mercredi 1 mai 2013

Ngày 29 tháng Tư : Ánh sáng tắt lịm (2)


Một thủy quân lục chiến Mỹ ở văn phòng tùy viên quân sự trong chiến dịch Frequent Wind.
8 giờ 15, giờ Saigon. Ông Martin tập hợp các cộng sự viên chủ chốt, trong đó có Wolfgang Lehmann, Thomas Polgar, Alan Carter và đại tá George Jacobson, một trợ lý của đại sứ. Polgar có lẽ nghĩ rằng tất cả chưa phải là chấm hết về mặt chính trị. Ông nói với Snepp rằng việc dội bom phi trường là một “dấu hiệu quan trọng”, mang tính tích cực. Một số viên chức CIA cũng như Snepp đều nghĩ, trời ạ, “một dấu hiệu quan trọng như thế cũng có nghĩa như một viên đạn bắn vào đầu”.

Người ta xem xét chủ yếu là tình hình quân sự. Hôm qua, họ định di tản khoảng mười ngàn người trong hôm nay, với trên 50 chuyến C-130. Làm thế nào tiến hành được ? Pháo binh Bắc Việt đã bắn vào sân bay ít hơn, nên có thể tái lập các chuyến bay. Các viên chức Mỹ phát hiện có những chuyến phà gắn máy thả neo ở Cảng Saigon, nhất là tại Tân Cảng. Từ Tân Sơn Nhứt, tướng Homer Smith cho biết nay thì các đường băng không còn sử dụng được cho các máy bay cánh quạt hay phản lực. Ông tung vào Saigon các đoàn xe buýt và phi đội trực thăng để đưa đến phi trường những người Mỹ và người Việt tập hợp tại nhiều điểm.

Martin không chấp nhận những giải thích từ tùy viên quân sự của ông. Các quân nhân chuyên nghiệp này luôn bi quan. Dù sao đi nữa, đây đâu phải là lần đầu phải hạ cánh hay cất cánh dưới những lằn đạn moọc-chê hay đại bác. Đại sứ quyết định đi kiểm tra lại phi đạo. Ông đòi CIA cung cấp một máy bay trực thăng, nhưng không có chiếc nào sẵn sàng cả.


Vào giờ này, tất cả các phi cơ của Air America đang bận vận chuyển các nhân viên CIA từ Cần Thơ ra các chiến hạm ở ngoài khơi. Tại Tân Sơn Nhứt, các phi cơ trực thăng không tham gia cuộc di tản trong thành phố đã bị trúng đạn của quân Bắc Việt. Polgar thú nhận:
- Chúng ta hiện không có chiếc máy bay nào, thưa ông đại sứ.
Ông Martin ném vào ông ta một cái nhìn lạnh giá:
- Tôi sẽ ra phi trường bằng đường bộ. Điều này cho phép tôi cảm nhận được không khí trong thành phố. Hãy gọi tài xế mang xe đến cho tôi.
Đại tá Jacobson xen vào:
-         Thưa ông đại sứ, nguy hiểm lắm. Theo một số tin tức, thì đã có các đơn vị Việt Cộng trà trộn vào thành phố.

Chiếc Chevrolet đen lắp kính chống đạn của ông Martin đã sẵn sàng. Ngay cả những người không ưa ông, cho ông là người chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của cuộc di tản, cũng tự nhủ: ông già này gân thật!

Chiếc xe Chevrolet chạy không cắm cờ, được hộ tống bởi hai xe chất đầy thủy quân lục chiến vũ khí lăm lăm trên tay. Đoàn xe dừng lại ở vòng ngoài Tân Sơn Nhứt. Đại sứ Hoa Kỳ mà phải chờ đợi! Các sĩ quan và hạ sĩ quan Nam Việt vội vã xin chỉ thị qua bộ đàm.

Đoàn xe đi qua.

Trong một tòa nhà, một bộ phận bộ tham mưu không quân Nam Việt họp với người chỉ huy là tướng Trần Văn Minh. Khoảng ba mươi sĩ quan trong số này đã đến chỗ tướng Homer Smith, súng lục cầm tay, đòi phải được di tản. Trung tá Richard Mitchell, phó tùy viên quân sự của không quân đã khiến họ hạ vũ khí một cách không mấy khó khăn. Mitchell đã giúp di tản gia đình họ từ nhiều tuần trước.

