Sau
46 năm chấm dứt chiến tranh, nhiều người, kể cả những học giả ngoại quốc, vẫn
tin rằng cuộc chiến tại miền Nam là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ quốc gia và
cộng sản.
Nhưng
ý thức hệ quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia Việt Nam là gì, và lý do ý thức hệ
cộng sản thắng thế vẫn chưa được tìm hiểu và phân tích cặn kẽ, để biết đâu là
sự thật.
Chủ nghĩa quốc gia đến với Việt Nam
Trước thế kỷ thứ 20, nước là của vua, dân là con vua. Việc bảo vệ và mở mang bờ cõi là trách niệm của nhà vua, làm dân có bổn phận phải trung thành với vua và sẵn sàng chết theo lệnh của nhà vua.
Cụ
Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu là hai trong số những người Việt quốc gia đầu
tiên - một người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Pháp còn một người chịu ảnh
hưởng chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản - nên có hai khuynh hướng phụng
sự quốc gia rất khác biệt.
Nhà
cách mạng Nguyễn Thái Học (Quốc Dân Đảng), Đức Huỳnh Phú Sổ (đạo Hòa Hảo), Đức
Hộ Pháp Phạm Công Tắc (đạo Cao Đài), Vua Bảo Đại, ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình
Diệm, ông Trần Trọng Kim, học giả Lý Đông A (đảng Duy Dân), ông Trương Tử Anh
(đảng Đại Việt) và rất nhiều người khác là những người Việt quốc gia của thời
kỳ tiếp theo.
Những
người kể trên về mặt tư tưởng họ khác nhau một trời một vực, có khi còn đối
chọi với nhau, cho thấy ở thời điểm 1945 vẫn chưa có một hệ tư tưởng có thể coi
là hệ tư tưởng quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia.
Năm
1949 khi người Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, Quốc trưởng Bảo Đại đặt tên
nước là Quốc Gia Việt Nam, lập Quân Đội Quốc Gia, Chính Phủ Quốc Gia, và cờ
Vàng ba sọc đỏ được gọi là cờ Quốc Gia. Vua
Bảo Đại từ lâu đã muốn xây dựng một chủ nghĩa quốc gia riêng cho Việt Nam,
nhưng vì hoàn cảnh đất nước chưa hoàn toàn độc lập, và vẫn còn chiến tranh nên
không thực hiện được ý muốn.
Chủ nghĩa quốc gia là gì ?
Là
hệ tư tưởng soi sáng và hướng dẫn chúng ta làm những việc có ý nghĩa, có đạo
đức, biết việc gì cần làm và tạo cho chúng ta sáng kiến đạt được kết quả tốt
nhất trong cạnh tranh sinh tồn và phát triển đất nước.
Mỗi quốc gia đều có những khác biệt về lịch sử, sắc tộc, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, bởi thế chủ nghĩa quốc gia Việt Nam phải khác hẳn với chủ nghĩa quốc gia ở các quốc gia khác.
Chủ
nghĩa quốc gia Việt Nam phải nối kết được những tư tưởng, những tình cảm, những
truyền thống, những ước mong, những ý hướng trong tâm trí của mọi người thuộc
mọi sắc tộc sống trên đất nước Việt Nam.
Có
chủ nghĩa quốc gia mới có thể định hình được một cách rõ rệt những khái niệm về
tổ quốc, về nòi giống, về lòng yêu nước, về tình đồng bào, xây dựng lý tưởng
làm chuẩn mực cho đời sống của người Việt Nam.
Chủ
nghĩa quốc gia chính là những nguyên tắc căn bản để chính phủ đề ra những chiến
lược và đường lối kinh tế, văn hóa, xã hội hợp lòng dân và để người dân biết
cách suy nghĩ và hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Việt Nam chưa có hệ tư tưởng quốc gia
Tháng
8/1945, cộng sản nổi dậy cướp chính quyền, đến năm 1947 khi những người Việt
quốc gia muốn ôn hòa giành lại độc lập phải cộng tác với người Pháp, thì đảng
cộng sản cướp luôn cả chính nghĩa quốc gia.
