jeudi 7 décembre 2017

Trương Quang Thi - Chưa nước nào BOT nhiều và phi lý như Việt Nam



Trước hết cần mình định rằng trên thế giới không có quốc gia nào mà hạ tầng lại đầu tư BOT nhiều và phi lý như tại Việt Nam. 

Điện, đường, trường, trạm (y tế) là hạ tầng kỹ thuật cốt lõi để phát triển, và nó phải được đầu tư bằng ngân sách, nghĩa là tiền từ thu thuế trong dân. Đầu tư BOT chỉ được xem là giải pháp thứ hai mà dân có quyền lựa chọn, ví dụ như cao tốc Sài Gòn-Trung Lương. 

Để chạy từ Nam Sài Gòn về ngã ba Trung Lương của Tiền Giang. Người ta có thể chọn hoặc là chạy trên đường quốc lộ 1, điều kiện đường xấu, hẹp, tốc độ hạn chế ở nhiều nơi, cự ly xa hơn một chút. Hoặc chạy trên cao tốc có thu phí với điều kiện đường ngắn, đẹp, tốc độ cao, an toàn. Đó là lý do mà dù phí cao tốc khá cao nhưng nhiều xe vẫn đi bởi nó là dự án BOT đúng nghĩa. 

Ngược lại, rất nhiều trạm thu phí hiện nay ở hầu hết các tuyến đường quốc lộ tại Việt Nam được đặt trên tuyến đường độc đạo, có sẵn từ thời xa xưa. Người ta làm một tuyến đường tránh qua một khu đô thị, thường thì ngắn hơn 25 km và đặt trạm thu phí ngay trên quốc lộ. Hay như tuyến quốc lộ 14 hiện nay, người ta mở rộng mặt đường hiện hữu thêm hai làn xe, thảm lại nhựa và đặt trạm thu phí. 

Dưới danh nghĩa xã hội hóa, họ từ chối lấy thuế thu được từ ngân sách để đầu tư hạ tầng. Thay vào đó họ đẩy việc đầu tư về phía người dân dưới chiêu trò trạm thu phí đường bộ. 

Các dự án BOT hầu hết là sử dụng vốn vay. Giá trị dự án bị đẩy lên cao gấp nhiều lần, thời gian và giá phí dân không được quyền lựa chọn. Với hệ thống BOT, dân vừa phải trả lãi vay, vừa nuôi một đội ngũ điều hành dự án, vừa trả vốn cho ngân hàng, và góp thêm một con số khổng lồ cho hệ thống sân sau và quan chức có tiền mua nhà ở nước ngoài. 

Có thể nói đầu tư BOT bây giờ là đi buôn không cần vốn nhưng lãi thì cao hơn cả các Quỹ Đầu Tư Mạo Hiểm, và không hề gặp bất cứ rủi ro nào. 

Nhiều đoạn đường tránh lúc đầu tư thì mục đích của nó là để tăng tốc độ vận hành. Nhưng chỉ sau mấy năm thì ở đó địa phương lại bán đất, chuyển mục đích sử dụng, cho dân xây nhà và đường tránh lại trở thành đường đô thị. Mọi thứ quay về với cái ban đầu. 

Việc ngân sách hạn hẹp nên thiếu vốn đầu tư là do lỗi quản lý nhà nước. Không có quốc gia nào trên thế giới lại nhiều người ăn lương từ ngân sách như ở Việt Nam. Nếu cắt giảm 50% bộ máy hưởng lương hiện nay thì chúng ta thừa ngân sách để cân đối cho hệ thống y tế, giáo dục, và hạ tầng giao thông kỹ thuật. Đó là chưa nói đến các khoảng lỗ khủng phải bù cho khối doanh nghiệp nhà nước. 

Tỉ lệ thuế, phí nếu tính đủ thì hiện nay dân Việt đang đóng rất cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vậy tại sao chúng ta lại thiếu tiền? Câu trả lời có lẽ ai cũng biết.

FB TRƯƠNG QUANG THI 05.12.2017 (Tựa do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.