jeudi 14 décembre 2017

Đảng Cộng Sản Trung Quốc truy quét dân đen vô sản



Một khu nhà của người nhập cư ở ngoại ô Bắc Kinh đã bị đập phá, 13/12/2017.

(Chloé Froissart, Le Monde 14/12/2017) Sau vụ hỏa hoạn hôm 18/11 tại một làng ngoại ô làm 19 người chết, thành phố Bắc Kinh nhân danh an toàn đã ra lệnh giải tỏa dân cư, phá hủy các khu phố nghèo ngoại ô trong vòng 40 ngày. 

Qua việc phá dỡ những căn nhà bị cho là bất hợp pháp, những người lao động nhập cư là đối tượng bị nhắm đến. Đó là những người dân từ nông thôn lên thành thị kiếm sống trong ngành xây dựng, mở những cửa hàng nho nhỏ hoặc làm việc trong ngành dịch vụ. Họ phục vụ cho những người có quyền cư trú tại Bắc Kinh nhờ có hộ khẩu, mà người nhập cư không có được. Nạn nhân của chiến dịch giải tỏa này, theo một số ước tính, lên đến hàng trăm ngàn người. Không ai được tái định cư, còn bồi thường tất nhiên không mơ thấy nổi.

Việc truy quét những con người vô sản này đã chứng tỏ sự dối trá của một đảng Cộng Sản, vốn lại đặt chủ nghĩa mác-xít lên hàng đầu ; và Đại hội Đảng 19 vừa khép lại đã hứa hẹn xóa đói giảm nghèo, bảo đảm chất lượng sống tốt hơn cho công dân - mà sự bình đẳng trước pháp luật đã được ghi trong Hiến pháp. Người nhập cư không hề bị lừa trước thực tế bị chối từ quyền công dân. Tương tự, không ai ngây thơ tin vào lý lẽ giải tỏa vì mục đích an toàn : chính quyền thẳng thừng tuyên bố là muốn quét sạch khỏi thủ đô những « cư dân chất lượng thấp ».

Vụ hỏa hoạn là cơ hội bằng vàng cho chính quyền, mà kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) dự trù giảm 15% dân số của sáu quận trung tâm, và hạn chế tổng số dân Bắc Kinh là 23 triệu người. Sự kiện này giúp chính quyền sớm đạt mục tiêu, đồng thời giải phóng được mặt bằng để bán với giá rất đắt. Tiền bán đất chiếm đến phân nửa tổng thu nhập của chính quyền thủ đô. Họ chỉ muốn xây lên các tòa nhà mới dành cho văn phòng và cho giới nhà giàu Bắc Kinh. 

Chiến dịch truy quét dân nghèo đã gây ra làn sóng phẫn nộ to lớn, trước « sự thâm độc của Nhà nước » « phương cách thô bạo ». Bất mãn lên đến cực điểm, khi chính quyền đóng cửa một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ người nhập cư, và cấm bất kỳ ai đến giúp đỡ những người bị trục xuất. 

Bộ mặt giả nhân giả nghĩa đã bị phơi bày, tuy một đạo luật có hiệu lực từ tháng 9/2016 khuyến khích làm từ thiện. Các « NGO » tại Trung Quốc ngày nay chỉ có thể là trợ thủ của Nhà nước và Đảng. Tất cả các tổ chức độc lập và tự nguyện của xã hội, chuyên trợ giúp nạn nhân của các chính sách Nhà nước, đều bị cấm ngặt.

Những vụ cưỡng chế này thực ra chỉ là đỉnh điểm của một lô-gic chính sách công từ nhiều thập niên qua. Từ khi Nhà nước tiến hành cải cách chính sách hộ khẩu trong những năm 80 – ngăn cản người dân nông thôn tự do lên thành thị trong thời kỳ mao-ít – những rào cản ngày càng được nâng cao tại các thành phố lớn. Chỉ những người tay nghề cao và các nhà đầu tư mới có thể được cấp tấm hộ khẩu quý giá. Còn tại các thành phố đứng hạng chót bảng xếp hạng – dịch vụ công kém phát triển và cơ hội kiếm sống ít hơn – thì điều kiện cư trú được giảm nhẹ. 

Xu hướng đẩy người nhập cư về các thành phố nhỏ, tập trung giới tinh hoa vào các đô thị lớn, và đứng về phía người giàu, cho thấy ý đồ đồng nhất hóa kinh tế-xã hội tại các thành phố lớn, nhằm làm tăng tính cạnh tranh và phát triển kinh tế đất nước.

Đã hẳn Nhà nước trung ương và chính quyền các đô thị cố chứng tỏ rằng không phải họ làm ngơ trước đòi hỏi công bằng xã hội của công chúng. Quảng Châu, Thâm Quyến, Thượng Hải hoặc Bắc Kinh trong những năm gần đây đã cấp giấy chứng nhận cho những người nhập cư sở hữu nhà ở và có công việc ổn định, giúp họ tích tụ điểm để đến khi đủ tiêu chuẩn có thể nộp đơn xin nhập hộ khẩu, với số lượng hạn chế hàng năm do từng địa phương ấn định. Những điểm đạt được tính theo trình độ học vấn, tay nghề, tuổi tác (ứng viên phải trẻ tuổi), diện tích nhà ở và thời gian đóng bảo hiểm, sẽ bị mất nếu người nộp đơn bị buộc phải rời thành phố.

Nhìn bề ngoài thì chính sách này giúp những người tạm trú sẽ dần dần được thường trú, nhưng thật ra chỉ dành cho một bộ phận ưu tú trong số những người lao động ngoại tỉnh. Ai trong số những người giữ trẻ, sửa chữa vặt…có thể trưng ra một hợp đồng lao động và có được nhà ở ổn định, nhất là họ thường xuyên bị trục xuất ? Quy định trên đã tạo ra những giai tầng xã hội mới, quyền được thường trú tỉ lệ với số điểm đạt được.

Quy hoạch đô thị toàn quốc được Quốc vụ viện công bố năm 2014, buộc các chính quyền địa phương phải bảo đảm cho người nhập cư sự hội nhập tối thiểu, như các dịch vụ công, giáo dục, phúc lợi xã hội. Nhưng địa phương lại phải gánh chịu một mình gánh nặng của hội nhập. Những người nhập cư nào vượt qua được cả núi giấy tờ để con cái xin vào học trường công, thấy cánh cửa đóng lại trước mặt mình với cớ là đã hết chỗ. Hoặc phát hiện rằng bảo hiểm chỉ trả có 10% chi phí phẫu thuật, khiến họ không thể vào bệnh viện, hoặc về quê để chữa trị.

Chính sách ưu tiên cho một số ít từ trên xuống dưới theo mô hình kim tự tháp, được tạm chấp nhận khi duy trì một hy vọng nào đó, dựa trên ý tưởng một thiểu số làm giàu trước rốt cuộc sẽ giúp cho toàn xã hội được hưởng lợi. Nhưng ngày càng ít người bị lừa về ý tưởng này. Các vụ cưỡng chế dân nghèo ở Bắc Kinh đã làm lộ rõ lô-gic ưu đãi giới tinh hoa, khinh miệt nhân dân vô sản.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.