Trong
hoàn cảnh chiến tranh, những người Việt quốc gia chỉ duy trì tinh thần quốc gia
rời rạc, không thể kết lại một cách chặt chẽ như một ý thức hệ hay một hệ tư
tưởng có luận lý (lô gích), có đạo đức, dựa trên lợi ích quốc gia và dân tộc.
Vì
thiếu một ý thức hệ quốc gia làm căn bản, nên người quốc gia và các đảng phái
quốc gia liên tục chia rẽ không thể tập trung được sức mạnh chiến đấu và tồn
tại trong hoàn cảnh chiến tranh 1945-75.
Xem lại Đệ Nhất Cộng Hòa
Chính
phủ Đệ Nhất Cộng Hòa thay vì tìm cách xây dựng ý thức hệ quốc gia, lại lo xây
dựng chủ nghĩa nhân vị. Ông Cao Xuân Vỹ Thủ lãnh Phong trào Thanh niên Cộng Hòa
từng nghe Tổng thống Ngô Đình Diệm than phiền: “Ngay cả đến các vị Bộ trưởng cũng không hiểu được (chủ nghĩa) nhân vị
là gì, thì làm sao mà chúng ta thực hiện được cuộc cách mạng quốc gia ?”
Ông
Diệm nói rất đúng, vì khi tầng lớp lãnh đạo không hiểu được đường lối chiến
lược quốc gia thì làm sao tầng lớp cán bộ có thể hiểu được để truyền bá chính
nghĩa (việc làm đúng). Và làm sao người dân, nhất là những nông dân chiếm đến
90% dân số lại có thể biết đến đường lối, chiến lược và viễn kiến của tầng lớp
lãnh đạo quốc gia.
Năm
năm vàng son 1955-60 nhanh chóng trôi qua, khi cộng sản từ miền Bắc bắt đầu xâm
nhập và cộng sản ở miền Nam nổi dậy, thì rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa không có một
chủ nghĩa đúng mức để vừa giữ được đất, vừa giữ được dân.
Chính
phủ Mỹ sợ cộng sản thắng thế muốn trực tiếp mang quân vào tham chiến thì bị
Tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối họ mới nhúng tay vào cuộc đảo chánh 1/11/1963
lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Mỹ Hóa chiến tranh
Miền
Nam lọt vào vòng khủng hoảng chính trị, đảo chánh này sang đảo chánh khác, miền
quê càng ngày càng mất an ninh, nhiều địa phương sáng quốc gia đêm cộng sản.
Ngày
8/3/1965, Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, người Mỹ mở rộng
chiến tranh thả bom miền Bắc và trực tiếp điều khiển chiến tranh từ Tòa Bạch Ốc
và Ngũ Giác Đài.
Người
Mỹ nhúng tay đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm đã là một sai lầm lớn, việc Mỹ
hóa chiến tranh Việt Nam là sai lầm lớn hơn khiến họ phải trả một giá rất đắt
về sinh mạng và tiền bạc. Cho
đến phút cuối người Mỹ vẫn không hiểu người Việt cả phía quốc gia lẫn bên cộng
sản, nên trong chiến tranh Việt Nam người Mỹ liên tục mắc sai lầm là nguyên
nhân chính dẫn đến ngày 30/4/1975.
Chiến
tranh càng leo thang, người miền Nam càng phải tập trung bảo vệ miền Nam, nên
càng ít quan tâm đến mặt lý thuyết xây dựng một ý thức hệ quốc gia.
Nói về Chủ nghĩa tự do
Khi
ý thức hệ quốc gia chưa hình thành và khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam, chủ
nghĩa tự do kiểu Mỹ đã phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ.
