Chartes). Cái tên Ngô Đình Nhu vẫn còn gắn với lịch sử Lưu trữ Việt Nam đến tận
hôm nay.
Trong khuôn viên
đẹp đẽ, sang trọng của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại thành phố Đà Lạt có
một biệt thự sang trọng hiện đang dùng làm nhà kho lưu trữ trung chuyển, đó
chính là ngôi biệt thự nghỉ cuối tuần của hai vợ chồng Ngô Đình Nhu và Trần Lệ
Xuân thuở nào. Lịch sử sẽ đánh giá đầy đủ hơn về Ngô Đình Nhu với tư cách là
nhà hoạt động chính trị, còn bài viết này chỉ xin được cung cấp một số thông
tin về Ngô Đình Nhu qua những hoạt động của ông trong lĩnh vực Lưu trữ của Việt
Nam thời kỳ 1938-1946.
Ngô Đình Nhu sinh
ngày 7-10-1910 tại xa Phước Qua, tổng Cự Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa
Thiên Huế trong một gia đình quan lại theo đạo Thiên Chúa. Là con trai
của Ngô Đình Khả, Thượng thư Bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái, sau những
năm tháng học tập dưới sự dạy dỗ của cha và giáo hội ở Huế, Ngô Đình Nhu sang
Paris theo học tại các trường Đại học Văn khoa và Ngôn ngữ phương Đông. Ông thi
đỗ vào trường Cổ tự học Quốc gia vào năm 1935 và tốt nghiệp năm 1938 với luận
văn về lịch sử Việt Nam lần đầu tiên được bảo vệ tại Pháp có nhan đề “Phong tục và tập quán của người Bắc Kỳ từ thế kỉ thứ
17 đến thế kỉ thứ 18 theo các du khách và các nhà truyền giáo”
(Moeurs et coutumes des Tonkinois aux
XVIIè et XVIIIè sècles d’après les voyageurs et missionairies). Luận văn
của Ngô Đình Nhu đã gây được sự chú ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp
và vì thế, ông đã được nhận giải thưởng xuất sắc.
Trở về Việt Nam
với hai bằng Lưu trữ – Cổ tự và Cử nhân khoa học, Ngô Đình Nhu được bổ nhiệm
Lưu trữ viên – Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ở Hà Nội. Ngay trong
năm làm việc đầu tiên với chức danh Quản thủ viên phó hạng 3 (tháng 12-1938),
Ngô Đình Nhu đã được Giám đốc Paul Boudet đánh giá là một “Lưu trữ viên – Cổ tự trẻ đầy triển vọng”.Chỉ trong một thời gian
ngắn làm việc ở Hà Nội (từ tháng 2-1938 đến giữa năm 1942), Ngô Đình Nhu đã
chứng tỏ năng lực của mình trong việc cộng tác với Paul Boudet và Rémi
Bourgeois (Phó Giám đốc) biên soạn và xuất bản các tập 2, 3 và 4 của bộ Đông
Dương Pháp Chế toàn tập (Recueil général
de la Législation et de la Règlementation de l’Indochine). Ngoài ra, Ngô
Đình Nhu còn được Paul Boudet giao trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị tài
liệu để tham gia các cuộc tổ chức được triển lãm tại Hà Nội và tại Huế.
Sắc lệnh số
21 (8-9-1945) do ông Võ Nguyên Giáp ký cử ông Ngô Đình Nhu
làm Giám đốc
Nha Lưu trữ và Thư viện toàn quốc theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia
Giáo dục
|
Cũng là một Lưu
trữ viên – Cổ tự tốt nghiệp tại trường Cổ tự học Quốc gia Paris như Ngô Đình
Nhu, Paul Boudet rất coi trọng các nguồn sử liệu và biện pháp bảo quản chúng.
Năm 1906, lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy Tổng đốc và các viên chức bản xứ ở các
tỉnh miền Trung “đem tài liệu lưu trữ,
trong đó có cả tài liệu của những năm Minh Mệnh thứ nhất ra phơi dưới nắng to
để chống ẩm và đuổi côn trùng”, Paul Boudet đã đặc biệt vô cùng quan tâm
đến nguồn tư liệu vô cùng quý giá đang ở trong tình trạng không được bảo quản
theo đúng phương pháp khoa học.
