jeudi 14 avril 2022

Dạ Ngân - Ở đó có trăng không?

 

Không phải vì khi ấy mình là thiếu nữ. Hay là vì thiếu nữ nên trăng trở nên huyền diệu?

Mùa khô, trăng ngà ngà tràn trên cỏ cháy ở những vạt đồng không một bóng cây. Mùa nước trăng chập chã trên lũ thực vật đua nhau sức sống. Ngày nắng đêm về trăng thanh thanh và ngày mưa, trăng thập thò trong mây không khi nào đúng hẹn.

Đầu súng trăng treo của Chính Hữu dài bảy năm. Bảy năm là bao nhiêu mùa trăng?

Đất nước sau Điện Biên Phủ bỗng dưng không còn hào khí một cõi như trước. Trăng đi vào tâm tư mỗi người mỗi dạng, gối chiếc và quân hành, trăng lợi thế cho bên này thì cũng đem bất lợi cho bên kia.

Người lính một phía của miền Nam phải dùng hỏa châu để phát hiện đối phương, thế nhưng người vợ lính của phía kháng chiến lại vì ánh sắng ấy mà thao thức trên đồng trên rẫy khi chồng là bộ đội. Và một thiếu nữ mắt xích trong guồng kháng chiến đếm trăng để biết, vậy là một tháng nữa sắp qua, những ngày chưa chết, những ngày cầm cự, những ngày để ghi vào nhật ký.

Dù ở phía nào thì chiến tranh vẫn cứ là chiến tranh. Bom dội, pháo dồi, phục kích, tập kích, bắn giết và nhà tan cửa nát. Nếu hồi ấy có vệ tinh, Internet và điện thoại thông minh thì cả hai phía sẽ cho thấy những hình ảnh lộng lẫy của những con người theo đuổi lý lẽ của mỗi bên. Và chắc chắn sẽ không ít cảnh tượng thê lương không thể nhìn lâu. Nhất là dưới trăng, những gì lý ra cần giấu đi thì trăng đã phơi bày một cách không thương tiếc.

Đơn cử 1: Chị bước lên bờ cỏ, quần chiến binh vo lên tận gối, dưới trăng lai láng, hai ống chân tuyệt trần, rồi không lâu sau chị đã bị một băng đạn trực diện của đối phương trong chiến dịch Nhổ cỏ U Minh.

Đơn cử 2: Sau một trận B.52 rải thảm, những người sống sót bỗng nhận ra sao mọi thứ thành bình địa một cách dễ dàng như thế, dưới trăng, như thể được chuẩn bị phim trường cho bộ phim có tên là Hủy Diệt.

Đơn cử 3: Những người lính đồn của Việt Nam Cộng Hòa bị bó chân trong một vùng kênh rạch bị lục bình giăng kín, trăng khiến họ ngỡ ngàng và bỗng mềm lòng. Họ chĩa loa pin về phía có căn cứ đối phương sống xôi đậu với họ “Mấy ông cán binh đừng có đội lục bình đi chim gái nghen, dễ lia cho mấy băng đừng trách nghen”.

Đơn cử 4: Nhân tuần trăng, trong những xóm xa, những người vợ bộ đội ở chỗ tản cư rủ nhau về đồng, nán lại nhiều ngày trong chòi để làm lụng ban đêm và tiện thể, để nói với nhau mọi thứ về những người đàn ông sống nay chết mai của họ.

Quả là không thể nào đơn cử cho gần đủ. Hai mươi năm cuộc chiến thứ Hai ấy có bao nhiêu tuần trăng? Và rồi trăng lọt vào khe của các nhà tù lao cải dành cho những người thua cuộc, trăng thất thần ở những nơi gọi là Kinh tế mới cho vợ con gia tộc của những người ấy?

Trong khi đó một cuộc chiến thứ Ba (không tuyên bố không xếp số) đã lại đến với những người lính già chưa kịp nghỉ, và một lớp lính trẻ lần đầu tiên mặc áo “nghĩa vụ quân sự”. Đất nước này lại một phen nữa chia phe, trăng tàn tạ của phe thua và trăng xa lạ của phe thắng vừa phải cất quân với mệnh lệnh là Phải thắng! Oái oăm không buông tha chúng ta, một quốc gia trong vòng nửa thế kỷ phải trải qua ba cuộc chiến.

Trăng ở xứ người thật kỳ quặc. Đất pha cát, như thể đất bị nhốm lên gần mặt trời vào ban ngày để hun nóng hơn. Ban đêm, vào dịp rằm, trăng ở xứ họ như mưng vàng, ung ủng, đáng sợ. Có lẽ do từng bộ mặt con người, từng tràng ngôn ngữ, từng tiếng thúc bò… đều mang lại sự hoài nghi chết tiệt: ai cũng có thể là người nhà của Pol Pot, ai cũng có thể trở mặt với đội quân mà hôm trước họ còn tung hô ơn tái sinh.

Lâm vào cảnh đồn chốt, bị nã pháo bị tập kích bị vây hãm…  (tạm an toàn vì mọi thứ có thể phát hiện sớm từ xa nhờ đang có trăng), đội quân ấy so đàn, bật băng cassette hoặc rống lên hát chay Rừng Lá Thấp, Mẹ Ơi Xuân Này Con Không Về… Vì sao không Đêm Trường Sơn Nhớ Bác hoặc là Nổi Lửa Lên Em? Đơn giản vì cuộc chiến khác, tâm tư khác, địa hình khác và xứ người, thật khác, từ ngọn gió đến giọt trăng.

Gì rồi cũng qua, mất mát, được thua, niềm đau, thù hận. Những ngày cả thế giới hướng về một nơi đang bị tàn phá, tự dưng nhớ trăng hơn bất kỳ thứ gì khác. Vì sao? Nỗi nhớ không cần lý lẽ hay sự phân tích nào.

Có lẽ vì quá khứ có trăng ám ảnh quá. Trăng phơi bày mọi góc khuất mà vẫn bàng bạc những đường nét của tranh vẽ. Hình như không một bức ảnh nào ở nơi đó bị tàn phá có chứng kiến của trăng? Họ có những cánh đồng bát ngát lúa mì và hướng dương kia mà. Ô, bởi vì cuộc chiến của họ mới một tuần trăng, đô thị đang là mục tiêu chính.

Cầu mong cho đất nước ấy không phải đếm trăng trong cuộc chiến như chúng ta đã từng.

DẠ NGÂN 14.04.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.