mercredi 23 juin 2021

Trung Quốc : Vô địch về đầu tư, bitcoin và cả kiểm duyệt thông tin


Đăng ngày:

Đài Sơn không phải Tchernobyl hay Fukushima, và sự cố tại nhà máy điện nguyên tử - với lò phản ứng nước áp lực (EPR) do tập đoàn điện lực Pháp EDF giúp xây dựng – cũng không dẫn đến việc phóng xạ thoát ra không khí. Nhưng vì sao người ta lo ngại đến thế trước một vụ rò rỉ thậm chí không được xếp vào thang bậc quốc tế các sự kiện hạt nhân (INES) ? Chính là vì đó là vấn đề nguyên tử, sự kiện diễn ra tại Trung Quốc, thế giới của câm lặng, và tính minh bạch chỉ có trong mơ.


Sự cố được CNN tiết lộ, và đối tác Trung Quốc của EDF là China General Nuclear Power Group (CGN) khẳng định tình hình quanh nhà máy vẫn « bình thường », nhưng không cung cấp những dữ liệu mà phía Pháp đòi hỏi. Một tuần lễ sau khi có tin rò rỉ khí hiếm trong hệ thống làm lạnh lò phản ứng, EDF vẫn phải chờ đợi cuộc họp khẩn cấp của hội đồng quản trị. Dù chiếm 30% vốn, tập đoàn Pháp chừng như vẫn không được coi là đối tác ngang hàng.

Nhà nước độc đảng của Tập Cận Bình luôn kiểm soát mọi thông tin. Các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không hề có được những dữ liệu mong muốn khi đi điều tra ở Vũ Hán. Liệu một ngày nào đó sẽ biết được toàn bộ về vụ nổ ở cảng Thiên Tân (Tianjin) tháng 8/2015 mà theo số liệu chính thức đã làm 173 người chết và 800 người bị thương ?

Trong lãnh vực nhạy cảm như nguyên tử, sự mập mờ nuôi dưỡng thuyết âm mưu. Thế nhưng không ai phản đối vì sợ mất thị trường khổng lồ Trung Quốc. EDF hy vọng bán hai lò EPR cùng với Orano, một nhà máy xử lý chất thải hạt nhân lên đến 10 tỉ euro. Các tập đoàn đa quốc gia cũng có sự thận trọng tương tự : H&M, Nike bị « ném đá », bị tẩy chay vì từ chối sử dụng nguyên liệu từ Tân Cương, còn Apple chấp nhận để dữ liệu khách hàng Trung Quốc đặt tại máy chủ do Nhà nước kiểm soát.


Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất thế giới năm 2020

Sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh được Les Echos chọn làm tựa trang nhất hôm nay « Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong năm 2020 » với 133 tỉ đô la, qua mặt Nhật và Đức do đại dịch, mà tờ báo gọi là một nhà vô địch gần như tình cờ.

Vị trí hàng đầu này giành được trong lúc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới giảm 35% trong năm 2020, còn 1.000 tỉ đô la. Tuy nhiên đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu và Anh quốc lại thấp nhất kể từ 10 năm qua, giảm đến 45%. Đó là do các thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU) tỏ ra thận trọng hơn trước Bắc Kinh.

Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán khiến người ta nghi ngờ các công ty Trung Quốc ra khỏi khủng hoảng sớm hơn sẽ ồ ạt mua vào cổ phiếu của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Rốt cuộc nỗi lo này không thành sự thực, một phần vì sự bất định do Covid gây ra khiến phía Trung Quốc có phần do dự, Bắc Kinh kiểm soát chặt luồng vốn, nhưng nhất là các nước EU nay xem xét kỹ càng các dự án, đặc biệt trong các lãnh vực thiết yếu.

Mười bốn quốc gia EU trong đó có Ý, Pháp, Ba Lan đã áp dụng cơ chế thanh lọc FDI, nhiều công ty được Trung Quốc mua lại đã bị các nước thành viên ngăn chận. Hầu hết đầu tư của Trung Quốc tập trung vào ba nước lớn Đức, Anh, Pháp, riêng Litva đã chủ động rút khỏi nhóm « 17+1 » (gồm Trung Quốc và Trung Âu, Đông Âu) trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Bắc Kinh ngày càng xấu đi.


Thống trị về đào tiền ảo, Bắc Kinh trấn áp làm bitcoin sụt mất nửa giá

Cũng về kinh tế, Les Echos quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng cuộc chiến chống đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. Bốn khu vực « đào » tiền ảo lớn nhất nước đều tung ra các biện pháp hạn chế, hệ quả là giá bitcoin đã sụt đến 50% chỉ trong hai tháng : Trung Quốc chiếm đến 65% sản lượng bitcoin trên thế giới.