Ngay từ thời gian
đó, Paul Boudet đã muốn tiếp cận và áp dụng phương pháp phân loại của phương
Tây với nguồn tài liệu này, nhằm làm cho chúng được khai thác, nghiên cứu và
được sử dụng một cách có ích nhất.Sau nhiều năm cố gắng mà không có kết quả,
mãi cho đến năm 1942, trải qua gần 5 năm cộng tác và chứng kiến khả năng đích
thực của Ngô Dình Nhu, Paul Boudet một lần nữa lại quyết tâm thực hiện mục đích
của mình. Tháng 9-1942, mặc dù “đầy nuối
tiếc”nhưng Paul Boudet vẫn phải gửi Ngô Đình Nhu vào Huế để thành lập một
tổ chức Lưu trữ và thư viện ở Huế và tổ chức lại tài liệu của chính phủ Nam
triều vì Paul Boudet cho rằng đây là ‘một
sự nghiệp cần thiết và đầy hiển hách”.
Tuy chính thức
trở về Huế vào tháng 9-1942 nhưng trên thực tế, ngay từ tháng 2-1942, Ngô Đình
Nhu đã thống nhất với ông Trần Văn Lý, Đổng lý Ngự tiền văn phòng của triều
đình một kế hoạch nhằm cứu châu bản đang được cất giữ ở Nội các ra khỏi tình
trạng bị hư hỏng nặng do không có người chăm sóc. Bản tấu của ông Trần Văn Lý
xin đưa tất cả tài liệu trong Nội các ra Viện Văn hóa để có nhân viên chuyên
trách trông nom, và xin đề nghị tổ chức một Hội đồng để chỉnh đốn đã được vua
Bảo Đại chuẩn y. Hội đồng này do Ngô Đình Nhu làm chủ tịch, làm việc theo moọt
phương pháp thống nhất: kiểm tra châu bản, chia ra từng loại, sắp xếp theo thứ
tự thời gian rồi đóng thành từng tập có tiêu đề rõ ràng.
Trở thành Quản
thủ viên của cơ quan Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ ở Huế từ ngày 1-1-1943, Ngô
Đình Nhu bắt đầu sự nghiệp mới của mình với không ít khó khăn. Chính trong thời
gian thử thách với hai nhiệm vụ nặng nề này, Ngô Đình Nhu lại một lần nữa chứng
tỏ bản lĩnh của “một người có học thức, một
công chức đặc biệt” với phong cách làm việc “đầy nghị lực, đầy năng động”.
Ngày 29-3-1943,
Nghị định tổ chức lại cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Bảo hộ và chính
phủ Nam triều do Paul Boudet chuẩn bị đã được Toàn quyền Đông Dương ký ban
hành. Nghị định quy định: Lưu trữ và Thư viện của chính phủ An Nam được đặt
dưới sự chỉ đaọ trực tiếp về mặt hành chính của Bộ Quốc gia Giáo dục và dưới sự
kiểm soát về mặt kỹ thuật của Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện, người được
giao nhiệm vụ ‘‘làm cố vấn cho chính phủ
nhà vua trong mọi lĩnh vực có liên quan đến tài liệu và lưu trữ thư viện”.
Nhiệm vụ của Cố
vấn – Quản thủ viên này được giao cho Ngô Đình Nhu, theo các điều 3 và 4 của dụ
số 61 ngày 11-7 năm Bảo Đại thứ 18 (tức ngày 11-8-1943) do vua Bảo Đại ký về
thành lập tổ chức Lưu trữ và Thư viện của chính phủ An Nam.
Và ngày
29-4-1943, sau hôn lễ với Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Nhu bắt đầu cuộc sống mới tại
nhà số 19 đường Alexandres des Rhodes (Huế).Trong thời gian 3 năm, từ 1942 đến
1944, với vai trò Chủ tịch hội đồng cứu nguy châu bản và Cố vấn kỹ thuật, Ngô
Đình Nhu đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tập trung tài liệu của 5
nguồn (Quốc Sử quán, Tàng Thơ lâu, Nội các, Viện Cơ mật trước đấy và Thư viện
Bảo Đại) vào cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều.Riêng đối với
số châu bản ở Nội các, sau gần 2 năm làm việc dưới sự chỉ đạo của Ngô Đình Nhu,
Hội đồng đã làm ra được 3 bản thống kê bằng chữ Hán và Việt: một bản dâng ngự
lãm, một bản lưu hồ sơ và một bản gửi cho Viện Văn hóa. Tiếp đó, Hội đồng đã
xin Khâm Thiên giám chọn ngày tốt để cung nghênh châu bản ra Viện Văn hóa. Tất
cả châu bản sau khi thống kê đều được lưu giữ trên những kệ sách mới đóng và
sắp đặt rất có thứ tự.
