Ngày mười bốn tháng Ba năm nay, 2023, báo chí tràn ngập bài viết về Gạc Ma. Nhiều hình ảnh các nguyên và đương nhiệm quan chức thắp nhang tưởng niệm 64 liệt sĩ bị quân Trung cộng tàn sát năm 1988.
Cũng hệ thống báo chí này, cách nay chưa lâu, im ru bà rù trong khi các trang mạng lên tiếng nhắc nhở ngày người Việt bị thảm sát tại Gạc Ma, quốc gia Việt bị mất biển đảo. Trong khi chủ quyền lãnh hải bị xâm phạm và uy hiếp thêm nữa. Trong khi cụ Hoàng Nhỏ lặng lẽ bày bàn thờ trên bãi biển, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thắp hương…
Đầu những năm 2000, có những giám đốc công ty, hiệu trưởng trường đại học tìm cách ngăn chặn nhân viên, sinh viên biểu tình chống Trung cộng xâm lược. Trong mười năm sau đó, các cuộc biểu tình chống Trung cộng uy hiếp, xâm phạm thêm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam bị trấn áp, các cuộc tưởng niệm ngày 14/03 bị phá rối bằng nhiều sáng kiến khó ngờ! Đó là những xô nước đá hắt vào tấm lòng, truyền thống bảo vệ lãnh thổ của người Việt!
Bài này nhắc chuyện xưa không phải để cà khịa với ai hay tố cáo ai, chỉ mong không còn bất kỳ chia rẽ nào nữa. Nhắc lại chỉ muốn mọi việc minh bạch để lòng người ổn định, để các truyền thống, giá trị bảo vệ lãnh thổ cha ông được xiển dương trở lại mà không bị khống chế bởi bất kỳ thành phần riêng lẻ nào trong lòng quốc gia.
Tình yêu cộng đồng, quốc gia là tình yêu đặc biệt, không bao giờ nên có áp lực phải yêu hay không được yêu, phải yêu cách này hay yêu cách khác! Cách thể hiện tình yêu ấy cũng nhiều vẻ, nếu không vi phạm luật pháp thì bất kỳ cách thể hiện nào cũng là quyền đương nhiên của người dân. Tình yêu đó, không ai có quyền cho phép hay cấm cản, bởi vì có được phép khi này thì có thể sẽ bị cấm cản khi khác!
Thời nào cũng vậy, chủ chiến và chủ hòa luôn là hai ý kiến đối chọi nhau khi có tranh chấp với nước ngoài. Ý kiến nào cũng có cơ sở lập luận chính đáng. Bên này không nên chụp mũ bên kia là “thế lực thù địch”, là “bán nước”. Không được dùng “bạo lực” hay “biện pháp hành chánh” ngăn cản các buổi thảo luận về quan điểm. Được vậy mới có sự thảo luận chân thành, mới tận dụng kiến thức, năng lực suy luận và dự đoán, viễn kiến của nhau mà vạch ra đường lối chiến lược tối hảo cho quốc gia.
Xin cùng phóng tầm mắt ra thế giới cổ kim mà xem, không ít tấm gương cho thấy khi trong một quốc gia mà thành phần này xung đột với thành phần kia tới mức một mất một còn; khi quyền lợi quốc gia bị đặt dưới quyền lợi phe phái thì cái họa nội chiến hiển hiện. Sinh lực quốc gia bị tàn phá khủng khiếp, quốc gia bị lún sâu vào hố hận thù tới nổi khi ngoại bang tấn công quân sự chiếm đất của thế lực này thì thế lực kia điềm nhiên ngồi ngó! Nhìn những tấm gương kia mà phân vân tự hỏi nan đề Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay phải chăng chỉ là hệ quả?
Năm nay đã là 35 năm kể từ biến cố bi thảm Gạc Ma. Thế giới đã biến đổi quá nhiều trên mọi mặt công nghệ, kinh tế, chính trị, văn hóa… Các mối quan hệ quốc tế và quốc gia đã khác trước xa, sự sắp xếp và mối tương quan các siêu cường cùng chính bản thân Việt Nam cũng khác thời đó tới mức đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, quan điểm đoàn kết là phát triển, chia rẽ là tụt hậu vẫn còn giá trị! Việt Nam đã có cố gắng thực lòng nào thúc đẩy hàn gằn mối chia rẽ từ quá khứ mau hơn?
Hôm nay, xin được thắp nén nhang của cụ Hoàng Nhỏ khấn mong người Việt rút được bài học Hoàng Sa, Trường Sa, dân tộc đồng lòng, quốc gia thực sự thống nhất và quyền lợi quốc gia là tối thượng!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 14.03.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.