mardi 14 mai 2013

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai: Không chiếm đất, mà tạo việc làm cho Lào và Cam Bốt

Bài đăng : Thứ ba 14 Tháng Năm 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 14 Tháng Năm 2013 
Ngày 13/05/2013 tổ chức bảo vệ nhân quyền Global Witness có trụ sở tại Luân Đôn đã tố cáo hai công ty Việt Nam chiếm đất của dân tại Lào và Cam Bốt để trồng cao su. Theo đó, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG) đã thông qua các chi nhánh có liên quan với những người thân cận của chính quyền Lào và Cam Bốt nổi tiếng là tham nhũng, để trục xuất người dân.

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ qua điện thoại, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã cực lực phản đối các cáo buộc của tổ chức Global Witness.



Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
14/05/2013
RFI: Kính chào ông Đoàn Nguyên Đức. Thưa ông, ông nghĩ sao về các cáo buộc của Global Witness ?

Ông Đoàn Nguyên Đức: Tổ chức đó cáo buộc tôi và Tập đoàn Cao su Việt Nam qua Campuchia làm cao su, ảnh hưởng tới môi trường và dân chúng, là một cáo buộc hoàn toàn vô lý. Thứ nhất là đầu tư vào Campuchia và Lào, thì hàng ngàn công ty đầu tư, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v…và có Việt Nam, chứ không phải chỉ có Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Cao su Việt Nam. Như vậy là đúng theo luật đầu tư nước ngoài của Campuchia kêu gọi đầu tư.

Và chính phủ Campuchia họ đang khuyến khích nhiều doanh nghiệp trên thế giới chứ không phải riêng Việt Nam, mục đích chính là để giải quyết việc làm cho người dân địa phương có thu nhập tốt hơn và cải thiện đời sống. Bằng chứng là những dự án chúng tôi đầu tư ở đó đã giải quyết được việc làm cho hàng mười ngàn người có thu nhập ổn định, và chúng tôi xây dựng được nhiều căn nhà cho những người không có nhà ở, kéo đường điện vào trường học v.v…Như vậy thì đó là yếu tố môi trường tốt. Nhưng họ nói rằng khi đầu tư vào môi trường không tốt làm cho người dân khó khăn hơn là một điều vô lý. Nếu mà bất cứ đầu tư nào làm cho người dân khó hơn thì chắc chắn chính phủ nước sở tại không bao giờ cho đầu tư.

Cáo buộc này là hoàn toàn vô lý, và chỉ có một chiều. Chính tổ chức này đã bị chính phủ Campuchia cấm không cho nhập cảnh nữa kia mà. Họ có qua Campuchia bao giờ đâu mà họ biết ? Họ nghe một chiều, và Hoàng Anh Gia Lai cũng đã gởi thư mời họ qua, cùng công ty đi đến hiện trường, để họ chỉ ra những bằng chứng nào là xác thực nhất, nhưng họ không dám qua. Tại sao họ không dám qua ? Tại họ bịa đặt ra thôi. Tại sao họ làm vậy ? Thì tôi suy nghĩ một điều: họ đang PR cho tổ chức họ, với mục đích cuối cùng là kiếm tài trợ thôi.

Một lần nữa tôi khẳng định Hoàng Anh Gia Lai làm cực tốt về môi trường, không ảnh hưởng gì đến môi trường hết. Và sẵn sàng mời báo chí thế giới và trong nước đến hiện trường đang thực hiện chương trình đó, để xem thử tốt hay không tốt là chúng ta biết ngay. Chứ không thể nói một chiều và nói một cách vô căn cứ được. Nếu chúng tôi làm sai thì chắc chắn là chính phủ không cho làm, mà những việc chúng tôi làm hàng ngày được chính phủ giám sát, được các Bộ Nông Lâm, Bộ Tài nguyên Môi trường giám sát hàng ngày, chứ không phải làm tự do được.

RFI: Ông có thể cho biết cụ thể về các dự án của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại hai nước này không?

Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng cao su từ năm 2008 chứ không phải mới đây. Đầu tư tại Việt Nam trước tiên, rồi tới Lào và Campuchia. Ở Campuchia thực chất mới đầu tư từ 2010 tới giờ, đến nay Hoàng Anh Gia Lai mới trồng được khoảng gần 10.000 hecta thôi. So với Campuchia, Việt Nam còn ít hơn.

Nói nôm na, chúng tôi đầu tư thì cũng giống hệt như tất cả các doanh nghiệp khác. Đầu tư cao su thì cũng dùng dân vô đào lỗ cuốc hố rồi bỏ phân bón v.v…cái quy trình đều giống nhau hết. Tôi cho rằng việc đó không có gì đặc biệt, chỉ có một điều là tổ chức này xuất hiện, họ cáo buộc thôi. Đó là cái đặc biệt nhất và hơi ngạc nhiên nhất.

RFI: Báo cáo cho biết Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ tổng cộng 46.752 hecta đất trồng cao su tại Cam Bốt và Lào, có đúng như vậy không thưa ông ?