Trong thời chiến cá nhân cần đặt lợi ích quốc gia và dân tộc bên
trên, thì chủ nghĩa tự do lại dựa vào cá nhân để phát triển từ văn hóa, xã hội, kinh tế và nhất là chính trị
(thể chế dân chủ pháp trị).
Một
số thí dụ dưới đây cho thấy phần nào chủ nghĩa tự do đã dẫn đến ngày 30/4/1975.
Ở
miền Nam tự do báo chí không khác gì ở Mỹ các nhà lãnh đạo thường xuyên được
đưa lên mặt báo.
Tờ
Tin Sáng là nhật báo đối lập với Chính phủ có mục “Tin Vịt” do “Tư trời biển”
viết nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến,
thất học, tham nhũng, bất tài hay gọi ông là "Tổng Thẹo", "Sáu
Thẹo"…
Báo
chí có quyền chỉ trích Chính phủ và chỉ trích cá nhân các nhà lãnh đạo miễn là
không nhằm mục đích tuyên truyền cho cộng sản, nhưng các tờ báo vẫn thường
dịch các bài viết từ phe cánh tả chống chiến tranh thì có khác gì tiếp tay
tuyên truyền cho cộng sản.
Báo
chí ngoại quốc cũng được tự do xuất bản tại miền Nam. Người Việt vốn suy nghĩ
người ngoại quốc đưa tin khách quan và trung thực, nên nhiều bài viết thuộc phe
cánh tả chống chiến tranh cũng được rất nhiều người đọc và tin theo.
Về
truyền hình thì có đài Quân đội Hoa Kỳ phát trên băng tần số 11 đưa những hình
ảnh chiến trường mà lính Mỹ thua đến nỗi phải tháo chạy bằng các trực thăng,
những hình ảnh này ảnh hưởng nặng đến tâm lý người Việt và rất có lợi cho phe
cộng sản.
Giáo
dục thì phi chính trị nên học sinh và sinh viên đều ít quan tâm đến tình trạng
đất nước, một số còn xuống đường biểu tình chống chiến tranh hay leo núi theo
cộng sản, số khác sống phóng túng, đua đòi theo cách sống Hippie kiểu Mỹ…
Văn
học, âm nhạc, nghệ thuật ở miền Nam bao gồm đủ mọi khuynh hướng, từ tự do cá
nhân, đến chuyện đất nước, tình tự dân tộc, nhân bản, khai phóng, hiện thực,
chống chiến tranh và chống cả chính phủ.
Kinh
tế thì tự do nên vì tiền mà một số thương gia sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho
cộng sản hay đầu cơ tích trữ phá hoại thị trường và cũng vì tiền mà một số giới
chức tham nhũng đã tiếp tay với gian thương nuôi dưỡng cộng sản.
Ngay
trong Quốc Hội, Khối Đối Lập liên tục chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, họ
còn chủ trương nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (một tổ chức ngoại
vi của đảng Cộng sản), chính trị miền Nam không khác gì sinh hoạt chính trị tại
Hoa Kỳ.
Tự do thua cộng sản?
Một
số người quan sát cuộc chiến ở miền Nam rồi vội vã cho rằng chủ nghĩa cộng sản
đã thắng chủ nghĩa tự do. Nhưng nếu so Tây Đức và Đông Đức, Nam Hàn và Bắc Hàn,
Trung Quốc và Đài Loan, Khối Tự Do chống lại Khối Cộng Sản thì rõ ràng ý thức
hệ tự do đã là bên thắng cuộc.
Đại
Hàn và Đài Loan là hai quốc gia Á châu bị phân đôi, chủ nghĩa quốc gia ở đó đã
phát triển thành những ý thức hệ có thể đón nhận và hài hòa chủ nghĩa tự do
kiểu Mỹ. Sau một quá trình chọn lọc nhiều thập niên cho mãi đến những năm đầu
của thập niên 1990 Đài Loan và Nam Hàn mới tiến hành dân chủ hóa đất nước của
họ.