Cuối tuần trước, chính quyền Tứ Xuyên, tỉnh lớn thứ nhì trong lãnh vực tiền ảo ra lệnh đóng cửa lập tức 26 công ty chuyên « đào » bitcoin. Trước đó Tân Cương, Nội Mông, Thanh Hải và Vân Nam đã có những biện pháp trấn áp tương tự. Theo Global Times, 90% đơn vị sản xuất bitcoin ở Hoa lục đã đóng cửa trong tuần rồi.

Bắc Kinh tấn công vào các « mỏ » tiền ảo với lý do hoạt động này gây ô nhiễm, ngốn mất nhiều năng lượng cần thiết dành cho các nhà máy điện chạy bằng than. Nhưng lệnh cấm của Tứ Xuyên mới đây cho thấy không chỉ là vấn đề sinh thái, bằng chứng là ngân hàng trung ương đòi hỏi các ngân hàng lớn và các nền tảng chi trả trực tuyến như Alipay « điều tra và nhận diện » những tài khoản buôn bán tiền ảo, ngăn chận mọi giao dịch liên quan. Bắc Kinh muốn công dân sử dụng e-yuan, đồng nhân dân tệ ảo đang được thử nghiệm với quy mô lớn.


Chế độ thần quyền Iran tăng cường quyền lực

Nhìn sang Trung Đông, tác giả Renaud Girard nhận định trên Le Figaro « Tại Iran, chế độ thần quyền được củng cố » qua kỳ bầu tổng thống ngày 18/06/2021, cuộc bầu cử mất dân chủ nhất trong lịch sử Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Sau khi mở rộng được ảnh hưởng sang bốn thủ đô Ả Rập khác (Bagdad, Damas, Beyrouth, Sanaa), chế độ thần quyền Shia ở Iran củng cố quyền lực. Không có ứng cử viên nữ nào được Hội đồng Vệ binh chấp nhận. Phó tổng thống cải cách mãn nhiệm Eshaq Djahanguiri và ứng viên cánh trung nhiều hy vọng Ali Laridjani, cựu chủ tịch Quốc hội cũng không được ra tranh cử. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ cử tri đi bầu giảm mạnh, chỉ có 30% đến phòng phiếu. Ebrahim Raissi, nhân vật cực kỳ bảo thủ từng thất bại năm 2017, đắc cử chỉ với 2 triệu phiếu cao hơn lần trước.

Raissi đi vào lịch sử Trung Đông không chỉ với tư cách một tổng thống Iran với chiến thắng không lấy gì làm vẻ vang. Là người đứng đầu ngành tư pháp, ông ta ghi dấu ấn qua việc đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa tháng 11/2019, và hồi năm 1988 từng là thành viên « Ủy ban tử thần » đã tàn sát hàng ngàn tù nhân chính trị trong các trại giam Evin và Gohardasht ở Teheran.


Tân tổng thống Iran rộng tay hơn trong hồ sơ nguyên tử

Nhưng trong chế độ thần quyền Iran, Raissi có lợi thế : là một seyyed, tức dòng dõi của nhà tiên tri Mahomet, được phép quấn vành khăn đen trên đầu. Ông ta là đệ tử trung thành, được đại giáo chủ Ali Khamenei tin cẩn. Ở Iran, tổng thống không có được một quyết định chiến lược nào : chiến tranh hay hòa bình, chính sách đối ngoại, nguyên tử đều nằm trong tay giáo chủ. Điều quan trọng là Raissi có thể thay thế đại giáo chủ đã 82 tuổi, một khi ông này qua đời.

Giới trẻ có học ở Teheran, nói tiếng Anh, lướt mạng, quen thuộc với văn hóa phương Tây tất nhiên bất mãn, nhưng về mặt chính trị, họ không có tiếng nói trong hệ thống. Trên toàn thế giới Ả Rập, các đền thờ Hồi giáo Teheran là nơi vắng tín đồ nhất trong những buổi lễ chiều thứ Sáu. Dân chúng tẩy chay để phản đối các lãnh đạo Hồi giáo tham nhũng liên can đến đủ mọi dạng buôn lậu.

Phải chăng sẽ là hồi kết của đàm phán nguyên tử tại Vienna ? Theo tác giả, thì không. Bởi vì giáo chủ và đệ tử Raissi hiểu rằng, cần cải thiện tình hình kinh tế để cứu vãn chế độ thần quyền, có nghĩa là được xuất khẩu dầu trở lại sau thời gian bị Donald Trump trừng phạt. Hôm qua 21/06, tổng thống tân cử Raissi tuyên bố ủng hộ đàm phán, lợi thế của ông ta là không bị phe bảo thủ chỉ trích.

