Những ngày qua đã xuất hiện một số ý kiến chỉ trích về nhận định “tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát” nhưng thực tế “số ca nhiễm liên tục tăng nhanh”. Theo tôi, đây hoàn toàn không phải là sự lừa dối, nhưng do năng lực quản lý đã đẩy cuộc sống của một bộ phận người dân vào bất ổn.
Tôi nhớ hình như ông trời chưa bao giờ bắt Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ thiếu đói. Trong lịch sử, Sài Gòn chỉ đôi lần thiếu đói do sự quản lý dở của con người. Bài học sau 1975 vẫn còn đó. Sau khi bỏ ngăn sông cấm chợ, từ đói Sài Gòn và Nam Bộ dư ăn và còn lúa gạo xuất khẩu.
18 giờ chiều nay - 6 giờ trước khi Chỉ thị 16 có hiệu lực trên toàn thành phố - nhiều người dân còn đổ xô đi mua thực phẩm. Đi qua một số phố, chợ thuộc các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 10, quận 6, quận 11…tôi đã thấy gì?
Tôi đã thấy một tôi lo âu đứng nhìn đám đông kiên nhẫn xếp hàng trước cửa hàng tiện lợi. Trước các cửa hàng đại lý thực phẩm tôi thấy tôi nháo nhác cùng đám đông. Tôi cùng mọi người tìm mua mì gói, đồ hộp, đường, sữa, dầu ăn… Nói chung là những thứ gì có thể ăn được. Đơn giản vậy thôi. Như con gà con qué, không hơn không kém.
Hãy nhìn đi, khi những xe tải vừa đổ hàng xuống ngay lòng đường là đám đông tràn lên, chen lấn. Những thùng mì xếp chồng cao tới mái nhà. Cửa hàng phải giăng dây để hạn chế số người tụ tập. Có nơi treo luôn tấm bảng với dòng chữ rất “dễ xa nhau”: “Giữ khoảng cách 2 mét. Bị phạt 2 triệu tự chi trả”. Tuy vậy, tấm bảng không làm đám đông giãn ra mà ngược lại như kích thích tụ lại.
Tất cả người mua và kẻ bán trong hoàn cảnh này có bao giờ vui. Nhưng phải hợp tác để cùng tồn tại mong chờ qua mùa mùa dịch. Đã mệt mỏi lắm rồi. Cầu mong mọi thứ đừng xáo trộn thêm.
Tại các cửa hàng tiện lợi, dù có lúc hàng không thiếu nhưng nhìn cung cách phục vụ người ta nhận ra không gì có thể thay thế các chợ truyền thống. Nhược điểm của hệ thống này là không thể phục vụ nhanh khi lượng khách tăng đột biến. Điểm nghẽn chính nằm ở khâu tính tiền. Chưa kể không thể bằng tính tỉ mẩn, chịu thương chịu khó của tiểu thương ở chợ truyền thống.
Nhiều thầy thuốc cũng đã lên tiếng thẳng thừng về nguy cơ lây nhiễm cao hơn trong siêu thị do môi trường kín, so với môi trường mở của chợ truyền thống. Họ khuyến cáo nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm nếu phong tỏa chợ truyền thống và có thể dẫn tới thảm họa cộng đồng. Tiếc thay, những gì thành phố đang làm là đi ngược lại với khuyến cáo đó. Đến nay, tất cả ba chợ đầu mối và 125 chợ truyền thống đã “tạm” đóng cửa.
Chợ là bao tử của thành phố. Không có chợ thành phố sẽ đói. Nên dễ hiểu sáng sớm nay, rất nhiều vỉa hè của thành phố đã thành chợ “di động”. Chợ đổ hàng, bán xong là biến mất trước khi đội trật tự đô thị tới. Tại chợ Ngã tư bốn xã (quận Bình Tân), tôi thấy một xe bán tải đổ xuống lề đường những tảng thịt heo lớn. Người dân tụ lại. Thịt được chặt và bán tại chỗ. Còn những chợ “di động” rau củ thì có mặt khắp nơi, tới tận chiều tối.
Hôm nay, sự sợ hãi có lần tràn qua ngực tôi. Có lần, một bác sĩ bạn tôi nói trong đại dịch này có thể dẫn tới nghịch lý là người ta không chết vì dịch mà chết vì sự sợ hãi.
Ngày mai thực hiện Chỉ thị 16, có thể nhà tôi hết thức ăn nhưng như nhiều người khác quanh tôi, tôi sẽ không sợ hãi đi vơ vét thực phẩm. Vì ngay lúc khó khăn này, chúng ta cần được chia sẻ chứ không phải tranh giành.
TỪ NGUYÊN THẠCH 08.07.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.