Dư luận đang xôn xao về cái chết mờ ám của Trần Đức Đô, một quân nhân trẻ mới 19 tuổi quê ở Bắc Ninh xung phong nhập ngũ từ đầu năm 2021 thuộc tiểu đoàn 4, đại đội 14, trường Quân sự Quân Khu 1 với mơ ước thành sĩ quan đặc công.
Trần Đức Đô chết tức tưởi với vết lõm ở đầu, vết bầm ở ngực, mặt và các vết siết bằng dây trên cơ thể. Trong khi đơn vị báo tin Đô tự tử thì dư luận xã hội và gia đình cho rằng Đô bị đánh cho đến chết.
Tôi đã nín thở khoảng chục giây khi đọc tin này. Vì tôi đã từng trải qua những cảnh ngộ tương tự như thế năm 24 tuổi, và nhờ có phép lạ đã vượt qua.
Năm 1978 từ Thành Đoàn tôi tình nguyện gia nhập Hồng Binh đánh giặc ngoại xâm với hành trang là từng tham gia cách mạng năm 15 tuổi, xuất thân từ một gia đình có công với cách mạng, và đoạt giải Văn Học TPHCM năm 1976-1977 với tập thơ « Hạnh phúc có thật ». Mục đích của tôi là tiêu diệt bọn Khmer Đỏ được bọn cố vấn Tàu Cộng núp sau lưng.
Chính vì thế khi mãn khóa học quân trường tại Trung Đoàn Gia Định, dù được cấp trên điều về Bộ Tư Lệnh Thành để làm cán bộ Phòng Tổng Kết Chiến Tranh, sau đó là làm báo Quyết Thắng, tôi vẫn quyết định xin ra chiến trường chiến đấu. Khát vọng chiến đấu của tôi mạnh đến mức họ phải giải quyết bằng cách đưa tôi lên đảo Long Sơn thuộc đơn vị C5D3E10 Đặc Công Thủy Rừng Sát, một đơn vị hoàn toàn an toàn trong thời chiến vì không đối đầu trực tiếp với giặc.
Tại đây tôi đã đụng độ bọn chỉ huy tham nhũng và quân phiệt vừa hình thành trong quân đội. Chúng bán xăng dầu vật tư cung cấp cho tàu ghe, chúng ăn chặn lương thực chiến sĩ, nhậu nhẹt phè phỡn trên xương máu của lính lác - vốn chỉ sống cầm hơi bằng bo bo nhưng lao động thì cật lực. Tôi và các đồng đội mặc bộ đồ quân phục rách tả tơi mà không hề được cấp đồ mới theo chế độ hàng năm. Tôi đã từng phải đọc hai câu thơ lãng mạn hài hước trong vài lần cụng ly với đồng đội: “Áo rách vai còn thương tiểu muội – Thủng đít quần vẫn gọi em ơi”.
Trời ạ, hai câu thơ xả stress cho sự thiếu thốn bỗng biến thành hai câu thơ “phản động” khi tên sĩ quan Chính trị viên Trưởng Tiểu đoàn kết án tôi trước buổi chào cờ. Gã chụp mũ rằng tôi nhục mạ quân đội ăn mặc rách rưới. Tôi có thể bỏ qua sự chụp mũ dốt nát của gã, nhưng khi đến lúc bọn chỉ huy dùng roi cá đuối tấn công đồng đội tôi đang bệnh sốt rét nằm nhà không cuốc đất được thì tôi đành… tức nước vỡ bờ.
Xin trích lại chương 39 trong hồi ký GIAI THOẠI CỦA THI SĨ của tôi nói về giai đoạn man rợ và tàn khốc này:
TỪ QUÂN LAO H 39 ĐẾN TRẠI GIAM CÔNG AN
Năm 1980 tôi vĩnh biệt Trung Đoàn Rừng Sát sau một cuộc xô xát bằng tinh thần lẫn bạo lực với cấp chỉ huy tiểu đoàn. Những tay chỉ huy miền Bắc có máu phân biệt địa phương cục bộ đã gọi chúng tôi, những chiến sĩ trẻ tuổi tình nguyện của thành phố là “những kẻ cần được cải tạo xứng đáng hơn là được cầm súng”.
Những chiến sĩ trẻ người Sài Gòn trong đơn vị đặc công thường xuyên bị đàn áp, bởi họ từ gốc Thanh Niên Xung Phong chuyển qua. Những lúc ấy anh em thường cầu cứu tôi vì tôi là người giỏi chữ nghĩa giỏi ăn nói, có quá trình tham gia cách mạng. Tôi buộc phải thay mặt họ đương đầu với quyền lực độc đoán trong quân đội. Hậu quả là tôi bị nhốt ở quân lao Nhà Bè và sau đó bị áp giải về quân lao H39 của Bộ Tư Lệnh Thành Phố.
Cuộc đời quả là một vòng tròn luân hồi tàn nhẫn. Tại quân lao H39 tôi bị biệt giam trong một căn phòng chỉ có một lỗ nhỏ như mắt cáo vừa đủ thò mũi ra thở, muốn nói chuyện với người bên cạnh phải dùng ngón tay gõ morse theo kiểu hướng đạo sinh. Nhờ vậy tôi biết được phòng biệt giam kế bên là một sĩ quan Huyện đội trưởng chuyên tổ chức đánh bãi cho người vượt biên. Thượng bất chính hạ tắc loạn, mầm móng của thời đại suy đồi vô lý tưởng đã bắt đầu xuất hiện.
