mardi 29 juin 2021

Hồng Kông mờ mịt tương lai, một năm sau luật an ninh


Đăng ngày:

31 nhà khoa học quốc tế đòi điều tra nguồn gốc con virus ở Vũ Hán

Trang web Le Figaro hôm nay đăng độc quyền lá thư ngỏ của 31 nhà khoa học quốc tế đòi hỏi mở « một cuộc điều tra toàn diện về xuất xứ của virus SARS-CoV-2 ». 

Lá thư nhấn mạnh : « Tất cả các dân tộc và quốc gia, kể cả Trung Quốc, đều có lợi ích trực tiếp khi nguyên nhân của đại dịch được xác định, và sự tổn thương lớn nhất của chúng ta được xử lý ». Tập thể các nhà khoa học kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới chọn lựa hai phương án để bảo đảm cho cuộc điều tra về xuất xứ đại dịch được hoàn chỉnh nhất.

Phương án thứ nhất : mời Trung Quốc hợp tác toàn diện trong một cuộc điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập. Cuộc điều tra phải độc lập, dựa trên các dữ liệu, đáp ứng các điều kiện chính của một tiến trình khả tín. Đó là phải điều tra đầy đủ về mọi giả thiết, tiến hành bởi một ê-kíp chuyên gia quốc tế nhiều lãnh vực, tránh mọi xung đột lợi ích, có được các phương tiện cần thiết, chia sẻ các dữ liệu thô.

Phương án thứ hai : một cuộc điều tra dựa trên khoa học, nếu Bắc Kinh không chấp nhận phương án thứ nhất, trong khuôn khổ các nhóm quốc gia được một tổ chức hoặc các cơ chế khác điều phối. Các định chế tham gia có thể gồm cả OCDE, G7, Bộ Tứ (Quad). Các nhà khoa học cho rằng một số lượng lớn thông tin hữu ích có thể thu thập được mà không cần đến chính quyền Trung Quốc. Đặc biệt không thể cho Bắc Kinh được quyền phủ quyết về việc thế giới có thể tiến hành hay không cuộc điều tra này.

Lá thư kết luận, dù Trung Quốc có hợp tác hay không, cơ hội thành công vẫn có và điều tra phải được tiếp tục vì lợi ích chung của nhân loại.


Chỉ sau 1 năm, tình hình Hồng Kông u ám hơn bao giờ hết

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về khía cạnh dân chủ, nhân quyền, bài phóng sự « Luật an ninh : Một năm sau, Hồng Kông thu mình lại » của Libération bắt đầu bằng việc mô tả bốn nhà đấu tranh dân chủ tại góc đường E Point Road ở đảo Hồng Kông. Tấm bảng của họ ghi dòng chữ « Nói ra những gì mình nghĩ có phải là tội phạm ? », lạc loài trong một biển những bảng hiệu quảng cáo của những cao ốc ở Đồng La Loan (Causeway Bay). Những tờ truyền đơn ít có ai trong dòng người bận rộn đi qua cầm lấy. Một camera của cảnh sát nhắm vào các nhà đối lập và những ai đến gần. « Không ai hình dung ra được Hồng Kông trở nên u ám nhanh đến thế, chúng tôi không được chuẩn bị » - một khách bộ hành kín đáo thổ lộ.

Một ủy viên hội đồng khu phố kể lại, khi luật an ninh mới bắt đầu có hiệu lực từ đêm 30/06/2020, người dân vẫn chưa lường được mức độ nguy hiểm của nó. Nhưng chỉ vài giờ sau, cảnh sát đã bắt giữ một thanh niên chạy xe gắn máy với tấm băng-rôn « Giải phóng Hồng Kông ». Người ta vẫn còn hy vọng việc tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ ngày 12/07 không bị coi là tội phạm, nhưng đến tháng Giêng, 53 nhà hoạt động liên quan đã bị bắt.

Chỉ trong một năm, 113 người đã bị bắt giữ (trong đó 61 bị khởi tố) vì cáo buộc khủng bố, nổi dậy và các tội danh khác. Những khuôn mặt là cột trụ của phong trào bị rơi vào mắt lưới ngày càng chặt của cộng sản, do phản biện ôn hòa. Có thể kể lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), giảng viên Đái Diệu Đình (Benny Tai), tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) chủ báo Apple Daily…

Một trong bốn nhà đấu tranh ở Đồng La Loan trên đây cho biết, chỉ cần một bài đăng trên mạng xã hội hay trao đổi trên WhatsApp bị gán nhãn ly khai là đủ để vào tù. Đảng Cộng Sản Trung Quốc siết lại ảnh hưởng của xã hội dân sự và phe đối lập trên mọi lãnh vực, riêng những lời kêu gọi độc lập hay đòi hỏi chấm dứt độc đảng thì đã bị bóp nghẹt từ lâu.


