lundi 7 octobre 2024

Tiểu Vũ - Nhân vụ « Tình ca » của Hoàng Việt bị nhầm tên tác giả thành Hoàng Hiệp


Trong ảnh là cháu ngoại của cố nhạc sĩ Hoàng Việt. Tên cô chính là tên ca khúc nổi tiếng của ông: Nguyễn Thụy Tình Ca. "Tình ca" của Hoàng Việt không chỉ là tên của một tác phẩm mà còn là tên của một con người.

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, sinh ngày 29/10/1928 tại Chợ Lớn. Quê cha ở thị xã Bà Rịa, quê mẹ ở huyện Cái Bè, Tiền Giang. Từ những năm học trung học ở Sài Gòn, lúc mới 16, 17 tuổi, Lê Chí Trực với bút danh Lê Trực đã viết những ca khúc lãng mạn như "Chí cả", "Biệt đô thành" và đặc biệt là ca khúc nổi tiếng "Tiếng còi trong sương đêm" dưới bút danh Lê Trực.

Năm 1947, Lê Chí Trực tham gia Việt Minh ông một trong những người trẻ nhất của đội ngũ nghệ sĩ tham gia kháng chiến ở Nam Bộ thời ấy. Thời gian này Hoàng Việt vừa ôm súng chiến đấu vừa sáng tác những ca khúc mang tinh thần cách mạng như: "Lên ngàn", "Nhạc rừng", "Lá xanh", "Đánh giặc giữ làng", "Mùa lúa chín"…

Nhưng rồi một sự cố xảy ra ông bị bắt giam vì bị nghi là "phản động" khi bài hát "Tiếng còi trong sương đêm" của ông đang phổ biến ở Sài Gòn. Biết chuyện một vị lãnh đạo của cơ quan văn nghệ kháng chiến Nam Bộ đã bảo lãnh cho ông khỏi bị giam giữ.

Năm 1954 Hoàng Việt từ biệt người vợ trẻ và ba đứa còn để tập kết ra Bắc và trở thành sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam khi mới tuổi 26.

"Tình ca" được nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác năm 1957 khi ông nhận được thư của vợ từ Sài Gòn gửi ra. Bài hát sau đó được thu âm lần đầu qua giọng hát của nghệ sĩ Quốc Hương. Nhưng khi lên sóng thì bị tạm đình chỉ vì bài hát mang tư tưởng "tiểu tư sản". "Tình ca’’ của Hoàng Việt tạm thời không phổ biến. Năm 1958 ông được cử sang Nhạc viện Sofia (Bulgari) tu nghiệp 7 năm. Tại đây bản giao hưởng đậm chất sử thi "Quê hương" được ra đời.

Đầu năm 1967, Hoàng Việt mới có cơ hội đoàn tụ với vợ con sau 13 năm xa cách. Hoàng Việt quyết định xin về miền Nam chiến đấu và sáng tác. Từ miền Bắc, Hoàng Việt đã đi ngược về miền Nam rồi đến Tiền Giang quê hương ông vào cuối năm 1967...nhưng đó cũng là những ngày tháng cuối cùng của người nhạc sĩ tài hoa. Ông đã bị trúng đạn từ máy bay Mỹ. Hoàng Việt ngã xuống trên bờ kênh Ả Rặt (làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ở tuổi 39.

Sau khi nhạc sĩ Hoàng Việt qua đời thì bản nhạc "Tình ca" của ông được xem xét và cho phổ biến trở lại đến ngày hôm nay. ‘’Tình ca’’ của Hoàng Việt được xếp vào một trong những tình khúc cách mạng hay nhất thế kỷ 20. Nhạc sĩ Hoàng Việt được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 2006. Năm 2012, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 1985, một đường phố ở TPHCM đã mang tên ông.

Ảnh:  Nguyễn Thụy Tình Ca, giám đốc Marketing cho hãng xe Porsche.

TIỂU VŨ 07.10.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.