Chỉ một ngày một đêm, đến sáng nay 26-6-2021, TP.HCM ghi nhận tổng cộng con số ca Covid-19 kỷ lục ngày 25-6: 724 người. Choáng váng nhiều người.
Có lẽ do hôm nay bên Y tế tăng cường rà soát, kiểm tra kỹ hơn thôi chứ không đột nhiên. Cụ thể ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế - cho biết trong số này có 99 trường hợp trong khu phong tỏa, 538 trường hợp trong khu cách ly được phát hiện qua 2 lần xét nghiệm.
Càng không bất ngờ khi ngay sau dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều người, trong đó có tôi, thật sự lo lắng về khối người TP.HCM chen chúc ở các khu du lịch nhiều tỉnh, rồi chen chúc về.
Nên nhớ dân Sài Gòn không tự đẻ ra con Covid-19. Chủ quan cá nhân, tôi không nghĩ hoàn toàn do bầu cử, làm căn cước vì cả nước đi bầu, làm căn cước mà chỉ TP.HCM bùng dịch. Vì đi bầu, làm căn cước chỉ vài phút là xong. Phường 3, Tân Bình của tôi, một ca Covid đi bầu, xét nghiệm 20.000 người không dính ai.
Có lẽ chủ yếu do du lịch về. Cũng không nên cho Phục Hưng là nguyên nhân duy nhất, họ chỉ là chuỗi lây đầu tiên lộ ra. Mấy ngàn ca sau không phải Phục Hưng. Tất nhiên, tôi không phủ nhận Phục Hưng lây nhiều nhất vì họ tập trung, gặp nhau liên tục trong phòng kín. Và tới giờ, họ là chuỗi lây nhiễm nhiều nhất.
Những thực trạng mới đặt ra những bài toán, quyết sách mới cho TP.HCM: cách ly trong khu cách ly hay ở nhà? Chợ truyền thống, siêu thị hay chợ vỉa hè... để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa cố gắng giữ được phần nào hay phần nấy nền kinh tế thành phố (tôi không dám nói phát triển, vì phát triển gì nổi với thực tế này); lưu thông hàng hóa trong TP.HCM và các tỉnh; thay đổi, bổ sung, điều chỉnh Chỉ thị 10 của TP (hiện đang áp dụng; na ná Chỉ thị 16 của Chính phủ, chỉ không cấm chợ truyền thống)...
Chuyện vĩ mô trong quản lý xin không dám lạm bàn, nhưng rõ ràng có những thực tế mới mà TP.HCM đã buộc phải thừa nhận: chợ truyền thống, chợ đầu mối (có nhà lồng chợ - không gian kín) rõ ràng là những vùng dịch mới. Có chợ đã bị phong tỏa như Sơn Kỳ (Tân Phú).
Chuyện này không khó nhận ra. Stt ngắn gọn hai hôm trước trong Facebook cá nhân, mình đã mạo muội nêu ra việc cấm chợ tự phát, vỉa hè (vốn ở ngoài trời, không gian rộng), dồn khách hàng vào chợ truyền thống, siêu thị (không gian hẹp hơn, kín hơn) có thể đi ngược lại với yêu cầu quan trọng nhất trong phòng chống Covid: giãn cách.
Chúng ta ai cũng biết nguyên tắc 5K. Nhưng có một một nội dung quan trọng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không có trong 5K này: không gian rộng ngoài trời.
Nhưng thôi, xin không đi sâu vào chuyên môn vì các y, bác sĩ vốn am hiểu hơn chúng ta gấp trăm ngàn lần chuyện này, cần phải tôn trọng và nghe theo họ, nhất là khi đang “dầu sôi lửa bỏng” thế này.
Chỉ biết là Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trong buổi họp với sở ngành, quận huyện tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25-6 đã xác định một điểm mới là số ca nhiễm tại chợ đầu mối, truyền thống tăng do có sự tiếp xúc lớn.