Vô cùng hài lòng
về những kết quả to lớn đó, Paul Boudet đã đánh giá Ngô Đình Nhu là “một cộng
sự hạng nhất” vì theo Paul Boudet, Ngô Đình Nhu đã “hội tụ được cùng một lúc văn hóa truyền thống không thể thiếu trong vai
trò của một Quản thủ viên Lưu trữ Hoàng triều và một khả năng hoàn hảo về nghề
nghiệp nhờ có học thức uyên bác và vững chắc cho tổ chức Lưu trữ và Thư viện An
Nam và Lưu trữ của Hoàng triều”.
Thật đáng tiếc là
công việc đang tiến hành với kết quả ban đầu khả quan như thế thì xảy ra cuộc
đảo chính Nhật- Pháp ngày 9-3-1945, rồi chiến tranh kéo dài… Bao nhiêu tài liệu
lưu trữ của Hoàng triều đã bị mất, hỏng do thiếu người chăm sóc. Theo tục
truyền, có rất nhiều châu bản được bày bán công khai tại các chợ Đông Ba, Bao
Vinh, Nam Phổ, Sam… Vì vậy, một phân lớn châu bản đã bị mất hẳn, không thể nào
tìm lại được.
Sau khi Nhật đảo
chính Pháp, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã có một sự thay đổi lớn về tổ
chức, bắt đầu từ ngày 18-4-1945 bằng việc thải hồi các nhân viên người Pháp.
Theo đề nghị của giáo sư S. Kudo (Giám đốc mới của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông
Dương), Toàn quyền Đông Dương là Yuichi Tsuchihashi đã bổ nhiệm ông Ngô Đình
Nhu làm Phó Giám đốc của Sở. Sau đó, Ngô Đình Nhu đã tới Hà Nội và đã có 3 tuần
gặp gỡ với Giáo sư S. Kudo trong cương vị mới. Ngày 31-7-1945, được sự đồng ý
của Kudo, Ngô Đình Nhu đã quay lại Huế để tiếp tục công việc ở Viện Văn hóa.
Cách mạng tháng
Tám thành công, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Ngay từ những ngày đầu
tiên, Lưu trữ và Thư viện đã được chính quyền cách mạng quan tâm đến. Ngày
8-9-1945, tức là chỉ 6 ngày sau khi Việt Nam tổ chức tuyên bố độc lập ở Quảng
trường Ba Đình lịch sử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch
chính phủ lâm thời ký 2 sắc lệnh có liên quan đến Thư viện và Lưu trữ. Sắc lệnh
thứ nhất sáp nhập các thư viện công (trong đó có thư viện Pierre Pasquier trực
thuộc sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương) và một số cơ quan văn hóa khác vào Bộ
Quốc gia Giáo dục. Sắc lệnh tiếp theo cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu
trữ công văn và Thư viện toàn quốc.
Sắc lệnh này thể
hiện chính sách trọng dụng nhân tài của chính quyền cách mạng Việt Nam. Sau chuyến
đi công cán ở Thuận Hóa để tổ chức việc phân tán tài liệu của Viện Văn hóa theo
sự vụ lệnh số 125-ND ngày 4-3-1946, Ngô Đình Nhu đã trở lại Hà Nội ngày
20-5-1946, tiếp tục chỉ đạo công việc chuyên môn ở Sở.
Tờ trình số 365
ngày 16-11-1946, về công việc của Phòng Thư mục và Pháp chế của Giám đốc Sở Lưu
trữ công văn và Thư viên toàn quốc gửi Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục với chữ
ký tay của Ngô Đình Nhu là bằng chứng cuối cùng về hoạt động của ông trong lĩnh
vực Lưu trữ – Thư viện.
Có một điều đáng
tiếc là vì thiếu tài liệu, chúng ta đã không thể biết rõ quá trình chuyển đổi
của Ngô Đình Nhu từ vai trò “cố vấn kỹ
thuật về Lưu trữ – Thư viện” sang vai trò “cố vấn chính trị” như thế nào. Nhưng rõ ràng là, bằng những công
việc cụ thể được đề cập tới trong bài viết này, Ngô Đình Nhu đã để lại một dấu
ấn không nhỏ trong lịch sử Lưu trữ Việt Nam thời kì 1938-1946, đặc biệt đối với
sự sống còn của tài liệu châu bản triều Nguyễn vô giá của chúng ta.
