Ảnh báo Lao Động |
Nhìn con trẻ vào
lớp 1 phải mua 23 loại sách cùng tập viết với hơn 800 ngàn đồng, muốn chửi phát
nhưng không biết chửi vào đâu cho đúng địa chỉ. Số sách này có thể là gợi ý
không bắt buộc phải mua tất cả nhưng vẫn không thể chấp nhận được.
Vào trang anh Trương
Điện Thắng, anh nói anh không tin một cuốn sách giáo khoa có số lượng in cực
lớn, giá lại cao gấp 2 lần cuốn tiểu thuyết chỉ in 1.000 bản trên cùng một loại
giấy, muốn chửi thêm phát nữa.
Tôi từng viết về
nền giáo dục thối nát, nhưng chưa hề chửi ông Bộ trưởng đương nhiệm. Thấy thiên
hạ chửi ông nhiều quá, tôi đã phải tìm đọc bản luận án tiến sĩ của ông để xem
ông đã có phát minh sáng kiến gì, trí tuệ của ông có bị cơ chế kiềm hãm không
phát tiết được chăng ? Bản luận án đó mang tên, nguyên văn đăng trên Thư viện
quốc gia : “Vai trò của đầu tư trực tiếp
nước ngoài trong quá trình công nghiệp hóa ở Mailaixia, 1999”.
Viết phiên âm tên
nước sai, chắc là do Thư viện. Nhưng tôi đọc bản luận án, thấy ông ấy sử dụng
phương pháp nghiên cứu là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch
sử, trừu tượng hóa khoa học, thống kê kết hợp với phân tích so sánh đối chiếu
để làm nên luận án này. Đọc xong tôi chẳng được thêm chút xíu tri thức nào, cả
về đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư nước ngoài ở Malaysia, càng chẳng thấy có chút
xíu xìu xiu đóng góp nào vào chính sách thu hút FDI cho Việt Nam.
Bản luận án có
giúp gì cho Malaysia kinh nghiệm vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin để soi sáng con
đường làm giàu hay không tôi biết chết liền. Kết quả đào tạo như vậy để làm gì
tôi biết cũng chết liền, nhưng từ đó trở thành giáo sư, trở thành Bộ trưởng
Giáo dục, không phải lỗi của ông ấy. Cho nên ông ấy cũng không đáng bị chửi,
chửi ông ấy cũng chẳng cải thiện được gì cho nền giáo dục nước nhà.
Sờ lên mặt mình,
tôi thấy mình quả là người may mắn. Nếu như nền giáo dục này được thiết lập khi
tôi bước vào lớp 1, thì chắc chắn tôi đã thành một đứa thất học toàn diện ngay
từ khi đó. Bởi vì từ khi tôi học lớp 1, mẹ tôi chẳng phải mua một cuốn sách
nào, chẳng phải nộp một khoản tiền nào, mẹ tôi cũng chẳng có tiền để mua, để
nộp. Ngày nay, 800 ngàn vẫn quá lớn đối với rất nhiều dân nghèo ở nông thôn,
nhà nghèo mà có hai đứa trẻ đi học thì không thể nào chịu nổi.
Nhưng đâu chỉ có
tiền sách. Luật pháp nước nhà quy định phổ cập giáo dục tới phổ thông cơ sở, mà
phổ cập giáo dục là cưỡng bức đi học, cưỡng bức đi học là hoàn toàn miễn phí,
không phải nộp bất cứ một khoản tiền nào. Nhưng luật ra rồi mà học trò vẫn phải
đóng học phí cùng với nhiều khoản đóng góp khác. Cho đến gần đây mới được miễn,
nhưng miễn là miễn học phí thôi, chứ còn bao nhiêu là khoản tiền khác nữa cha
mẹ học sinh buộc phải đóng, thực chất cũng là học phí.
Một gia đình nông
dân làm một hai sào ruộng, tiền đâu cho con đi học ? Cố cho con đi học được thì
cha mẹ chúng phải thiếu ăn thiếu mặc, sống lầm than không ngóc đầu dậy được.
Kêu vào đâu ? Chửi vào đâu ? Những người có trách nhiệm đối với nền giáo dục
này đều ở cõi trên, chẳng ai nghe cả !
HOÀNG HẢI VÂN
07.09.2020
Không học mai sau làm cộng sản , đâu có sao. Không làm cộng sản thì đi làm đĩ, làm ăn cướp ăn trộm cũng là làm !
RépondreSupprimer