Phát Thứ tư, ngày 04 tháng hai năm 2015
Giọng hát ngọt ngào, trầm ấm của ca sĩ Vũ Khanh sẽ trở lại với khán giả Paris vào dịp Tết âm lịch Ất Mùi năm nay, trong chương trình Đại nhạc hội từ thiện nhằm giúp đỡ cho trẻ em mồ côi ở làng Madagoui, Đà Lạt, Việt Nam.
Chương trình diễn ra tại Bussy Saint George, ngoại ô
Paris vào ngày 28/02/2015, và tại thành phố Nice ngày 01/03. Bên cạnh
giọng ca vàng Vũ Khanh, còn có các ca sĩ Trúc Linh, Trúc Lâm, Lưu Vĩnh
Kha cũng từ Mỹ sang, Thu Trang từ Việt Nam, Nguyễn Đan, Kelly Kim, Quỳnh
Như tại Pháp.
Nhân dịp này RFI Việt ngữ đã phỏng vấn người ca sĩ thành danh với
những tác phẩm tiền chiến cũng như nhiều bài hát có giá trị vượt thời
gian. Vũ Khanh diễn đạt thành công nhiều dòng nhạc khác nhau, nhưng anh
được khán giả nhớ đến nhiều nhất với những nhạc phẩm như « Đôi mắt người Sơn Tây », « Cô hàng nước », « Nỗi lòng người đi »…Giọng
hát khỏe khoắn và hết sức truyền cảm của anh chạm được vào tận tâm khảm
của người nghe, quyến rũ được thính giả thuộc nhiều thế hệ.
RFI : Xin chào ca sĩ Vũ Khanh. Sau
mười năm vắng bóng, anh mới quay lại Paris. Vì sao anh phải chờ đợi một
thời gian lâu như vậy mới trở lại với khán giả ở Pháp?
Ca sĩ Vũ Khanh : Trong thời gian
vừa qua tôi chưa có dịp, cái khó là như thế này. Khi hát tại các quốc
gia khác, có nhiều khi ban tổ chức chỉ mời được có một hay hai show, và
những phương tiện di chuyển rất phức tạp. Nếu đi hát ở Paris, vừa đi vừa
về thì tất cả mất hết ba ngày. Đó là một trở ngại chung cho các anh em
nghệ sĩ.
Lần này trở lại Paris lại được đi hát thêm một thành phố khác là
Nice, cũng là một cơ hội rất tốt để tôi quyết định trở lại thành phố
Paris vốn có nhiều kỷ niệm đẹp.
RFI : Thưa anh, lần này anh định giới thiệu những nhạc phẩm nào?
Những nhạc phẩm đánh dấu cuộc đời lúc bắt đầu đi hát của mình.
Chắc là tôi sẽ hát những bản nhạc gắn liền với tiếng hát của mình. Thí
dụ như bản « Áo lụa Hà Đông », « Nỗi lòng người đi », hoặc một bản nhạc
đánh dấu sự thành công của tiếng hát Vũ Khanh, đó là bản « Cô hàng nước
».
RFI : Vì sao anh lại chọn một dòng nhạc sang trọng, và những bản nhạc phải nói là khó hát?
Thực sự khi bắt đầu cuộc đời đi hát mình chưa có sự chọn lựa dòng
nhạc chính của mình, nhạc gì mình cũng hát cả. Nhưng sau một thời gian
tôi trở về đóng góp với trung tâm băng nhạc Diễm Xưa, thì lúc đó bắt đầu
có con đường đi riêng, mình chọn dòng nhạc phù hợp với tiếng hát của
mình.
Cũng giống như tất cả các trung tâm, trung tâm Diễm Xưa để cho
tôi chọn lựa phù hợp với tiếng hát của mình. Từ đó bắt đầu mình để ý tới
những dòng nhạc mình theo. Bản nhạc đầu tiên chọn để hát ở đó là bản «
Gọi người yêu dấu », trong cuốn băng đầu tiên ở trung tâm Diễm Xưa cùng
chủ đề với những bản nhạc chọn lọc. Đâm ra mình có duyên với dòng nhạc
này, rồi từ đó bắt đầu đi mãi vào trong đời sống ca hát của mình.
RFI : Anh có những kỷ niệm nào trong cuộc đời đi hát – chắc là nhiều lắm. Anh có thể kể lại một vài ấn tượng không ?
Nếu mà tính sổ đời đi hát của mình, có lẽ là tôi hát trên 30 năm,
những kỷ niệm đầy ắp không biết đâu để mà nói cả. Nhưng một dấu nhấn
trong cuộc sống là khi bắt đầu bước lên sân khấu với bản nhạc « Cô hàng
nước », thì lúc đó tôi hát ở thành phố San Diego của tiểu bang
California. Bản nhạc đã được 5.000 khán giả tặng cho mình những tràng
pháo tay tuyệt đẹp nhất.