Bị đàn áp bằng luật an ninh, hàng ngàn người muốn rời Hồng Kông

Lấy cớ đại dịch, các cuộc biểu tình bị cấm và với luật an ninh, tự do báo chí bị tấn công : Apple Daily bị bức tử. Cũng với luật an ninh, các chương trình giảng dạy bị viết lại và ngành điện ảnh Hồng Kông vốn nổi tiếng xưa nay bị trói tay. Cảnh sát gia tăng kiểm soát, khám xét trên các đường phố, một đơn vị cảnh sát mới được thành lập chuyên khám nhà không cần trát tòa. Tặng một quyển sách về các cuộc biểu tình năm 2019 có thể bị buộc tội nổi dậy, nên một số người phải giấu kỹ, đề phòng trường hợp cảnh sát ập vào bất ngờ.

Chính quyền hồi tháng 11/2020 còn mở một đường dây điện thoại để tiếp nhận các tố cáo, đến nay đã nhận được 100.000 cuộc, mà theo một ủy viên hội đồng địa phương, có thể không phải do dân tộc chủ nghĩa mà để « thủ thế ». Người này chỉ dám trao đổi tại Câu lạc bộ thông tín viên ngoại quốc, cho biết mọi bình luận chính trị dù mang tính xây dựng cũng có thể bị coi là vi phạm luật an ninh. « Trở thành cảm tử quân và có 100 người tử đạo cũng vô dụng, một Hoàng Chi Phong đã đủ ». Anh nghĩ đến việc ra đi.

Hàng ngàn người khác cũng thế. Một số muốn đi vì kinh tế suy sụp, số khác từ chối để con cái sống trong bầu không khí này. Số người xin cấp tư pháp lý lịch, cần thiết để xin một số visa, kể từ tháng Ba đã vượt quá 3.000/tháng. Đối với những người ở lại, vụ ông Lê Trí Anh là một lời cảnh báo. Một chủ doanh nghiệp ngành tài chính nói : « Để tóm tắt Hồng Kông đã thay đổi như thế nào, chỉ cần một ví dụ : Tôi không còn trả lời báo chí bằng tên thật nữa vì quá nguy hiểm ».

Nhiều người cho rằng Hồng Kông đã thua trong cuộc chiến giành quyền tự quyết. Số khác tiếp tục kháng cự, trước hết là về chính trị, nhưng không gian hành động của đối lập còn rất ít. Bắc Kinh từ tháng Ba đã giảm số dân biểu được bầu trực tiếp, các ứng cử viên phải được chính quyền thông qua. Những đảng còn được tham dự chỉ mang tính trang trí, để lừa cộng đồng quốc tế.


Nghiệp đoàn và những nỗ lực cá nhân chống độc tài

Các nghiệp đoàn, kênh kháng cự mới từ 2019, nay đứng ở tuyến đầu. Trên 4.000 nghiệp đoàn đã được thành lập, đa số do phe cổ trắng để tiếp tục đấu tranh dân chủ trong doanh nghiệp. Họ vẫn xuất hiện trên đường phố để phản đối các chính sách, chẳng hạn giải thích với người qua đường là vac-xin Sinovac Trung Quốc không hiệu quả bằng BioNTech của Đức. Nhưng chính quyền cũng đang chuẩn bị một « cải cách » mới để vô hiệu hóa các nghiệp đoàn này.

Một nhà hoạt động cho rằng sau đó sẽ đến lượt các tổ chức phi chính phủ (NGO) bị giám sát, chỉ còn lại những chống đối cá nhân. Trừ một vài trang web bị đóng, internet hiện vẫn còn tự do với nhiều bài chỉ trích chế độ. Sách vẫn chưa bị kiểm duyệt ngoại trừ khoảng 30 cuốn bị rút khỏi các thư viện, nên những cuốn tiểu thuyết của Orwell chẳng hạn bán chạy như tôm tươi ở những nhà sách hiếm hoi còn độc lập.

Người ta còn sử dụng quyền tự do qua việc từ chối tiêm chủng chống Covid hay cài ứng dụng truy vết. Ủy viên hội đồng nói trên cho biết, Thiên An Môn đã thức tỉnh người Hồng Kông về bộ mặt thật của chế độ Trung Quốc, là khởi đầu của phong trào dân chủ, sự gắn bó làm nên bản sắc tập thể Hồng Kông. Dù bị cấm tưởng niệm, những cây nến vẫn được thắp trên các đường phố, con số 6-4 (ngày 4 tháng Sáu) được vẽ trên các hộp thư. « Những cố gắng nho nhỏ làm nên lịch sử. Bức tường Berlin không sụp đổ chỉ trong ngày một ngày hai ».


Mỹ rút quân : Saigon của Việt Nam Cộng Hòa ám ảnh người Afghanistan

Tại một quốc gia châu Á khác là Afghanistan, nền dân chủ non trẻ đang bị đe dọa với việc Mỹ rút quân ngày 11/09 tới. Sau buổi tiếp đón phái đoàn do tổng thống Ashraf Ghani dẫn đầu tại Nhà Trắng, không có buổi họp báo chung nào. Trong lúc áp lực của phe nổi dậy Taliban ngày càng tăng, tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho Afghanistan và ủng hộ về chính trị.

