Tiếng sáo của người đàn ông ngồi bên đường làm lạnh buốt hồn tôi sáng nay, 22-6, đúng ba tuần Sài Gòn giãn cách.
Trên con đường Phạm Văn Đồng đoạn qua quận Bình Thạnh, ông ngồi sát lề, trước mặt là rổ đựng những món hàng gồm bút bi, gói tăm, khăn giấy… Khi tôi tới gần, ông không chú ý. Ông đang dồn hết làn hơi vào ống sáo. Đôi mắt lim dim. Tiếng sáo được khuếch âm qua một cái loa nhỏ đặt trên vỉa hè. Ông thổi say mê, mặc dòng người xe trôi qua.
Tiếng sáo làm khoảng không gian quanh ông trở nên trầm mặc, như muốn níu chân kẻ bộ hành. Tôi tự hỏi với những món hàng nhỏ ấy có thể nào giúp ông vượt qua khó khăn của những ngày giãn cách? Cái nắng oi bức và bụi đường dường như chẳng chiều ông. Lòng tôi se thắt. Sẽ có bao nhiêu con cháu đang ở nhà đợi ông mang về niềm vui quanh mâm cơm nhọc nhằn...
Thành phố đang thực hiện Chỉ thị 10 về giãn cách xã hội. Theo đó sẽ dẹp bỏ các chợ tự phát dọc các tuyến phố.
Hôm qua, tôi đã thấy những người bán hàng rau củ nháo nhác trốn vào các con hẻm khi thấy nhân viên trật tự. Một số người đi xe máy kéo theo rờ móc rau củ chạy sang các tuyến đường khác. Một anh đi xe máy chở theo cần xé lá hành chạy lòng vòng rồi dừng cạnh con hẻm nhà tôi. Tôi hỏi sao chưa về nghỉ. Anh cười nói ráng bán cho hết chứ để héo là hết vốn. Mai có bán tiếp không?Tiếp chứ. Không lấy gì ăn. Ừ, họ chạy ăn từng bữa. Không ra đường là không có cái ăn.
Xem vậy Chỉ thị 10 đã ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Biết vậy nên lá lành đùm lá rách. Người Sài Gòn không thể làm ngơ.
Trên đường Trường Chinh, trên đường Đồng Đen và nhiều con đường khác, tôi đã thấy những suất ăn, những chai nước uống được đóng góicẩn thận gởi đến người thiếu. Tại ngã tư Cộng Hòa- Hoàng Hoa Thám, tôi đã thấy một áp phích lớn hình người với người trong tay với dòng chữ “Sài Gòn cố lên”. Dù cố nén nhưng vẫn nghe từng cơn sóng ngọt ngào vỗ qua lồng ngực. Còn một tuần nữa mới hết lệnh giãn cách. Cố lên các anh, các chị! Cố lên Sài Gòn của tôi!
Nhưng tình hình đến tuần thứ ba giãn cách vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Liên tục bốn ngày qua số ca mắc ở thành phố luôn đứng đầu cả nước. Chiều nay, truyền thông đưa tin Bệnh viện Sài Gòn phát hiện năm ca dương tính từ các bệnh nhân bình thường chỉ trong một buổi chiều khám bệnh. Bác sĩ chuyên gia dịch bệnh Trương Hữu Khanh báo động, từ năm ca bệnh này cho thấy F0 đã hiện diện khắp nơi.
Người trên 60 tuổi như tôi được khuyên không nên ra đường. Nhưng tôi không thể. Một ngày không ra đường chắc tôi sẽ bệnh. Như thể người thân yêu mỗi ngày tôi phải gặp. Dù là mệt mỏi, bơ phờ. Dù là lam lũ, vất vả. Trong mắt tôi thành phố vẫn gần gũi, đáng yêu hơn bao giờ hết!
Sáng qua, thêm một người dân thành phố qua đời vì Covid-19. Truyền thông đưa tin người này đã có bệnh nền tiểu đường, huyết áp. Tôi không lý do gì để bàn cãi về mầm bệnh, nhưng đừng cản tôi không ưu phiền về người vừa mất.
Người cũng có con cái, anh em như tôi. Người cũng cầu nguyện cho đại dịch sớm qua đi để cuộc sống người thân bớt nhọc nhằn. Người cũng mong sớm cùng bạn bè làm một chuyến hành hương về niềm vui ngày cũ. Người là tôi và tôi cũng có thể là người, bởi đại dịch không chừa một ai. Người là người thành phố thứ ba qua đời trong đợt dịch lần thứ tư này. Và sẽ bao nhiêu người thành phố nữa từ giã chúng ta?
Nên đừng ngăn tôi ra đường. Hãy để tôi nhìn ngắm một hình ảnh Sài Gòn kiêu hãnh trong thời giãn cách. Hãy cho tôi đến các bến xe để lắng nghe tâm sự buồn của những chuyến xe không rời bến; đến sân ga để đợi tiếng còi tàu ngày cũ và đến sân bay để ngắm bầu trời chỉ còn những đám mây cô đơn.
Và bây giờ, 22 giờ, tôi dừng viết. Tiếng sáo của người đàn ông bên đường lại tiếp tục vang trong ngực tôi.
TỪNGUYÊN THẠCH 22.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.