Người dân biểu tình chống
dự án nhà máy lọc dầu ở Côn Minh, Vân Nam ngày 04/05/2013.
|
Sẽ bị
trừng phạt nghiêm khắc!
Một năm rưỡi sau sự kiện Ô Khảm gây
chấn động, vào trung tuần tháng 5/2013, Bộ Tài nguyên Đất đai Trung Quốc đã ban hành một
thông tư khẩn kêu gọi chấm dứt các vụ cưỡng chế tịch thu đất bất hợp pháp.
Thông tin trên được loan tải chính
thức bởi Nhân dân nhật báo - một kênh phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thông tư của Bộ Tài
nguyên Đất đai được xem là lời đáp cho hiện tượng dùng bạo lực để trưng thu đất
của dân đang ngày càng tăng cao.
Bộ Tài nguyên Đất đai kêu gọi các
chính quyền địa phương xem xét lại và tiêu chuẩn hóa thủ tục trưng thu đất.
Theo đó “Các hành động dùng vũ lực để tịch
thu đất đai bất hợp pháp sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”.
Theo bình luận của Đài RFI, ở Trung Quốc tràn ngập những câu
chuyện về việc các chính quyền địa phương hay các công ty xây dựng cưỡng bức
người dân phải lìa bỏ nhà cửa của họ, mà thường không được bồi thường tương xứng,
để thực hiện các dự án phát triển đô thị béo bở.
Các vụ cưỡng chế và tịch thu đất đã
gây ra hàng chục ngàn vụ biểu tình và xung đột trong những năm gần đây. Khoảng
90.000 vụ “sự cố tập thể” - mỹ từ được sử dụng để chỉ các vụ nổi dậy - được ghi
nhận hàng năm tại Trung Quốc,
trong đó đến hai phần ba số vụ có liên quan đến việc trưng thu đất - một tỷ lệ
gần tương tự ở xã hội Việt Nam.
Bạo
lực là thủ đoạn sau cùng
Trong sâu thẳm và tận cùng, xã hội Trung Quốc luôn tiềm ẩn những
nghịch lý kinh khủng.
Trong khi tổng khối lượng kinh tế của
Trung Quốc nhìn
lên chỉ xếp sau Mỹ, thì vẫn còn quá nhiều nông dân phải cắm mặt xuống đất.
Cánh cổng khép kín của quốc gia này
đã khiến cho nhiều vụ việc trở nên câm lặng. Như một sự toa rập với định
hướng chỉ đạo, một phần trong hệ thống truyền thông đại chúng vẫn ca ngợi sự thịnh
vượng của đất nước, thay cho chuyện mổ xẻ cái nghịch lý “dân nghèo nước giàu”.
Nhưng dù thế nào đi nữa, hàng trăm
ngàn cuộc khiếu kiện và biểu tình của người dân xảy ra hàng năm cũng đã cho thấy
một sự thật không giống như lề thói tuyên truyền. Chiếm đa số trong khối phản ứng
đó lại là thành phần nông dân. Và lý do chính cho đại đa số vụ khiếu kiện xuất
phát từ vấn đề đất đai.
Một trong những vụ khiếu kiện điển
hình dẫn đến xung đột là sự kiện làng Ô Khảm ở Quảng Đông vào năm 2011. Tại
đây, mối quan hệ giữa dân chúng và chính quyền địa phương đã trở nên đối đầu,
thay cho trạng thái bức xúc về tư tưởng.
Chỉ đến khi chính quyền trung ương
buộc phải tỏ ra hòa dịu hơn đối với yêu sách của người dân Ô Khảm, chấp
nhận thả những người bị bắt, thậm chí một trong số họ còn được “cơ cấu” thành
bí thứ đảng ủy Ô Khảm, cuộc tuần hành dự kiến của 13.000 dân làng lên Bắc Kinh
mới tự động chấm dứt.
Trong khi đó, những nhân chứng tại
nhiều địa phương cho biết những người bị chiếm đất cảm thấy tương lai hoàn toàn
vô định. Chính quyền đã “trưng thu” đất của dân một cách ngang nhiên, không bồi
thường mà cũng không quan tâm đến số phận của các nông dân bị mất đất cày.
Bế tắc đã lên đến đỉnh điểm, kết tụ
thành những hành vi tự phát và cả vô thức.
Sau khi vụ việc Ô Khảm xảy ra, ngay
cả Nhân dân nhật báo, một tờ báo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng phải bày tỏ ý
kiến phê phán thái độ của chính quyền tỉnh Quảng Đông trong việc không “đáp ứng
các đòi hỏi có lý của dân làng” và do vậy đã làm cho “bạo lực leo thang”.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Bạo lực là thủ đoạn sau cùng của kẻ
không có năng lực”. Sự thừa nhận của tờ Nhân dân nhật
báo cũng gián tiếp xác nhận thực tế cầm quyền gần như bất lực của
chính quyền.
Chính
phủ Việt Nam?
Chỉ hai ngày sau khi thông tư về “chấm dứt các vụ cưỡng chế tịch thu đất bất
hợp pháp” của Bộ Tài nguyên Đất đai Trung Quốc ra đời, ngày 17/5/2013, Chính phủ Việt
Nam có văn bản về hoàn thiện 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong
đó, rất đáng chú ý là đề xuất “Việc thu hồi
đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an
ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp
Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển
kinh tế xã hội”.