Có lẽ suốt cuộc đời của mình không bao giờ tôi quên được hình ảnh
đó. Và đó cũng là điểm để mình phấn đấu trong nghề nghiệp. Mình bước
lên không phải dễ dàng như những người khác đi một đôi hia bảy dặm đâu.
Sự thành công của mình phải trả một cái giá rất cao. Cho nên điều hãnh
diện khi bước vào nghề nghiệp là đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.
Tôi rất cám ơn những tràng pháo tay đã dành cho, khiến Vũ Khanh
đến giờ phút này vẫn còn đứng được trên sân khấu. Đó là niềm hạnh phúc
nhất mà Vũ Khanh ghi nhận được.
RFI : Được biết anh không phải xuất thân từ ngành thanh nhạc ra, vì sao anh lại chọn con đường ca hát?
Khi anh Trường Kỳ có phỏng vấn, tôi cũng cho biết thực sự ra mình
không có qua một trường nào về thanh nhạc cả. Trước nhất là mình có
được giọng ca sẵn có mà bạn bè đã ban thưởng cho những lời khen, từ đó
mình có được niềm an ủi để đi lên. Thì tự nhiên nghề dạy nghề.
Cho đến giờ phút này cũng chẳng hiểu tại sao mình lại bước vào
nghề đi hát này một cách bất chợt. Tôi không nghĩ là mình có thể trở
thành một người ca sĩ tại hải ngoại như hôm nay. Nhưng có lẽ theo tôi
biết, đó là cái duyên của một người nghệ sĩ đến với âm nhạc, thế thôi.
RFI : Hồi nãy anh có nói cuộc đời
không dễ dàng đối với anh, khi anh bước vào con đường ca hát không được
thuận chèo mát mái cho lắm. Điều này cũng khá ngạc nhiên khi một giọng
hát có nội lực như anh lại vất vả đến như vậy để có thể bước lên sân
khấu?
Thực sự ra trong cuộc đời, may mắn dành cho mỗi người không dễ
dàng, nhất là đối với Vũ Khanh. Vì khi bắt đầu đi hát, thường thường
những người ca sĩ có liên hệ gia đình, thí dụ như anh chị em, bạn bè là
nhạc sĩ, sẽ có cơ hội để dẫn dắt nhau bước vào nghề. Nhưng mình không có
cơ may tốt đẹp đó, nên tất cả mình bắt đầu từ abc hết.
Mình chỉ chọn con đường hát để vui chơi, không biết kỹ thuật
trong âm nhạc và mọi thứ khác. Nhạc gì cũng hát. Từ abc đó, tôi hát từ
một quán cà phê nho nhỏ, rồi hát tất cả những chương trình văn nghệ
trong trường, những dịp lễ, tết…Lúc đó người Việt Nam mới qua trong
khoảng năm 1977 gặp nhau thì rất mừng.
Tôi cho đó là một sự thử thách của nghề nghiệp. Bất cứ nghề
nghiệp nào cũng vậy. Nếu mình trả một cái giá, khi bắt đầu bước vào cho
đến khi hành nghề thực sự, phải trải nghiệm thì sau này mới có được
những kinh nghiệm của bản thân.
Chỉ có kinh nghiệm của chính bản thân thì mới có thể đối diện với
tất cả những khó khăn trong nghề nghiệp. Một người nghệ sĩ chuyên
nghiệp thì tôi nghĩ phải trải qua những khó khăn đó, chứ nếu không, mình
khó đạt được những đỉnh cao trong ngành này hoặc nói chung là bất cứ
ngành nghề nào cũng vậy thôi.
RFI : Thưa ca sĩ Vũ Khanh, có những
bài hát như Bài không tên số 4 rất nhiều người hát rồi nhưng nghe anh
trình bày nhạc phẩm này rất xúc động, có lẽ khi hát anh để hết tâm hồn
vào đó?
Một người nghệ sĩ khi bước lên sân khấu, một bản nhạc hay thì cảm
xúc sẽ khiến người ca sĩ đó đặt hết tâm hồn của mình. Sự rung động của
tâm hồn làm cho bản nhạc hay. Nếu khi hát đặt nặng vấn đề kỹ thuật quá
cũng không hay, mà phải có sự đáp ứng của rung động trong tâm hồn mình,
thì chắc chắn bản nhạc đó sẽ có tác dụng mạnh đối với thính giả.