Còn
Việt Nam Cộng Hòa vì chưa có được một chủ nghĩa quốc gia, một ý thức hệ quốc
gia, một hệ tư tưởng hướng dẫn, nên chủ nghĩa tự do đã
phản tác dụng, phá hoại và tiêu hủy nền Cộng Hòa non trẻ ở miền Nam Việt
Nam.
Theo
tôi, đây là bài học cho cả hôm nay: Việt Nam vẫn đang
cần chủ nghĩa quốc gia.
Chiến
tranh đã chấm dứt hơn 46 năm, so với các quốc gia trong vùng, Việt Nam vẫn thua
kém cũng vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia đúng đắn.
Trước
thời chiến tranh Đài Loan và Đại Hàn về kinh tế chỉ tương đương với Việt Nam,
nhưng ngày nay hai quốc gia này đã vượt xa chúng ta. Đài Loan và Đại Hàn áp
dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng (export led growth strategy),
nhưng nhờ họ có được hệ tư tưởng quốc gia vững chắc, nên có được chiến lược xây
dựng kinh tế dựa trên nội lực quốc gia và kết quả tăng trưởng kinh tế thuộc về
người dân của xứ họ.
Hà
Nội cũng áp dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng nhưng lại xây tổ đón
phượng hoàng xứ người, nên người Đài Loan và người Đại Hàn nay đã trở thành
những ông chủ, những con phượng hoàng trên đất nước Việt Nam. Còn người Việt
phải làm công bộc cho chủ nhân ngoại quốc hay phải sang tận xứ người để làm
công cho họ.
Chiến
lược tăng trưởng dựa trên xuất cảng biến Việt Nam thành một quốc gia lắp ráp
trong chuỗi dây chuyền sản xuất của các công ty đa quốc gia. Việt Nam được giao
cho sản xuất các mặt hàng dựa trên lao động tay chân, mang lại rất ít giá trị
gia tăng cho quốc gia.
Các
nghiệp đoàn tự do bảo vệ quyền lợi công nhân thì chưa có nên người Việt làm
công nhận được một mức lương thật thấp, thậm chí không đủ sống qua ngày, còn
lợi nhuận thì vào tay tư bản ngoại quốc và được họ đưa về chính quốc.
Dựa
trên tỉ lệ thương mãi xuất và nhập cảng, Việt Nam nay là nước có mức độ toàn cầu
hóa cao nhất thế giới, nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nhập cảng từ Trung
Quốc và sản phẩm sản xuất thì chủ yếu xuất cảng sang Mỹ. Chủ quyền kinh tế nay
phụ thuộc nặng nề vào hai quốc gia này, Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt kinh tế cũng
sợ, mà Trung Quốc đe dọa trừng phạt kinh tế thì cũng lo.
Nếu
các hãng xưởng Đài Loan và Đại Hàn rút khỏi Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam
xem như sụp đổ, rõ ràng chủ quyền quốc gia Việt Nam đã bị lệ thuộc quá nặng vào
ngoại bang. Còn các mặt khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị, và cả
quân sự Việt Nam đều thua xa hai quốc gia Đài Loan và Đại Hàn.
Ở
trong nước ai biểu lộ bất đồng chính kiến thì bị đảng Cộng sản cho công an cô
lập và đàn áp.
Người
Việt hải ngoại sống trong môi trường tự do nhưng vì thiếu một chủ nghĩa quốc
gia dẫn dắt nên người đấu tranh luôn bị động, chẳng ai nghe ai, càng ngày càng
chia rẽ và càng xa lìa chính những đồng hương đang sống ở hải ngoại.
Ôn
lại lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và nhìn vào hiện tình đất nước, người Việt muốn
giữ được chủ quyền quốc gia vẫn cần phải xây dựng một hệ tư tưởng cho chính
người Việt Nam, một chủ nghĩa quốc gia Việt Nam vẫn thật sự cần thiết.
NGUYỄN
QUANG DUY (Bài gởi cho blog Thụy My)
Melbourne, Úc Đại Lợi
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.