1. SẢN XUẤT LÀ SỐ 1
Không phải lần đầu, mà thêm một lần nhấn mạnh tầm quan trọng số 1 của sản xuất trong phát triển kinh tế quốc dân.
Tục ngữ có câu “ Phi thương bất phú” – “Không buôn không giàu”. Có nhiều cách để trở nên giàu có. Buôn bán là một trong số đó, chứ không phải là duy nhất.
Nhưng buôn bán đưa đến giàu có cho cá nhân khác với thương mại đưa đến giàu có cho quốc gia. Đối với quốc gia, nhờ thương mại có thể giàu nhưng không mạnh. Các nước giàu chỉ nhờ vào buôn bán không trở thành cường quốc.
Việt Nam cần phải giàu có dựa trên sản xuất là ưu tiên hàng đầu, sau mới đến thương mại và dịch vụ.
2. HỌC CÁCH ĐIỀU PHỐI TRONG QUÂN SỰ
Nhân có đơn xin lập hãng hàng không vận tải tư nhân mới - vào thời kỳ đại dịch Covid khi phần lớn các tàu bay của các hãng hàng không đang thất nghiệp, muốn nhắc lại một phép sử dụng nguồn lực đã thành kinh điển.
Trong chiến tranh, khi cần tập trung quân cho một mặt trận nào, thường thành lập các quân đoàn mới. Biên chế quân đoàn mới được hình thành dựa trên binh sĩ và khí tài mới, cùng với binh sĩ và khí tài cũ điều từ các đơn vị khác đến tăng cường. Đây là tác nghiệp kinh điển.
Bởi thế, trong chiến tranh, trong phòng chống thiên tai, hay trong phát triển kinh tế, khi cần thì biến cải mọi phương tiện có thể. Lúc đó, tàu khách có thể biến thành tàu hàng, xe chở hàng có thể trở thành xe chở khách… là điều thông thường.
Chính phủ các nước tư bản không thể bắt buộc một công ty tư nhân phải thay đổi cách thức kinh doanh, vì chính phủ không phải là chủ sở hữu của công ty. Nhưng nhà nước Việt Nam lại có thể bắt một công ty nhà nước hành động theo mệnh lệnh của mình, vì là tài sản nhà nước.
Nhà nước Việt nam nếu thấy phù hợp và hiệu quả, thì định hướng cho công ty nhà nước dùng một phần máy bay hành khách để vận tải hàng hóa, nhằm tối ưu nguồn lực - sử dụng phương tiện bỏ không sẵn có, thay vì phải mua sắm phương tiện mới - để giảm lãng phí nguồn lực của toàn quốc. Có điều, nên hay không nên? Nên ở mức độ như thế nào? là những vấn đề phải được tính toán kỹ lưỡng trước.
Về phương diện này, các công ty tư nhân hành động linh hoạt, kịp thời và hiệu quả hơn công ty nhà nước. Nếu cần, họ có thể biến xe khách thành xe tải. Họ sẽ cân nhắc là nên sử dụng nguồn lực sẵn có hay phải đầu tư thêm. Nhưng dù là nhà nước hay tư nhân thì bài học điều phối trong quân sự là một tham chiếu kinh điển.
3. TỐI ƯU NGUỒN LỰC VẬN TẢI TRÊN PHƯƠNG DIỆN QUỐC GIA
Các công ty tư nhân, về sở hữu thì không phải của nhà nước, nhưng lại là nguồn lực của quốc gia. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải cần giải bài toán sử dụng tối ưu các nguồn phương tiện trên bình diện toàn quốc gia. Nó hoàn toàn khác với góc nhìn của công ty – là tối ưu cho chính công ty của họ.
Cùng một vấn đề, nhưng nhìn từ phương diện toàn quốc rất khác với nhìn từ góc độ cục bộ.
4. TẬP TRUNG ĐẦU TƯ VÀO SẨN XUẤT
Thực tế hiện nay, các tập đoàn tư nhân và các cá nhân giàu có bậc nhất ở Việt Nam đều nhờ vào thương mại và dịch vụ, chưa thấy ai nhờ vào công nghệ và sản xuất. Tài sản của họ dựa trên hai nền tảng: tài nguyên đất nước và cơ chế nhà nước.
Tất cả họ đều nhờ vào cơ chế. Tất cả họ đều nhờ vào tài nguyên mà chủ đạo là đất đai. Chỉ có hai “thần dược” là cơ chế và tài nguyên mới biến họ thành thánh gióng trong lĩnh vực làm giàu. Hai “thần dược” này chỉ có trong thể chế này. Họ là tư bản cộng sản.
Chính phủ cần khuyến khích và thúc dục các nhà tư bản cộng sản đầu tư vào sản xuất, thay vì đầu tư vào bất động sản, thương mại, và dịch vụ. Sự giàu có nhờ vào cơ chế trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ không đẻ ra sức mạnh quốc gia. Chỉ có sản xuất và công nghệ mới đưa đất mước đến giàu và mạnh.
Chính phủ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất qua cơ chế. Chính phủ hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực không ưu tiên cũng qua cơ chế - nhất là các lĩnh vực tuy nhanh ra tiền cho cá nhân, nhưng lại ít làm giàu cho đất nước và không giúp nâng cao văn hóa, thậm chí làm kiệt quệ đất nước, làm suy giảm đạo đức, làm hại sức khỏe và làm một bộ phận dân chúng chìm đắm vào mê tín dị đoan.
Sản xuất lại không cho giàu nhanh qua một đêm ngủ. Nhưng tiếc thay, một bộ phận rất lớn - trong đó có tầng lớp sắp về hưu, trung niên và thanh niên mới lớn - lại muốn giàu nhanh và muốn thật giàu. Vì thế phải dùng đến mọi phương tiện và thủ đoạn để giàu thật nhanh và thật giàu.
Điều đó lý giải tại sao một loạt cán bộ cao cấp lại sa vào vòng lao lý. Họ không nghèo. Họ thừa đủ sống. Nhưng họ muốn thật giàu. Còn một số đông khác thì lợi dụng mọi lỗ hổng của cơ chế để làm giàu, bất chấp có thể mang lại nguy hiểm cả cho an ninh quốc gia, có thể làm khánh kiệt nhà nước, có thể dẫn đến đầu độc người dân. Đây là hai “dòng lũ” cuốn đi tài sản toàn dân.
Còn nhiều người khác - không tiền không quyền, vì ước giàu nhanh nên sa vào cờ bạc, trộm cắp lừa đảo…hay chỉ chăm chăm đi mua vé số. Đó là mặt trái của ước muốn giàu nhanh trong xã hội hiện tại. Nó làm thui chột ý chí sáng tạo công nghệ và ham muốn sản xuất của con người, nhất là lớp trẻ.
Vì thế mới phải đề cao làm giàu bằng sản xuất và công nghệ.
Có những nguồn tiền xuất phát không chính đáng trong quá khứ. Nhưng nếu biết sử dụng vào những mục đích có ích cho xã hội ở hiện tại và tương lai thì đó là điều phục thiện. Quá khứ được đền bù bởi hiện tại và tương lai. Đó là một trong những sắc màu biểu hiện của luật nhân quả. Luật nhân quả thực hành trong muôn kiếp nhân sinh.
Quay sang là sản xuất. Quay sang là công nghệ. Chính phủ mới phải đề cao sản xuất và công nghệ.
NGUYỄNNGỌC CHU 07.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.