samedi 21 mars 2015

Điện Kremli tăng cường kiểm soát internet

Đăng ngày 06-02-2015

Sau khi nhìn nhận đã kiểm soát gắt gao internet trong năm 2014, điện Kremli một lần nữa lại tấn công vào thế giới mạng. Một loạt các đạo luật đã được thông qua nhằm siết chặt không gian mạng Nga, mà dưới mắt Kremli đã trở thành một công cụ chiến lược, đồng thời là mối đe dọa.

Là không gian tự do cuối cùng trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đều bị chính quyền khống chế, internet tại Nga năm ngoái đã phải chịu đựng « các hoạt động mạnh mẽ chưa từng thấy của chính quyền để khóa chặt, với các luật mang tính trấn áp ». Sarkis Davidian, người đứng đầu Hiệp hội cư dân mạng Nga, có tham gia soạn thảo bản báo cáo công bố hôm qua 05/02/2015, đã bày tỏ lo ngại như trên.

Trong năm 2014, chính quyền Nga đã 2.591 lần hạn chế người dân truy cập internet, tăng 141% so với năm trước. Báo cáo nhấn mạnh : « Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2015. Chúng ta đang sống trong năm bản lề của internet Nga, năm của mọi nguy hiểm ».


Trung tâm của những quan ngại là việc một đạo luật buộc các công ty internet Nga và ngoại quốc phải lưu trữ các dữ liệu về những người sử dụng tại Nga, bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo ông Davidian : « Đó là là trở ngại lớn nhất giữa các tập đoàn internet và chính quyền Nga. Nếu các tập đoàn này thua trận, Nga có nguy cơ trở thành một Trung Quốc mới », nơi không gian mạng bị kiểm duyệt ngặt nghèo.

Hồi tháng 12/2014, tập đoàn Mỹ Google đã quyết định chuyển tất cả các kỹ sư của mình ra khỏi nước Nga. Một nguồn tin nội bộ nói với AFP : « Chúng tôi phải cảnh giác ».

Đối với chuyên gia Alexei Makarkine, « đạo luật trên đây có thể cho thấy ý định của chính quyền tách rời internet Nga ra khỏi mạng toàn cầu ».

Ông Davidian phân tích : « Nếu năm 2014 mang ý nghĩa một sự thụt lùi về tự do đối với cư dân mạng, thì đó là do một đạo luật có hiệu lực thi hành từ tháng Hai, cho phép chỉ cần có lệnh của một kiểm sát viên là có thể phong tỏa các trang web. Viện Kiểm sát chủ yếu nhắm vào các nhà báo, blogger hay báo chí đối lập, nhưng đôi khi cả những người dân Nga bình thường ».

Vladimir H. nằm trong số những người dân bình thường này. Ông nói với AFP : « Bỗng dưng chỉ trong một sớm một chiều, trang web chuyên bán e-book của tôi đã bị chặn, vì địa chỉ IP trông giống như địa chỉ một trang web bị cấm. Trước đó, điện Kremli chỉ kiểm soát cuộc sống thực ngoài đời của chúng tôi, nay họ muốn siết cả cuộc sống ảo nữa ». Vladimir sau đó đã phải ra trước nhiều tòa án trước khi trang web của mình được giải tỏa.

Theo báo cáo, trong năm 2014 Roskomnadzor, cơ quan giám sát truyền thông Nga đã thực hiện 1.448 yêu cầu chặn các trang web do Viện Kiểm sát đưa ra, so với năm 2013 chỉ có 514 yêu cầu.

Alexei Makarkine ghi nhận : « Các lý do được đưa ra để phong tỏa một trang web không ngừng được mở rộng. Đôi khi thậm chí còn không được nêu ra để không bị xem xét lại, và trang web bị phong tỏa lâu hơn ». Ông Haritonov bực tức : « Có thể nói rằng Nhà nước ngày càng sáng tác ra những cách diễn dịch luật mới ».

Đăng lại trên Vkontakte, mạng tương đương với Facebook của Nga, thông tin về một cuộc biểu tình từ nay có thể bị phạt vạ, thậm chí bị bắt giam. Nữ sinh viên 21 tuổi Oxana Borissova, đã phải rút ra kinh nghiệm trên, sau khi bị tạm giữ vào cuối tháng Giêng. Luật sư của cô là bà Tatiana Myzguima nói với AFP : « Do Oxana đã giúp phổ biến tin trên, tòa án đã coi cô là một trong những người tổ chức biểu tình ».

Đối với dân biểu Vadim Denguine, người đứng đầu Ủy ban thông tin chính trị, đạo luật mới trên cho phép « tái lập toàn bộ trách nhiệm của công dân trên internet. Không gian mạng không thể là nơi ai muốn làm gì cũng được ». Ông giải thích : « Người ta có thể tức giận trước Tổng thống, nhưng phải là những góp ý mang tính xây dựng. Sắp tới chúng tôi sẽ có được internet với biên giới cụ thể, nhờ đó có thể kiểm soát được những gì có thể và không thể làm tại Nga ». 

Đã từng bực tức trước những cuộc biểu tình được tổ chức thông qua internet trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012, ông Vladimir Putin đã chọn lựa một trong những ưu tiên hàng đầu là kiểm soát không gian mạng, sau cuộc cách mạng Maidan tại Kiev đầu năm 2014 dẫn đến việc Tổng thống Ukraina thân Nga, Viktor Ianoukovitch bị lật đổ.

Chuyên gia Makarkine giải thích : « Theo cái nhìn của Kremli, phương Tây muốn lật đổ chính quyền Nga. Thế nên Kremli muốn khóa chặt internet, vốn bị cho là một trong những công cụ », trong lúc Matxcơva và phương Tây đang trong tình trạng đối đầu tệ hại nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên ông nhắc nhở : « Đừng quên rằng đa số người Nga ủng hộ việc kiểm duyệt internet. Cũng giống như Kremli, họ coi rằng internet vừa là nguồn lực vừa là mối đe dọa ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150206-dien-kremli-tang-cuong-kiem-soat-internet/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.