Tôi bị đối xử như một kẻ sắp lãnh án tử hình, bữa ăn gồm nước trà pha muối thay nước mắm với một chén bo bo đầy sạn, cát. Mỗi lần được ra ngoài lao động tắm heo chừng 10 phút là tôi phải giành giựt với lũ heo mọi những cọng rau muống cải thiện dai như đỉa trồng trên đám đất bùn sình. Chỉ cần nuốt mấy cọng rau muống bẩn thỉu ấy là tôi như được hồi sinh.
Có lần tôi đã gầm lên với gã thượng sĩ giám thị quân lao rằng tôi sẽ dùng lưỡi lam hoặc răng cắn đứt mạch máu cổ tay tự sát khiến gã hoảng sợ. Gã biết tôi làm thật nên đổi thái độ. Gần đến ngày Tết đột nhiên gã nổi máu “văn hóa” gõ cửa phòng biệt giam xin thơ tôi như viên cai ngục trong truyện ngắn Nguyễn Tuân xin “Chữ Người Tử Tù”. Tôi viết ngay cho gã hai câu đối của Cao Bá Quát khi bi triều Nguyễn giam cầm: “Một chiếc cùm lim chân có Đế – Ba hàng xích sắt bước thì Vương”…
Không biết có phép lạ không mà sau Tết tôi được chuyển qua trại giam dân sự của công an Quận 3. Lý do chuyển thật đơn giản, coi như tôi bị loại ngũ chuyển về địa phương quản lý, và trước khi về địa phương thì phải qua trại giam dân sự.
Phòng số 7 nơi tôi bị giam bao gồm khoảng 30 người đàn ông trong một diện tích chật hẹp, hẹp đến mức hai hàng người nằm châu đít xếp lớp với nhau, mỗi người bề ngang “1 viên gạch bông” bề dài “4 viên gạch bông”. Tất cả hầu như lõa lồ, trên người chỉ độc chiếc quần xà lỏn hoặc xì líp. Bệnh rận lông có dịp hoành hành, chỉ cần một người bị bệnh hoa liễu hoặc rận lông là lây lan tập thể cực nhanh.
Vừa bước vào phòng giam tôi đã phải làm lễ chào Trưởng phòng. Trưởng phòng là một gã đầu hói bụng phệ, ngồi chễm chệ trên chiếc chiếu rách duy nhất, với hai tên đầu gấu bự con hộ tống. Tôi lầm lì kể sơ về thành tích từ quân lao chuyển qua, khiến chúng ái ngại và thất vọng. Chúng chỉ tôi xuống nằm cuối phòng ôm bô nước tiểu tập thể. Tội nghiệp hai thằng tù “con so” vừa mới làm lễ chào sau tôi bị chúng đánh hội đồng tới tấp rồi moi từ ruột dép sa-pô của họ ra miếng vàng Kim Thành dẹp lép nhét vào quần lót Trưởng phòng như một thứ chiến lợi phẩm sung công.
Tôi kiên trì chịu đựng đủ loại nước tiểu của bọn du đãng lưu manh trộm cướp đái văng vãi khỏi miệng bô rơi xuống người tôi trong hai ngày. Ngày thứ ba trong lúc hai tên đầu gấu làm “trật tự” chia cơm, tôi bật dậy hét lớn “Ai trong đây từng là bộ đội đứng lên. ĐM, lính mà bị đám trốn lính ăn hiếp là nhục”.
Vừa dứt lời tôi đá thốc vào mặt một thằng trật tự, lúc xoay người định “tấp pi” tiếp thằng thứ hai thì hai tên tù “con so” đã thay tôi kết liễu nó nhanh chóng. Tôi nhào tới gã Trưởng phòng mặt mày xanh lét tuyên bố: “Hôm nay đảo chánh Trưởng phòng”. Gã im thin thít cho đến lúc công an trực phòng giam thấy lộn xộn bước vô. Tôi điều đình với viên công an trẻ tuổi rằng phòng 7 mới thay Trưởng phòng và mọi chuyện quan hệ với “bên ngoài” vẫn như cũ.
Tôi sống như “vua” suốt một tháng. Trong thời gian bị giam có phái đoàn của Hội Trí Thức Yêu Nước do anh Huỳnh Kim Báu làm trưởng đoàn tới thăm, định bảo lãnh tôi nhưng thất bại bởi tôi không phải là nhà trí thức của Hội. Tiếp đó cũng có vài vị chức sắc ở Thành Ủy, Thành Đoàn đến coi hồ sơ tôi với nhiệm vụ tương tự. Ngày thứ 31 ân nhân cứu mạng tôi là một sĩ quan công an quận 3, sau này tôi mới biết là anh ruột của anh Tám Nhân, một cán bộ báo Sài Gòn Giải Phóng từng yêu mến tài nghệ làm thơ của tôi lúc tôi còn ở Thành Đoàn.
Tại văn phòng viên sĩ quan mà tôi xin miễn nêu tên ở đây, anh cho tôi xem hồ sơ từ bên Trung Đoàn 10 Rừng Sát chuyển qua, trong đó quy chụp tôi bằng những từ ngữ khủng khiếp: “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”. Anh cười buồn bã “Thật ra chỉ là một cuộc xô xát nội bộ trong đơn vị có thể giải quyết như hành vi dân sự. Hồ sơ này mà lọt vào tay những người muốn hãm hại nhà thơ là nhà thơ tới số”.
Tôi cám ơn anh và từ giã trại giam, quay trở về mái nhà xưa của mẹ hiền dưới chân cầu Công Lý trong bộ đồ bộ đội xác xơ đầy miếng vá. Từ tư thế một thanh niên đầy nhiệt huyết, dám nói dám viết dám sống dám cầm súng và dám chết, tôi trở thành kẻ không hộ khẩu, ngoài vòng pháp luật.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.