Cám ơn Thụy My đã nhắc đến « Bài không tên số 4 », vì Vũ Khanh
cũng có một cuốn băng CD 10 bản nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành An. Tôi được
phần thưởng về CD này cũng rất cao. Nhạc của Vũ Thành An sống mãi với
thời gian. Trong giai đoạn gần đây, theo tôi được biết thì trong một số
anh em nghệ sĩ, ca sĩ ở Việt Nam cũng đã nở rộ dòng nhạc của Vũ Thành
An, như một trào lưu mới.
Rất là vui khi các anh em nghệ sĩ trẻ đã mang lại, làm sống trở
lại dòng nhạc trong thời gian gần đây. Đó là điều làm tôi rất phấn khởi,
và cũng bắt đầu quay trở lại những dòng nhạc của một thời gian
xưa…Những dòng nhạc của những nghệ sĩ thành danh thời xưa, như là một
định mệnh vậy đó. Nó cũng trôi nổi, có một thời gian không thấy được
nhắc nhở, thế rồi tự nhiên không hiểu phát xuất từ đâu, bắt đầu lại quay
về với Vũ Thành An, nhất là trong giai đoạn này…
RFI : Như anh đã nói, lần này hát ở
Paris anh sẽ trình bày những bài hát đã giúp làm nên tên tuổi của anh.
Trở lại Paris có lẽ vừa lạ vừa quen, nhất là trong không khí Tết, có
phải không anh ?
À đúng rồi. Khi trở về lần này mình trong tâm trạng hết sức mới.
Những lần mười mấy năm về trước, có lẽ so với bây giờ hy vọng Vũ Khanh
trưởng thành hơn, những bản nhạc được trau chuốt hơn, và vững niềm tin
hơn. Mình gặp được những khán giả cũ mới, đó là điều rất là phấn khởi
khi trở về một thành phố đã có nhiều kỷ niệm.
Bây giờ tôi cũng chưa được biết rõ hát ở đâu, nhưng chắc có lẽ ở
Paris, sau đó là Nice – một thành phố tôi chưa bao giờ xuất hiện, nên
lần này chắc có nhiều thú vị. Rồi lại quay trở về Paris lần nữa cho một
show tạm biệt.
Mười mấy năm trước tôi có hát ở Paris, quận 13 trong dịp Tết. Tôi
nhớ lúc đó còn được gặp ông quái kiệt Trần Văn Trạch tại quận 13 đó, kỷ
niệm rất khó quên. Không khí Tết tại Paris cũng là những hình ảnh, góc
độ mới, nhưng thời gian qua không biết đã thay đổi như thế nào. Chắc là
phải đẹp hơn, và người Việt Nam mình ở thành phố Paris này cũng bắt đầu
đông đảo hơn, không khí sẽ nhộn nhịp hơn nhiều.
RFI : Anh có những ước vọng gì trong cuộc sống, có thể chia sẻ với thính giả RFI được không?
Hôm nay rất hân hạnh được Thụy My của đài RFI phỏng vấn tôi. Có
lẽ trong đời sống, mỗi người chúng ta ai cũng có những ước mơ. Dù gì
chăng nữa, tôi cũng như hơn ba triệu người Việt tại hải ngoại cũng đều
ước mơ có được sự thanh bình, ước mơ cho quê hương dân tộc của mình được
tốt đẹp hơn.
Ở hải ngoại, chúng ta đã chấp nhận đây là quê hương thứ hai của
mình, đã xong phận của mình rồi. Nhưng luôn trong mơ, mình chỉ ước mong
rằng dân tộc có sự đổi thay tốt đẹp hơn, giấc mơ được thành tựu. Trong
đời sống tâm linh, tôi chỉ mong Thượng đế bớt cơn thịnh nộ lên dân tộc
chúng ta, để một ngày nào đó tốt đẹp hơn cho tương lai, cho thế hệ tiếp
nối của con cháu. Hy vọng rằng Thượng đế ban ơn cho dân tộc, đó là ước
vọng của Vũ Khanh và nói chung của cả trên ba triệu người Việt Nam ở hải
ngoại.
RFI : Xin chân thành cảm ơn ca sĩ Vũ Khanh đã dành cho RFI Việt ngữ buổi nói chuyện hôm nay.
Chúng tôi xin nhắc lại, danh ca Vũ Khanh sẽ từ Hoa Kỳ sang trình diễn
tại Paris vào ngày 28/02 tới và tại Nice ngày 01/03/2015. Trong Tạp chí
cộng đồng tuần tới, xin mời quý vị nghe Vũ Khanh chia sẻ về những cảm
nghĩ, những thăng trầm trong nghề nghiệp và cuộc sống. Thân chào quý vị
và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150204-tieng-hat-vu-khanh-tro-lai-voi-paris-sau-muoi-nam-vang-bong/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.