Dù bị đảng Cộng Hòa phản đối, chính quyền Biden vẫn giữ nguyên quyết định. Tại chỗ, phân nửa quân số đã được rút đi, Washington chỉ giữ lại 650 quân nhân để bảo vệ ngoại giao đoàn và phi trường Kaboul, với sự hỗ trợ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Biden nói : « Người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của chính mình ».

Một công thức nghe quen quen : sự sụp đổ của Saigon, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa luôn ám ảnh. Áp lực đè nặng lên số phận 18.000 người Afghanistan làm việc cho quân đội Mỹ. Hôm 07/06, Taliban kêu gọi họ bày tỏ sự « hối hận », đồng thời bảo đảm sẽ không bị nguy hiểm, nhưng tuyên bố này không xóa được nỗi lo sẽ bị trừ khử hay trả thù. Dân biểu Dân Chủ Seth Moulton ở Massachusetts cuối tuần trước tiết lộ một kế hoạch hỗ trợ các cựu chiến binh như ông, đề nghị đưa họ sang đảo Guam trong khi chờ đợi xét cấp visa, hòn đảo từng đón nhận người tị nạn Việt Nam năm 1975.


Bầu cử cấp vùng Pháp : Tương quan lực lượng không thay đổi

Kết quả vòng hai của cuộc bầu cử cấp vùng chiếm lĩnh nhiều trang báo Pháp hôm nay 28/06/2021. La Croix chạy tựa « Cánh hữu và cánh tả quay lại với cuộc chơi », trong khi đó Le Figaro chú ý đến tổng thống Pháp và chủ tịch đảng cực hữu « Macron, Le Pen, hai lần trừng phạt ». Nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh đến phe cực hữu « Tập hợp Cộng hòa thất bại ». Le Monde ra từ hôm trước dành tựa chính cho « Vũ khí : Cuộc chiến mới của những thiết bị bay không người lái », còn nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Bình điện, thương mại, y tế, những dự án mới cho nước Pháp ».

Các báo đều nhận xét : tỉ lệ cử tri vắng mặt tiếp tục cao, số người đi bầu chỉ nhỉnh hơn vòng đầu một chút, khiến các chủ tịch vùng mãn nhiệm giữ được lợi thế. Các đảng truyền thống giành lại được vị trí : cánh hữu thắng lợi ở 7 vùng và cánh tả 5 vùng. Đảng cực hữu ngỡ rằng sẽ chiếm được nhiều vùng, rốt cuộc nơi tràn đầy hy vọng nhất là vùng PACA cũng bị đánh bại. Đảng LREM của tổng thống Macron do chưa tạo lập được chân rết vững chắc ở các địa phương, không thắng được vùng nào. Riêng vùng Île de France tức Paris và vùng phụ cận, ứng cử viên LREM với liên danh có đến năm bộ trưởng cũng không đọ sức được với chủ tịch vùng mãn nhiệm cánh hữu.

Trong bài xã luận « Và sau đó thì sao ? », Libération cho rằng việc cử tri không đi bầu là thảm họa dân chủ đối với tất cả các đảng. Theo bà Céline Braconnier, giám đốc Science Po Saint-Germain-en-Laye, nước Pháp đã chuyển sang một nền « dân chủ vắng mặt », khó thể huy động được cử tri ngoài cuộc bầu cử tổng thống, riêng giới trẻ đến 80% không đi bầu.

Le Figaro nhận định, « Mọi việc đều có thể ». Bức tranh chính trị các vùng nước Pháp từ cuộc bầu cử trước cho đến lần này không thể thay đổi, tất cả các chủ tịch vùng đều tái đắc cử. Một cuộc bầu cử chẳng để làm gì chăng ? Trên thực tế, tại một nước Pháp bị xé nhỏ (có vùng đến bốn, năm đảng vào vòng hai), giờ đây đương kim tổng thống Emmanuel Macron, chủ tịch đảng cực hữu Marine Le Pen, và một ứng cử viên cánh hữu đều có cơ hội chạy đua vào điện Elysée. Còn một năm nữa đến bầu cử tổng thống, cánh cửa chưa bao giờ rộng mở đến thế. Riêng đối với bà Le Pen, những người ủng hộ bắt đầu thất vọng, đỉnh cao quyền lực có lẽ sẽ chẳng bao giờ đạt được.

Tương tự đối với La Croix, tương quan quyền lực giữa các đảng ôn hòa tả-hữu đều như cũ, phe sinh thái có tăng chút ít nhưng không giành được một chức chủ tịch nào. Đặc biệt cực hữu không có cơ hội lãnh đạo dù chỉ một vùng. Theo tờ báo công giáo, đây là điều đáng mừng vì cử tri chọn lựa những khuôn mặt ôn hòa và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên đáng lo là tỉ lệ vắng mặt cao nơi giới bình dân và lớp trẻ, cứ như là mối quan hệ xã hội và liên hệ giữa các thế hệ đã bị đứt gãy. Thế nên theo bài xã luận « Liên tục và rạn vỡ », những người chiến thắng nên có thái độ khiêm tốn cần thiết.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.