Tại Honolulu, đô đốc Gayler sốt ruột gọi điện cho Washington. Thế nào, có gởi đi các phi cơ tiêm kích hộ tống hay không? Tướng Browne, chủ tịch Ủy ban các tham mưu trưởng liên quân trả lời:
         - Không…

9 giờ 30, giờ Saigon. Một nhóm sĩ quan, trong đó có đại tá William Le Gro và đại tá Lê Văn Hưởng, thủ lãnh cơ quan tình báo Nam Việt tổng kết tình hình cho ông Martin. Phi trường ngổn ngang xác máy bay và xe tải. Vài nhóm lính VNCH gây lộn xộn. Ông Martin nói với đại tá Hưởng:
         - Ông hãy gọi cho Bộ Tổng tham mưu. Phải có những biện pháp cần thiết để tái lập trật tự!

Tại Bộ Tổng tham mưu Nam Việt, không có ai trả lời cả. Eric Von Marbod xuất hiện trong bộ đồ bay, súng liên thanh trên tay – một bộ trang phục không lấy gì làm bình thường đối với một trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Martin hỏi:
-         Eric, anh có bạn bè ở Bộ tư lệnh Không đoàn 7 tại Thái Lan, anh có thể xin một chiếc máy bay cho bà nhà tôi không?
Von Marbod giận dữ:
-         Đừng nói chuyện máy bay mất công. Hơn nữa nếu hạ cánh lúc này, tất cả những người Việt ở phi trường sẽ cùng ùa lên.

Martin ghé vào văn phòng của tướng Smith. Dùng điện thoại đặc biệt được gây nhiễu, ông gọi cho Nhà Trắng, nói chuyện với Henry Kissinger và Brent Scowcroft. Ông quay lại:
-         Washington đã đồng ý. Nếu chúng ta muốn lập lại trật tự ở phi trường và giải tỏa được các phi đạo, thì cứ tiếp tục di tản bằng máy bay. Còn nếu không thể thì đành vậy. Homer à, giờ đây cần phải biết rằng tất cả mọi người, từ Lầu Năm Góc, Schlesinger, các tham mưu trưởng và Bộ chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương sẽ yêu cầu chúng ta nhanh chóng đưa những người Mỹ ra đi, để người Việt ở lại. Chúng ta có hàng ngàn người Việt có nguy cơ cao, cần phải đưa họ đi càng sớm càng tốt.

Trong thành phố, chiến dịch bốc đi bằng trực thăng tại nhiều địa điểm tập hợp người ở Saigon không được suông sẻ. Các trực thăng không phải tất cả đều sẵn sàng. Bốn chiếc đã bị lính dù Nam Việt chiếm lĩnh, mười sáu chiếc làm nhiệm vụ con thoi gặp trở ngại vì khu vực hạ cánh bị bom làm hư hỏng. Các chuyến xe buýt cũng gặp vấn đề. Một số chiếc không có tài xế, phải nằm bất động trong ga-ra của tòa đại sứ. Những chiếc khác tiến rất chậm trên đường phố, tìm những điểm tập trung người di tản.

Trên phi trường rộng mênh mông, cảnh sát và quân nhân VNCH nhìn theo vũ điệu ba-lê của những chiếc trực thăng và xe buýt bằng ánh mắt tò mò hơn là bực tức. Một bộ phận quân nhân sẵn sàng bảo vệ sân bay.

Hạ sĩ Lê Văn Thương (?), hai mươi bốn tuổi, nước da cháy nắng, sửa chữa các máy truyền tin từ ba năm qua, không hề rời phi trường từ ngày 1 tháng Tư. Các sĩ quan bảo rằng anh sẽ tham gia chiến đấu. Người ta giao cho anh một khẩu súng 45 ly, rồi sau đó một súng trường M16, và cuối cùng là vũ khí chống tăng M72. Những sĩ quan giải thích với lính là hai vòng rào lính Dù bao bọc xung quanh phi trường. Hạ sĩ Thương đang trong phiên gác.

Tại đại sứ quán Mỹ, các nhà ngoại giao và các nhân viên đốt các tài liệu sau khi đã cho vào máy nghiền giấy, phá hủy các máy đánh chữ, máy thu thanh, máy thu và phát sóng. CIA có các hồ sơ gởi tạm ở văn phòng của Snepp, trong phòng kiểm tra sóng truyền tin, và trong một căn nhà tiền chế ở bên ngoài. Không ai nghĩ đến bản sao của các hồ sơ này tại các cơ sở của cơ quan tình báo Nam Việt và Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia.

Snepp tiếp tục lục lọi các tin tức gởi đến và cố gắng tổng hợp lại. Một điều hiển nhiên là cộng sản có ý định chiếm lấy Saigon, và chiếm một cách nhanh chóng. Trong sân tòa đại sứ, những người Việt lang thang xung quanh hồ bơi, tập hợp lại thành nhóm. Trong số này có những nhân vật tên tuổi, nhưng cũng có các gia nhân và gia đình họ, các tài xế, đầu bếp, người giúp việc nhà, người giữ trẻ.