Về phía chính quyền Biden không còn coi Iran là mối đe dọa quân sự nguy hiểm. Bằng chứng là việc rút hết các thiết bị phòng không tại Trung Đông, có lẽ để triển khai tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đối với phía Mỹ, việc ngăn chận các chế độ độc tài Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không thiết yếu bằng chặn bước Trung Quốc.


Anh em Castro đã ra đi, Cuba vẫn bị Biden bỏ quên

Còn tại châu Mỹ la-tinh, Le Monde cho rằng « Cuba bị Joe Biden bỏ quên trong khi đã lật sang trang Castro ». Từ ngày 19/04/2021 Raul Castro đã nhường chỗ cho nhà lãnh đạo dân sự đầu tiên Miguel Diaz-Canel, và đa số ủy viên thuộc thế hệ cách mạng 1959 đã ra khỏi Bộ Chính trị. Một loạt cải cách đã diễn ra, như kết thúc hệ thống hai đồng tiền song hành từ 30 năm qua, và cho phép tư nhân làm ăn trong hầu hết lãnh vực kinh tế.

Khi tranh cử, ông Joe Biden luôn chỉ trích « chính sách thất bại của Donald Trump làm thiệt hại cho người dân Cuba », nhấn mạnh đến việc cho phép công dân Mỹ đến đảo quốc vì họ là « các đại sứ tốt nhất cho tự do ». Nhưng từ khi Biden nhậm chức cho đến nay, Nhà Trắng không hề động đậy, lời kêu gọi « đối thoại với sự tôn trọng lẫn nhau » của Raul Castro bị rơi vào khoảng không, chính quyền mới lịch sự nói rằng quan hệ với Cuba không phải là ưu tiên. Tập trung vào cuộc đối đầu quan trọng với Trung Quốc, Joe Biden muốn tránh một số hồ sơ quốc tế như ở Cận Đông gần đây.


Bầu cử cấp vùng Pháp : Đảng cầm quyền thất bại, tổng thống vẫn phải cải tổ

Kết quả cuộc bầu cử vừa qua vẫn được báo chí Paris tiếp tục bàn tán. Le Monde chạy tựa « Bầu cử khu vực : Nước Pháp dửng dưng » với nhận định : cánh hữu dẫn đầu, cực hữu thụt lùi trong vòng đầu được ghi dấu bởi tỉ lệ vắng mặt lịch sử. Ảnh bìa của La Croix là những phòng phiếu vắng người, với câu hỏi « Vắng mặt, tình cờ hay định mệnh ? »Libération đăng ảnh bà Marine Le Pen và tổng thống Emmanuel Macron mặt đối mặt, với dòng tựa « 2022 : Nếu không phải là họ ? ». Cũng với ảnh hai chính khách được cho là đối thủ trong kỳ bầu cử tổng thống 2022, Le Figaro ghi nhận « Sau thất bại, đảng của bà Le Pen và ông Macron dưới cú sốc ».

Tờ báo thiên tả Libération cho rằng tỉ lệ vắng mặt là « phản ứng lành mạnh » của người Pháp, vì đi bỏ phiếu là sự ủng hộ một đường hướng, trong khi những tuần lễ qua chỉ xoay quanh hai khuôn mặt nổi bật trong kỳ bầu cử tổng thống sang năm là nguyên thủ đương nhiệm và chủ tịch đảng cực hữu Marine Le Pen.

Theo nhật báo cánh hữu Le Figaro, đảng cầm quyền được coi là hiện thân của Macron, đây là điểm yếu đồng thời là điểm mạnh của tổng thống trẻ. Bài học rõ ràng là do đảng mới không bắt rễ được vào công chúng, và vì vậy Emmanuel Macron lại càng phải đặt dấu ấn cá nhân nhiều hơn nữa trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ.

Les Echos nhận định, Emmanuel Macron và đảng của tổng thống bị yếu đi sau cuộc bầu cử khu vực, nhưng ông buộc phải cải cách cho đến cùng. Phải chăng từ nay đến 2022 Macron chỉ nên tập trung cho việc ra khỏi khủng hoảng kinh tế và dịch tễ, với lý do người dân phản đối cải cách ? Tờ báo kinh tế cho rằng thái độ bất động là không hay đối với nước Pháp cũng như với một tổng thống được bầu lên để cải tổ, cho dù tỉ lệ tín nhiệm có bị sụt giảm.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.