.........................................................................
Tóm tắt
Luận văn về lịch sử Việt Nam của Ngô Đình Nhu
PHẦN MỞ
ĐẦU
Không có bất cứ tài liệu nguồn gốc châu Á
nào, do đó các tài liệu châu Âu có vai trò đặc biệt quan trọng.Các thầy tu Dòng Tên (Jésuites): Baldinotti, Alexandre de Rhodes, Marini, Tissanier. Các thầy dòng của Hội Thừa sai: Deydier, Jacques de Bourges, Belot, Guisain. Các nhà buôn: Baron, Dampier.
Văn khố của Hội thừa sai ; tổng hợp và miêu tả.
—————
Phần Một – XÃ HỘI
Chương Một. Các nhóm dân cư
1. Làng xã. – bao gồm hai mươi đến bốn mươi ngôi nhà lợp mái rơm rạ, dựng nên từ tre và đất sét. Không có công trình kiến trúc lớn. Nước lấy từ ao.
Trưởng làng có nhiệm vụ thu thuế và chủ trì việc phân chia phần đất chung theo kì hạn.
2. Chợ giữa các làng. – Chợ họp hàng tuần và thường là giữa bốn đến năm làng, các làng thay phiên nhau làm chủ chợ. Việc họp chợ giữa các làng là tế bào kinh tế của cả vùng. Các đô thị quan trọng nhất là Domea (200 nóc nhà) và Hien (2000 nóc nhà) thường xuyên có sự hiện diên của các nhà buôn nước ngoài và Kien-lao (7000 giáo dân) trở thành lợi thế của vùng để được hưởng các ưu tiên của triều đình
3. Ke-cho (Hanoi) – Kinh đô, nơi có các công ty xuất nhập khẩu châu Âu. Sự phồn thịnh, 36 phố phường, bảy mươi hai khu chợ, mỗi phố chỉ chuyên một ngành hàng, 20 000 nóc nhà.
Chương Hai. Nông nghiệp
1. Lúa gạo
a) Vị trí bậc nhất của cây lúa. Lí do.
b) Chế độ sở hữu: hợp đồng cầm cố (vente à réméré) chỉ được chấp nhận đối với người ngoại quốc, ruộng đất manh mún. Chiếm dụng đất theo dòng họ (groups de famille), sự nhũng lạm của giới quý tộc.
c) Nông cụ: sử dụng cày. Tự điển của linh mục de Rhodes cần được sử dụng cẩn trọng, có liên hệ tới cả Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài.
d) Canh tác: hai vụ lúa mỗi năm và tô (prix de revient) tăng cao.
e) Nạn đói: mười hai nạn đói từ năm 1681 đến 1721: tính chất.
2. Trồng trọt thứ yếu. – Trồng cau, dâu tằm.
Chương Ba. Chăn nuôi, Đánh cá, Công nghiệp
1. Chăn nuôi. – Gia cầm và lợn thịt. Ít bò và trâu. Thiếu đồng cỏ.
2. Đánh cá. – Tầm quan trọng đối với người Đàng Ngoài
a) Nước ngọt: Vợt và vó.
b) Trên biển: kém phát triển do giá tàu biển cao.
3. Làng nghề. – Có rất ít tài liệu liên quan đến chủ đề này: văn khố của Hội thừa sai cung cấp một văn bản quý giá cho phép định vị nghề dệt chiếu ở tỉnh Nam-dinh. Nghề sơn và gốm sứ.
Kéo sợi và dệt lụa là nguồn cung xuất khẩu duy nhất: các nhà buôn nước ngoài đến vào tháng bảy, đặt mối với các thợ thủ công – luôn phải qua khâu trung gian – và chờ đợi ít nhất sáu tháng để đơn hàng được hoàn thiện.
Chương Bốn. Tiền tệ
1. Các loại tiền tệ. – Duy nhất một loại tiền được lưu hành: tiền đúc từ đồng. Tiền 10 đồng và 6 đồng được nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ được dùng ở Ke-cho và bốn tỉnh xung quanh.
