vendredi 8 septembre 2023

Dương Quốc Chính - Minh bạch để đồng thuận

 

Về cái hồ Ka Pét, để tránh đánh giá cảm tính, thì bên chủ đầu tư cần minh bạch Báo cáo nghiên cứu khả thi. Bên phản đối cần cử ra một nhóm chuyên gia thủy lợi, có thể góp tiền cộng đồng để thuê một đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định, chất vấn chủ đầu tư.

Chứ còn chửi suông cảm tính thì vô ích. Dân bảo không được phá rừng để bảo vệ môi trường, chủ đầu tư bảo cần làm để cứu nông nghiệp khỏi hạn hán, chả ai nghe ai. Dư luận viên của hai bên thì tung tin giả để định hướng.

Hiện tại thông tin đang bất đối xứng, dân có thông tin hạn chế, thậm chí có thể fake. Còn chủ đầu tư đương nhiên có đủ số liệu dự án, nhưng không biết liệu có cố tình fake hay không.

Vậy để hai bên đi đến đồng thuận thì cứ thẩm định độc lập đi. Mình cho rằng đa số dân đọc cái Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ chả hiểu gì, như mình không phải dân thủy lợi chắc cũng chỉ hiểu lơ mơ.

Mấu chốt của dự án là phải chứng minh được tính hiệu quả của dự án. Ví dụ phải chứng minh được cái hồ này xây xong sẽ không bị bỏ hoang, hiệu quả tưới tiêu sẽ ra sao. Nếu hiệu quả là thấp thì không đáng để đổi rừng, còn nếu đáng thì có thể cân nhắc. Tất cả phải dựa trên số liệu tính toán khoa học.

Đại khái phải tính được lưu lượng nước sông dồn về, lượng nước mưa hàng năm, lượng bốc hơi và ngấm xuống, để ra được kết cả là hồ sẽ có được bao nhiêu mét khối nước với lượng mưa hàng năm như vậy. Việc phản đối hay ủng hộ phải dựa trên lý trí, chứ không thể cảm tính.

Một ví dụ tương đối tương đồng và thời sự là việc Nhật xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Nhật đã minh bạch, mời IAEA vào thanh sát, test mức độ độc hại của nước biển sau xử lý và IAEA đã OK. Nhật cũng mời chuyên gia của Trung Quốc và Hàn quốc tham gia test, nhưng Trung Quốc từ chối tham gia.

Đến khi Nhật xả thải thì Trung Quốc phản đối và không nhập hải sản Nhật nữa. Anh em bò đỏ Việt Nam cũng nhao nhao ủng hộ Trung Quốc, chửi Nhật. Còn Hàn Quốc thì thận trọng theo dõi, đánh giá.

Ví dụ trên cho thấy việc bảo vệ môi trường phải dựa trên bằng chứng khoa học, lý trí, chứ không nên cảm tính, theo tâm lý đám đông. Đám đông có quyền và thường chạy theo cảm tính. Nhưng chính quyền, cơ quan chức năng không được phép ứng xử tương đương, mà phải minh bạch và khoa học. Như trường hợp Nhật đã làm bên trên.

Như trường hợp này, chủ đầu tư nên chủ động đề xuất giải pháp để minh bạch số liệu để cộng đồng có thể thẩm định độc lập. Chuyện này mấy ông nhà báo hay đại biểu Quốc hội cũng chả đủ trình để chất vấn và hiểu được những gì người ta trả lời chất vấn.

Thẩm định rồi, tính toán rồi, mà sau vài năm, với lượng mưa tính toán mà lượng nước hồ không đảm bảo thì cứ việc nhét các ông thiết kế, chủ đầu tư, thẩm định vào lò thôi.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 08.09.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.