Mỗi khi đi qua một ngôi chợ tôi lại nhớ mẹ tôi. Mẹ đội chiếc nón lá đi trên đường đến chợ. Chiếc nón lá luôn cạnh mẹ che nắng mưa, che nỗi nhọc nhằn kiếp người. Người đã hy sinh tất cả đến tận những ngày cuối đời để nuôi lớn anh em tôi.
Sáng nay, 6-6, nỗi nhớ mẹ dẫn dắt tôi đi về các chợ. Chợ Võ Thành Trang trên đường Trường Chinh, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Tân Phú 1 trên đường Độc Lập, chợ Tân Phú 2 đường Nguyễn Sơn, chợ Tân Hương, chợ Hiệp Tân trên đường Cây Keo…
Tôi nhận ra ngôi chợ nào cũng lam lũ như nhau. Dù những dãy phố, chung cư sang trọng mọc lên quanh đó khá nhiều cũng không thể che khuất nét vất vả của những ngôi chợ.
Là vì, vào trong các chợ, tôi nhận ra rất nhiều người mẹ, người chị, người em với vẻ chịu thương chịu khó như mẹ tôi ngày nào. Trong ánh mắt của họ hoàn toàn không có dòng sông thơ mộng nào như tôi nghĩ, mà chỉ có những sợi khói chiều buồn hiu.
Trước cổng chợ Tân Phú 1, tôi thấy có một anh dân phòng chắn ngang cửa chợ đo thân nhiệt những người đi vào. Đó là hình ảnh quen thuộc của TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội. Hiện dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng. Số ca nhiễm chưa có dấu hiệu giảm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một chuyên gia về dịch bệnh Covid-19, báo động nguy cơ lây nhiễm ở TP.HCM ở mức cao vì dịch đã tiềm ẩn trong cộng đồng, ai cũng có thể trở thành F0.
Tôi chợt thấy lo. Các mẹ, các chị, các em ở chợ là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Và trên thực tế họ đã từng bị lây nhiễm. Chợ Phú Nhuận đã bị phong tỏa lần thứ hai vì có người lây nhiễm. Chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, sáng nay tôi qua thấy vắng lạ thường. Hỏi ra mới biết chợ bị phong tỏa từ tháng Hai, tới nay vẫn chưa gượng lại được.
Như mẹ tôi, họ là chỗ dựa chính của gia đình. Nếu chẳng may… Tôi nôn nóng rảo qua các chợ. Có những nơi, mật độ người cao, hầu như họ không được bảo vệ gì. Bóng dáng người dân phòng trước cổng chợ cũng nơi có nơi không.
Có lẽ bạn đã xem clip một tài xế taxi khóc nức nở vì lỡ chở một khách bị sốt. Tôi cũng đã xem sáng nay. Tôi nghĩ những giọt nước mắt của anh không phải vì lo cho bản thân mình, mà lo cho những người thân ở nhà. Nếu phải đi cách ly thì tai họa sẽ ập xuống gia đình anh. Tôi nghĩ như vậy nên đồng cảm với những giọt nước mắt mà có người giễu cợt “đàn ông sao mít ướt thế!”.
Hôm qua, tôi biết thêm nhiều cháu làm ở một siêu thị Bách Hóa Xanh phải đi cách ly vì khách đến mua hàng bị dương tính. Còn mấy hôm trước thì nhiều nhân viên chạy bàn của một quán bún đậu, một phụ nữ với gánh bánh canh,... Vâng, sẽ có bao nhiêu người ở thành phố này mà nghề nghiệp của họ có thể đẩy họ vào nguy cơ bị lây nhiễm Covid?
Chỉ tính từ các ngôi chợ tôi đã rảo qua hôm nay thì cũng đã thấy rất nhiều. Thế nhưng, đến nay họ đã được bảo vệ như thế nào?
TỪNGUYÊN THẠCH 06.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.