2. Tỷ giá quy đổi. – Sự ổn định của đồng so với vàng, sự bất ổn của tiền đồng trong đó có yếu tố trượt giá: 1 quan đổi ra 600 đồng năm 1666 và 1200 đồng năm 1715.
3. Cho vay nặng lãi. – Lãi suất hợp pháp từ 25% đến 30% thường xuyên bị vượt qua, người ta cho vay lấy lãi 100% đến 240% rồi 3600%. Tình trạng khốn cùng cuối thế kỷ XVII và đời sống đắt đỏ.Chương Năm. Thương nghiệp
1. Nội thương
a) Các con đường giao thương: sông và kênh
b) Các phương tiện giao thông: không có máy móc vận tải, chuyển chở trên ván thăng bằng, thuyền ba ván.
2. Ngoại thương. – Những con đường đến Đàng Ngoài: mọi hoạt động ngoại thương đều qua đường biển. Thương nhân Trung Quốc ngược lên Cua Luc-bô (Rokbo theo Dampier) chính là sông Đáy; người châu Âu qua Cua Lâ (Thai-Binh) dẫn đến Domea; ngôi làng này chắc chắn không phải là Dôn-Minh, mà là Dông-xuyên-ngoai : những tàu buôn châu Âu không đi xa thêm trong khi thuyền mành (jonque) Trung Quốc ngược lên đến Hien.
Người ta không bao giờ chỉ ra rằng, bên ngoài Đàng Ngoài, không có bóng dáng một con thuyền cũng như không có một nhà buôn Đàng Ngoài nào, và những người châu Á khác cùng với người châu Âu đã độc chiếm hoàn toàn ngoại thương của vùng.
Thường xuyên thiếu lương thực, bị bỏ đói định kỳ, người Đàng Ngoài nhận lấy một sự tồn tại khốn khó, bất bênh và không thể nghĩ đến điều gì ngoài miếng cơm hàng ngày.
————
Phần Hai- CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH
————
Chương Một. Tổ chức gia đình
1. Nền tảng của quan hệ họ hàng. – Quan hệ huyết thống, địa vị vượt trội của họ hàng bên nội thể hiện qua những cách gọi tên đặc biệt.
2. Cấu trúc gia đình. – Không có thị tộc (clan); bố mẹ và con cái.
3. Tổ chức gia đình. – Người mẹ phụ thuộc vào quyền quyết định của người cha, con cái bình đẳng.
Chương Hai. Hôn nhân
Nguồn bằng chứng châu Âu dồi dào trở nên đặc biệt quý giá khi không có bất cứ tài liệu nào có xuất xứ An Nam.
1. Vai trò của đôi vợ chồng tương lai. – Không có quyền được chọn người hôn phối; bố mẹ cưới gả con từ khi còn nhỏ tuổi.
2. Ăn hỏi. – Người mối lái, sính lễ, thách cưới chàng rể tương lai.
3. Đám cưới. – Trình của hồi môn, luôn là ruộng vườn và được tặng bởi chú rể; nộp khoản phí bắt buộc cho các chức sắc trong cộng đồng; cỗ cưới do chú rể chi trả; cô dâu trình diện trước các ông thần bếp (ông Táo) và tổ tiên của chồng
Chương Ba. Chấm dứt hôn nhân
1. Ly hôn. – Người phụ nữ hiếm khi có thể ly hôn và trong trường hợp có thể thì phải bồi thường cho người chồng.
2. Bỏ vợ. – Người chồng luôn có rất nhiều cơ hội để ruồng rẫy vợ.
3. Cách thức ly hôn và bỏ vợ. – Sự phá bỏ quan hệ hôn phối được thể hiện công khai: “đồng tiền hay chiếc đũa bẻ đôi”
4. Bât-dông hay dô-dông. – Các quý tộc có quyền lấy làm lẽ những người phụ nữa góa chồng, bị chồng bỏ, ly hôn hay những cô gái chửa hoang trong làng; những người này chỉ có thể khước từ bằng cách nộp 1 quan tiền cho quý tộc và từ đó không được phép lấy bất cứ ai. Tục lệ này chỉ còn được lưu giữ trong văn khố của Hội thừa sai.
Chương Bốn. Sinh và Tử
1. Sinh
a) Ngày sinh: đặc biệt quan trọng
b) Tên riêng: không được là tên một đứa trẻ khác đã chết; đặt tên xấu cho con để tránh bị ma quỷ quấy nhiễu. Khi đứa con đầu tiên ra đời, cách gọi tên ông bà nội và ông cậu họ nội sẽ được thay đổi, cách gọi tên người con cả thay đổi khi người con thứ ra đời. Khi thôi nôi, đa phần tên gọi cũ sẽ được thay thế bằng một cái tên đẹp.