Và tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25-6, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế đã nói về các ca F1 phải cách ly tập trung của TP.HCM đang tăng cao: "Ở đây cách ly 2.000 người, anh em y tế nói họ kiệt sức rồi. Rác thải ở đây vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp".
Cũng theo ông Sơn, sáng 26-6, Bộ Y tế đã ký văn bản thí điểm cho cách ly F1 tại nhà và khuyến cáo TP.HCM: Có những trường hợp có điều kiện thì nên tính toán phương án cho F1 cách ly tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung.
Không chỉ quá tải mà mật độ người trong các khu cách ly cũng lại ngược với nguyên tắc phòng chống Covid: giãn cách.
Và hôm 24-6, 9.200 người chen chúc nhau đi chích Covid ở Nhà thi đấu Phú Thọ đã khiến dư luận phát hoảng. Tỉ lệ Covid của SG hiện là 1/4.500. Cầu mong không có một, hai “em” Covid trong đó? Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chịu không nổi, ngay lập tức yêu cầu cơ quan chức năng không để nơi tiêm chủng thành chỗ tập trung đông người, dễ lây nhiễm.
Tối qua 25-6, TP.HCM đã tạm đóng cửa Aeon Tân Phú do có ca nghi mắc Covid-19 làm việc tại một quầy bán bánh mì trong trung tâm thương mại này. Điểm dịch chợ Sơn Kỳ vốn gần siêu thị này.
Rõ ràng siêu thị không phải là nơi an toàn. Việc đo thân nhiệt, khai báo y tế chỉ để quản lý người ra vô, kiểm soát dịch chứ không hẳn là biện pháp phòng dịch. Nhất là thực tế không hiếm siêu thị, việc chen chúc nhau cũng không lạ.
Nếu cấm tiếp chợ truyền thống, mật độ người trong siêu thị càng tăng lên. Điều quan trọng : Đây là không gian kín còn hơn nhà lồng chợ của chợ truyền thống.
Sẽ không có phương án nào hoàn hảo. Vấn đề là tìm ra phương án tốt nhất, hại ít hơn lợi. Có nên mở lại chợ vỉa hè, có kiểm soát khoảng cách - vì đó là không gian open/rộng? Không hoàn hảo nhưng chắc chắn đỡ hơn không gian kín ở chợ truyền thống (thường có nhà lồng) và siêu thị + tạo giãn cách do phân tán người mua.
Đó là chưa nói thực tế, có khi nhiều người dân mua sắm tại siêu thị Big C Trường Chinh (quận Tân Phú, TP.HCM) chiều tối 24-6 không khỏi “rùng mình” trước cảnh phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ vẫn chưa thể tính tiền.
Vậy nên nếu có thêm siêu thị, người trong khu cách ly... thành điểm, vùng (zone - tôi không bao giờ dùng “ổ” vì theo tôi là xúc phạm), chuỗi lây nhiễm, có lẽ chúng ta cũng không ai bất ngờ.
Cũng không bất ngờ khi trước đó, TP.HCM đã dự tính con số 5.000 ca. Khi đã dự tính, chắc đã có phương án. Và đến hôm nay 25-6, khi TP.HCM đã qua 3.000 ca, có lẽ con số dự tính mới đã được lên phương án thay cho 5.000 ca...
Trong lúc chờ quyết sách mới của chính quyền, khuyến cáo mới của ngành y tế - trước thực tế mới và mòn mỏi chờ vaccin, có lẽ mỗi người chúng ta nên tự cứu mình, ngoài 5K của y tế nước ta, nên tham khảo khuyến cáo của CDC Mỹ và WHO:
(lúc này) Không gặp ai quá 5-10 phút (tất nhiên khi gặp có khẩu trang và khoảng cách) + hạn chế tối đa vô các không gian kín nhiều người ra vào (một ca Covid vô, ra rồi, con Covid vẫn bị nhốt ở lại, sinh sôi và... “ém quân” trong đó).
CÙMAI CÔNG 26.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.