Đề xuất trên được nêu ra trong bối cảnh
việc giải quyết khiếu tố đất đai đang hết sức nóng bỏng ở Việt Nam, với khoảng
80% đơn thư khiếu tố thuộc về lĩnh vực đất đai và hơn 70% trong số đơn thư đó
nhằm tố cáo rất nhiều sai phạm của các chính quyền địa phương về công tác bồi
thường, cưỡng chế giải tỏa, tái định cư…
Nhiều vụ khiếu kiện đất đai đã bị
quy chụp cho cái mũ “tụ tập mang màu sắc chính
trị” và đã bị đàn áp nặng nề.
Vào tháng 4/2013, Tổng thanh tra
chính phủ Huỳnh Phong Tranh còn đòi “cưỡng
chế những vụ khiếu kiện đông người có màu sắc chính trị”
- một tuyên bố hoàn toàn trái ngược với chủ thuyết phủ dụ “thanh tra là bạn của dân” vào thời điểm ông Tranh vừa nhậm chức.
Nhưng với việc Chính phủ Việt Nam
chính thức nêu ra đề xuất đáng quan tâm trên, cuộc tranh cãi trước đó về “nhóm
lợi ích nào” sẽ có hy vọng được cải thiện theo hướng phục chế cho “gương mặt mới”..
Sau đề xuất “quyền phúc quyết thuộc về nhân dân” cũng xuất phát từ Chính phủ, đề
nghị về “các dự án phát triển kinh tế xã hội” trên là động thái đáng lưu tâm thứ
hai của cơ quan này.
Cần nhắc lại, một tuần trước khi Bộ
Tài nguyên Đất đai Trung Quốc
ban hành thông tư về chấm dứt cưỡng chế
đất đai, Ủy ban kỷ luật kiểm tra trung ương của Trung Quốc - cơ quan được coi
là đầy quyền lực của đảng - đã phát đi một tuyên bố phê phán việc chính quyền địa
phương bắt bớ những người khiếu kiện. Ủy ban này còn yêu cầu chính quyền địa
phương phải nghênh tiếp những người tố cáo tham nhũng.
Theo tờ China Daily, tuyên bố của Ủy
ban kỷ luật kiểm tra trung ương là hoàn toàn trái ngược với một thực tế
phổ biến tại Trung Quốc
lâu nay. Đó là việc những người khiếu kiện nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực
thường bị bắt bớ và bị giam giữ mà không thông qua bất cứ một trình tự pháp lý
nào. Tờ báo trên cũng dẫn ra một số trường hợp người đi khiếu kiện bị bắt giữ mới
đây tại các tỉnh, hoặc khi tới Bắc Kinh để nộp đơn tố cáo.
Thông thường họ bị đưa vào giam giữ
tại các “trại cải tạo giáo dục” hay “trại lao giáo”, sau khi có quyết định của
công an, với thời gian bị giam cầm tối đa là 4 năm.
Được lập ra từ năm 1957, các trại
lao giáo còn được sử dụng để bắt giam các nhà đối lập và những người bất đồng
chính kiến.
Nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, một số
thông tin từ chính quyền Trung Quốc cho biết hệ thống trại lao giáo
trên đất nước này có thể bị hủy bỏ vào cuối năm nay.
Truy
cầu công bằng
Trong khi đó, vấn nạn cưỡng chế và
lao giáo đối với người khiếu tố ở Việt Nam vẫn chưa phát lộ manh mối khả quan
nào. Trong những ngày qua, một số địa phương vẫn hành xử theo cách mà người dân
bị chiếm đất gọi là “luật rừng”.
Chính trị không phải tự thân vận động,
cũng như các nhóm đòi quyền dân chủ ở Trung Quốc và có lẽ cả với Việt Nam sẽ khó có thể đạt
được nguyện vọng của họ chỉ đơn thuần bằng những khẩu hiệu có vẻ như hơi trừu
tượng và ít liên hệ đến đời sống hàng ngày của tầng lớp bình dân.
Nhưng nếu chính trị bị tác động bởi
nguyên cớ xác đáng là những bức xúc, bất mãn xã hội thì tự thân chính trị có thể
bị thay đổi.
Người Trung Quốc lại có một triết lý:
“Trong cái thế giới
không công bằng này, cái chúng ta cần làm không phải là sự truy cầu sự công
bằng, mà là trong sự không công bằng đó giành được thắng lợi”.
Chưa có được một Ô Khảm như ở Trung Quốc, nhưng Việt Nam chí
ít đã khởi sự được dấu ấn ban đầu về hình tượng “Người nông dân nổi dậy” Đoàn
Văn Vươn.
Mười lăm năm sau “cuộc cách mạng”
Thái Bình, một lần nữa cơn bão khiếu tố đất đai của nông dân đang trở nên một
phản ứng xã hội ngày càng ghê gớm và có thể đe dọa đến “sự tồn vong của chế độ”
- như điều mà người phụ trách cao nhất của Đảng vẫn lo ngại.
Nếu không thể nhận thức và cảm thông
với “những cuộc tụ tập có màu sắc chính trị” của tầng lớp nông dân khiếu tố đất
đai, nhà cầm quyền sẽ nhanh chóng rơi vào nguy cơ “không có năng lực” và chế độ
cũng rất có thể bị đẩy vào tình trạng mất kiểm soát trong không khí đầy bạo lực.
bài viết rất hay , cần được phổ biến sâu rộng
RépondreSupprimer