Dịp Quốc khánh năm nay, đồng loạt nhiều báo làm đề tài xoay quanh con số 100 triệu dân. Cơ bản đều giống nhau, đó là nói về việc 100 triệu dân mà đồng lòng chung sức thì đất nước ắt hùng cường.
Trong số các bài viết, tôi “ ấn tượng” nhất là bài có cái tít “Tuần dương hạm với 100 triệu động cơ”! Nghĩ cũng vui, sao không tiến ra biển bằng tàu buôn mà cứ phải là tàu đánh nhau? Rồi chưa kể 100 triệu động cơ mà mỗi động cơ dùng để chạy một chân vịt thì con tàu này vui lắm nhỉ, chắc nó xoay mòng mòng?
Tóm lại, ai cũng nói về khát khao hùng cường bằng dân số vàng, nhưng chả ai nói về giải pháp làm sao để đội ngũ chạy Grab đừng ngày càng trẻ hóa. Để những chàng trai cô gái hừng hực sức trẻ đừng bán rẻ sức lao động bằng những việc mang lại giá trị vật chất thấp lè tè như xuất khẩu lao động làm việc chân tay, gác tàu, soát vé phà, giữ xe…
Nhưng, những chuyện ấy vẫn chưa lớn.
Chuyện lớn, khiến tôi liên tưởng ngay sau khi đọc bài “Tuần dương hạm có 100 triệu động cơ” là hình ảnh hỗn chiến ở chùa Diệu Pháp, giữa một bên là vài anh chích điện bắt cá với một nhóm tầm chục người thả cá phóng sinh.
Chỉ một chuyện cỏn con thế mà còn hỗn chiến được thì mong gì hai chữ đồng lòng?
Giá mà những người phóng sinh, có lẽ đều có điều kiện, bo cho hai anh chàng đi chích cá kia vài trăm ngàn, ôn tồn bảo hãy để cho chúng tôi làm lễ xong, có lẽ đã không xung đột. Tốt đẹp hơn nữa, Phật tử chùa Diệu Pháp cùng nhau đi tìm hiểu những người chích cá đi. Họ toàn dân tận cùng của xã hội không à.
Tôi từng hỏi thăm một trung niên hay đi chích cá ở ven sông, ngay khu Vạn Phúc. Anh ở trên Bình Dương, thất nghiệp, bí quá đi chích cá sống qua ngày. Tìm hiểu họ, tạo công ăn việc làm cho họ, để họ bỏ nghề chích cá, việc ấy tạo phúc hơn cả đi thả cá phóng sinh.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, giới nhà giàu âm âm u u không minh bạch ngày càng nhiều, nên dân dưới đáy xã hội dễ nổi khùng là điều dễ hiểu.
Trăm triệu động cơ kiểu này sẽ khiến con tàu chạy kiểu gì?
Nhân đây, nói thêm một chuyện đang rất thời sự, đó là cơ hội làm ăn mở ra với Mỹ khi ông Biden sắp thăm Việt Nam, đó là việc Mỹ muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam ở lĩnh vực sản xuất chip. Nhưng người ở đâu ra mà thực hiện? Xin trích phát biểu của ông Vũ Tú Thành, giám đốc văn phòng Hội đồng doanh nhân Mỹ-ASEAN tại Việt Nam.
"Số lượng các kỹ sư phần cứng hiện có thấp hơn nhiều con số cần thiết để hỗ trợ các khoản đầu tư hàng tỉ USD, khoảng một phần mười nhu cầu dự đoán trong vòng 10 năm tới.
Đất nước 100 triệu dân này chỉ có 5.000 đến 6.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo cho ngành sản xuất chip, trong khi nhu cầu dự kiến khoảng 20.000 trong năm nay và 50.000 trong một thập kỷ”, ông Thành nói, dẫn số liệu ước tính từ các công ty và các kỹ sư.
CAO HUY THỌ 03.09.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.