Ông Martin đã ra lệnh cho các trưởng bộ phận đến tòa đại sứ. Alain Carter không muốn, hoặc không dám quay lại Sở Thông tin Hoa Kỳ. Tại đó, những nhân viên người Việt của ông đang đợi bản danh sách di tản không bao giờ đến tay họ. Giờ thì những người Việt này không còn đủ thì giờ đi bộ đến bến tàu, nơi một số chuyến phà nhổ neo mà còn trống một số chỗ. Một bầu không khí kỳ lạ của tự do quá trớn, mất trật tự, bất lực và hèn nhát ngự trị. Đó là không khí hoảng loạn mà vị đại sứ từ nhiều tuần qua đã lo ngại.

Martin có thể gọi điện thoại trực tiếp cho người đồng nhiệm Pháp, hay vượt qua bức tường ngăn cách hai tòa đại sứ Pháp và Mỹ. Ông Martin gặp đại sứ Pháp Mérillon, ông này bàn bạc với Big Minh. Liệu ông Mérillon có mang lại được tin vui nào? Đại sứ Mérillon nói:
-         Chẳng có gì mới cả. Ông Minh thăm dò chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam, nhưng chưa được trả lời.

Ông Martin hỏi ông Mérillon nếu bản thân ông – đại sứ Hoa Kỳ - có thể gặp gỡ những người phía bên kia hay không.
-         Để tôi xem.

Martin tặng - hay cẩn thận gởi cho ông Mérillon, họ không hiểu nhau lắm - một vật bằng sứ Trung Hoa hình ngôi miếu nhỏ.  

10 giờ 10, giờ Saigon. Đồng đô la tăng giá từ 4.500 đồng bạc lên 5.000 đồng bạc trong vòng hai tiếng đồng hồ. Người dân thủ đô Miền Nam lại được nghe Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cũng như Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ rút đi. Sự hiện diện của đại sứ Hoa Kỳ tại phi trường đã được nhận ra. Người ta tin rằng ông ra đi. Đám đông vây quanh tòa đại sứ Mỹ ngày càng đông đảo thêm.

10 giờ 40. Từ sân bay, Homer Smith gọi điện thoại cho đô đốc Gayler ở Honolulu:
         - Các phi đạo không còn có thể sử dụng cho máy bay được nữa.
Gayler trả lời:
-         Điều này thì tôi đã đoán trước từ lâu. Tôi sẽ gọi cho các tham mưu trưởng ở Lầu Năm Góc để nói với họ rằng phải chuyển sang Phương án IV.

Phương án IV, đó là di tản bằng trực thăng.
Một cuộc tranh luận sôi nổi, phi lý và lịch thiệp qua điện thoại diễn ra tại Saigon, xuyên qua Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Vì lịch sự, tướng Homer Smith cho Martin biết là ông khuyến cáo chuyển sang Phương án IV. Nay thì đại sứ tin rằng việc này không thể tránh khỏi, vì tình trạng hỗn độn ngăn trở việc ra đi có trật tự.

Ông Martin khẳng định:
-         Không phải các tham mưu trưởng đưa ra quyết định về việc sử dụng phương án nào.

10 giờ 48, giờ Saigon, tức 22 giờ 48, giờ Washington. Martin gọi cho Kissinger:
         -Tôi nghĩ rằng cần phải chuyển sang Phương án IV.

10 giờ 51, giờ Saigon tức 22 giờ 51, giờ Washington. Lệnh được Kissinger đưa ra: “Thực hiện kế hoạch Frequent Wind vào 11 giờ 51”.

Trên chiến hạm Blue Ridge đang đậu ở ngoài khơi Việt Nam, đô đốc Donald Whitmire, tổng tư lệnh các lực lượng đặc nhiệm 76 cũng vấp phải nhiều vấn đề. Có tất cả 85 chiếc trực thăng. Cần phải tiến hành các cuộc kiểm tra thường lệ, và vì chúng không ở trên cùng một chiến hạm, nên phải đưa thủy quân lục chiến lên trực thăng, hoặc mang trực thăng sang cho các thủy quân lục chiến. Phải phối hợp giờ cất cánh của các trực thăng và các phi cơ tiêm kích hộ tống từ Thái Lan.

Khi ra lệnh chuyển sang Phương án IV vào lúc 11 giờ 51, Ngoại trưởng Mỹ nghĩ về giờ Saigon. Các chỉ huy quân sự khác nhau, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Whitmire, Không lực ở Thái Lan, tùy viên quân sự tại Tân Sơn Nhứt, tòa đại sứ Mỹ ở Saigon tự hỏi đó là giờ ở đâu: Washington, giờ quốc tế Greenwich hay Saigon? Các câu hỏi, mệnh lệnh rồi các lệnh trái ngược liên tục tuôn ra qua các máy điện thoại, máy fax, hệ thống truyền tin.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.