Cứ đến dịp ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, người ta lại sôi nổi luận bàn về báo chí, nhà báo. Nào là định hướng, trách nhiệm, nghề nghiệp, đạo đức, bút sắc lòng trong, nào là kinh nghiệm, tay nghề, điều hay điều dở…
Gần một thế kỷ, báo chí cách mạng đã rong ruổi, thường là nước kiệu, trên con đường mà dân tộc đã đi thì có biết bao điều để cùng nhau ôn lại, tự hào, rút kinh nghiệm. Báo chí mặc nhiên là một phần không thể thiếu của cuộc sống, như ta phải ăn cơm hằng ngày vậy.
Người nông dân đem cho đời hạt gạo cây rau, ngư dân cho con cá, diêm dân cho hạt muối, còn báo chí mà cụ thể là nhà báo cho chúng ta thông tin. Dòng đời trôi không ngừng, thông tin sinh sôi nảy nở không ngừng, báo chí chính là bình chứa cung cấp cho mọi người nguồn nước thông tin ấy.
Tôi nghĩ rằng, chả cần phải đao to búa lớn, đại ngôn này nọ về vai trò, nhiệm vụ, chức năng… của báo chí, chỉ cần gói lại rằng báo chí đồng nghĩa với thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin cho con người, thế là đủ.
Nghe thì nhẹ, nhưng quả thực không đơn giản. Điều dễ nhận ra là ở một nước như nước ta đang tồn tại mấy trăm tờ báo nhưng nhặt ra nào có bao nhiêu tên tuổi.
Phải nói thẳng điều này, làm nên giá trị cộng đồng rộng rãi cho tờ báo không phải là tầm cỡ vật chất nhà cao cửa rộng, đền miếu cây đa. Cũng không phải từ uy quyền cơ quan chủ quản của tờ báo mà là từ sức nặng thông tin nó đem tới mỗi ngày. Thông tin thời sự, nhanh, nóng, đầy đủ, phong phú, khách quan tạo cho báo chí sức sống vững bền, chắc chắn.
Tôi lấy ví dụ, không ít tờ báo thuộc cơ quan trung ương, được hỗ trợ nhiều thứ nhưng có lẽ phải tâm phục, khẩu phục báo Tuổi Trẻ, cho dù cơ quan chủ quản tờ báo này chỉ là Đoàn thanh niên của một thành phố. Lượng phát hành và phạm vi phủ sóng thông tin cực lớn. Sức mạnh phản biện và tính nhanh nhạy kịp thời khó tờ nào theo kịp. Những tiêu chí ấy cực kỳ quan trọng, khi đưa lên bàn cân, nhiều tờ báo trung ương phải gọi báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên (cũng của bên tổ chức thanh niên) bằng… bác, thậm chí bằng cụ.
Thời đại ngày nay là thời đại thông tin. Đã qua rồi thời bao cấp, kể cả bao cấp thông tin. Hãy trả báo chí về xã hội dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường, bắt nó tự cung tự cấp, tự hạch toán; nếu làm hay, có tư cách đứng đắn, đàng hoàng, thời sự, khách quan, không câu khách rẻ tiền, đủ sức thu hút được bạn đọc… thì tồn tại, thì sống. Còn không thì tự tiêu vong.
Báo gì thì báo cũng cứ phải tự lo, phải chấm dứt sống dựa ngậm vào bầu vú ngân sách. Dân không thể cứ còng lưng mãi đóng thuế nuôi những tờ báo mà cả đời họ không đọc, chỉ có tác dụng gói xôi. Tờ báo có giá trị là tờ báo bán được, người đọc tự bỏ tiền túi ra mua để đáp ứng khao khát thông tin chứ không phải thứ để gói xôi, cho không, đút vào ngăn kéo.
Cơ quan chủ quản hoặc nhãn mác tờ báo không có nghĩa đồng nhất với chỗ đứng của nó trong lòng bạn đọc. Khi mua báo cũng như khi đánh giá uy tín, người ta không nhầm lẫn nhãn mác với sức sống của tờ báo trong lòng xã hội. Sự lựa chọn và đánh giá của đông đảo bạn đọc là chuẩn xác nhất, đáng tin cậy hơn mọi điều khác.
Điều không thể phủ nhận là nhà báo rất có vị thế, tiếng nói trong xã hội. Báo chí được xem như thứ quyền lực, thậm chí siêu quyền lực. Thời xa xưa, các ký giả (để chỉ nhà báo) khiến cả tầng lớp cai trị cũng phải gờm. Trong tác phẩm Giông tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nghị Hách là kẻ thét ra lửa, tiếng tăm lừng lẫy cả mấy tỉnh Bắc Kỳ, đến cả quan thống sứ cũng có lúc phải nhờ cậy, nhưng khi nghe tôi tớ bẩm rằng có ký giả đang đến điều tra vụ việc liên quan, lão lo sợ giật mình thon thót. Sức mạnh của báo chí là công bố thông tin, công khai minh bạch, nhất là những thứ mà ai đó cố tình giấu diếm.
Thông tin chính xác, đầy đủ, nhanh chóng, khách quan, góp phần nâng cao hiểu biết, dân trí, đó là những điều mà người dân mong mỏi ở nền báo chí nước nhà. (còn tiếp)
NGUYỄNTHÔNG 21.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.