Sự tôn kính một bậc bề trên thể hiện qua việc không bao giờ gọi tên của người này cũng như tên của cha mẹ ông ta, và người ta phải nói chệch đi bằng các từ đồng âm với tên gọi; cũng từ đó mà một số gia đình có vốn từ đặc biệt.
c) Tuổi trưởng thành : mười tám tuổi. Thông thường, trẻ em được tính một năm tuổi khi vừa chào đời và được hai tuổi vào Têt (đầu năm) sau.
d) Con nuôi : phổ biến, nhưng không được chứng thực bằng giấy tờ và không công khai. Baron được một hoàng tử ở Đàng Ngoài nhận nuôi để không phải chịu phiền toái và những Thừa sai người Pháp nhận làm con trai danh dự của một ái phi của Trinh Can để tự bảo vệ trong một phiên xử khó. Nhận nuôi thường không chỉ là một sự tiến cử đơn thuần, chỉ ra rằng ở Đàng Ngoài vào thế kỉ XVII không có tổ chức xã hội nào khác ngoài gia đình và rằng người ta không thể có người bảo hộ nào khác ngoài cha và mẹ.
2. Tử. – Người Đàng Ngoài sợ cái chết, nhưng có thái độ chấp thuận, và sợ nhất là không có được một cỗ áo quan đẹp. Thi hài được quàn trong mười đến mười lăm ngày trước khi được an tang ở bản quán. Thời gian chịu tang : ba năm cho con, hai năm, ba tháng và mười ngày cho góa phụ ; phải sống khắc khổ trong thời gian chịu tang. Thờ cúng tổ tiên, trong đó gia đình là đơn vị, tạo nên sự gắn kết và sức mạnh.
Phần Ba. ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN
——–
Chương Một. Trang phục
Tóc thả dài, biểu tượng của tự do ; việc cắt tóc là một nhục hình hoặc là dấu hiệu của tang gia. Trán rộng được cạo nhẵn, răng được nhuộm lúc mười sáu hay mười bảy tuổi. Mũ, quần áo. Dân cư chủ yếu ở trần.
Chương Hai. Thức ăn
Gạo là thức ăn chính ; thịt, nhất là thịt chó ; các loại cá và nuoc-mam. Chỗ ở và đất đai. Một chế độ ăn thiếu thốn giải thích cho việc các tín đồ Cơ Đốc ở Đàng Ngoài đều không ăn chay.
Chương Ba. Tính cách
Có sự tương thích giữa các lời chứng. Người Đàng Ngoài cởi mở, nhạy cảm với tình bạn, ý tứ, ít gây gổ, ngăn nắp nhưng cũng tham ăn (có lẽ đơn giản là do bị bỏ đói), lười nhác và trộm cắp. Mại dâm thế kỷ XVII.
——–
KẾT LUẬN
Nhìn chung, các tập quán ở Đàng Ngoài không có nhiều thay đổi từ thế kỷ XVII và không có gián đoạn nào trong sự tiếp nối tâm lý. Tuy nhiên, ta nhận thấy ở người Đàng Ngoài một sự thích nghi đáng lưu ý: những phong tục khắc nghiệt biến mất không để lại dấu vết và nhận định này khiến chúng ta cần thật sự cẩn trọng trong những giả thuyết về các nguồn gốc của văn minh Đàng Ngoài.
Chú thích:
1. Những thông tin này được khai thác từ tài
liệu của phông Directon des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine (Sở
Lưu trữ và Thư viện Đông Dương – DABI) của trung tâm Lưu trữ quốc gia I và từ
phần Giới thiệu về châu bản triều Nguyễn của Trần Kinh Hòa trong Mục lục châu
bản triều Nguyễn (tập thứ I, triều Gia Long), Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt
Nam, viện đại học Huế, tháng 4-1960.2. DABI, hs:156
3. Việt Nam dân quốc công báo, số 1, tr8.
4. Từ tháng 11-1946, tên giao dịch chính thức của cơ quan Lưu trữ và Thư viện Việt Nam là Sở Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc.
Nguồn:Tạp
chí Xưa và Nay, số 444 tháng 2 năm 2014
06/03/2017)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.