Không phải, họ nói như vậy là sai. Ở bên Campuchia hiện tại có rất nhiều công ty lấy tên có chữ Hoàng Anh, thí dụ Hoàng Anh Lâm Phát, Hoàng Anh Đông Miên hay là Hoàng Anh gì đó, Hoàng Anh Mang Yang chẳng hạn. Nhưng mà những công ty này như Hoàng Anh Mang Yang hay Hoàng Anh Lâm Phát không phải của Hoàng Anh Gia Lai. Có thể cái tên Hoàng Anh là một cái tên hay, nổi tiếng thì họ thích lấy tên đó thôi.

RFI: Tức là những công ty đó không trực thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ? 

Không. Tức là có nhưng không phải có (trực thuộc) hết. Những công ty tôi kể như công ty Lâm Phát không có, công ty Hoàng Anh Mang Yang không có. Họ cáo buộc tôi hàng loạt công ty, nhưng mà những công ty đó đâu phải công ty của tôi! Họ không hiểu, và họ không tìm hiểu. Đúng ra thì muốn hiểu cái này rất đơn giản. Nếu tìm hiểu thì họ lên Bộ Kế hoạch Đầu tư của Lào hay Campuchia, Việt Nam thì tìm ra ngay. Họ không chịu tìm hiểu, nhưng mà họ lại cáo buộc.

RFI: Bên cạnh đó Global Witness còn cáo buộc Deutsche Bank và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tài trợ cho các hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai và Tổng công ty Cao su Việt Nam tại hai nước này, vi phạm cam kết về xã hội và môi trường ?

Không bao giờ có Công ty Tài chính Quốc tế nào, cũng không có ngân hàng Deutsch Bank đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai. Tôi là chủ tịch công ty, tôi xin trả lời là không có tổ chức tài chính thế giới nào đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai cả và tôi khẳng định luôn, đó là bịa đặt.

RFI: Như vậy theo ông là những đầu tư của ông vào việc trồng cao su ở Cam Bốt và Lào là phù hợp với môi trường và tạo việc làm cho người dân ?

Hiện tại cao su - ở Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á - nhiều nhất trên thế giới là Thái Lan, sau đến Indonesia, Mã Lai và thứ tư mới đến Việt Nam. Và riêng ngành cao su là ngành tạo ra công ăn việc làm cho người dân lao động nhiều nhất, hơn tất cả các ngành khác. Vì đặc thù của ngành cao su là dùng lao động thủ công nhiều hơn là cơ giới, cho nên ngành này được chính phủ Lào và Campuchia rất quan tâm.

Họ đã kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước không đủ điều kiện đầu tư. Mục đích chính của họ là đầu tư để tạo công ăn việc làm cho dân địa phương họ, phát triển kinh tế xã hội và hạ tầng khu vực đó tốt hơn. Mà bằng chứng là chúng tôi đang làm cho tốt hơn, được chính phủ hai nước và các chính quyền sở tại công nhận. Nếu có điều kiện kiểm chứng điều này qua chính phủ hai nước thì họ sẽ trả lời chính xác.

Hiện tại Hoàng Anh Gia Lai đang giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 con người tại Lào, và tương tự tại Campuchia cũng gần 10.000 người. Như vậy thì Hoàng Anh Gia Lai bỏ tiền ra để tạo công ăn việc làm cho họ, nuôi sống họ hàng ngày. Nếu không có thì họ sống bằng cách săn bắn, hái lượm, sống nhờ vào rừng rú. Như vậy cái nào tốt hơn? Thì chúng tôi nghĩ là ai cũng biết điều đó.

Và cao su cũng là cây rừng, mà phá rừng nghèo tức là rừng không còn cây mọc nữa để trồng cao su lên thành rừng. Như vậy thì môi trường sẽ tốt hơn chứ tại sao lại nói xấu hơn ? Tôi muốn chứng minh hai điều, môi trường xã hội tức là người lao động có việc làm tốt hơn và môi trường tự nhiên cũng tốt hơn, chứ không thể nói là trồng cao su mà ảnh hưởng được.

RFI: Cũng theo báo cáo thì Hoàng Anh Gia Lai và Tổng công ty Cao su Việt Nam đã ký hợp đồng với một ông trùm ở Cam Bốt để chặt gỗ từ khu vực được nhượng quyền của mình, điều đó đúng hay sai ?

Cái đó không thể đúng được! Thứ nhất là Hoàng Anh Gia Lai không có quyền chặt gỗ. Gỗ đó là gỗ của chính phủ, chặt hay không là do chính phủ quyết định, và chính phủ ký hợp đồng chặt, chứ Hoàng Anh Gia Lai không có quyền chặt gỗ đó.

Cái quy trình nó như thế này. Gỗ trên đất đó là chính phủ ký hợp đồng với một đơn vị nào đó do chính phủ chọn, khai thác toàn bộ số gỗ đó, và chính phủ sẽ đấu giá bán số gỗ này đi, rồi Hoàng Anh Gia Lai mới hợp đồng thuê lại đất đó để trồng cao su. Như vậy thì Hoàng Anh Gia Lai không liên quan tới quá trình chặt gỗ, và cũng không lấy một lóng gỗ nào từ miếng đất đó. Toàn bộ số gỗ này chính phủ lấy và bán đấu giá cho nhiều đơn vị khác nhau mua.

Còn họ nói Hoàng Anh Gia Lai lấy gỗ thì càng nói bậy, vu khống nữa. Hoàng Anh Gia Lai không lấy mét gỗ nào. Bằng chứng về điều đó rất đơn giản: kiểm tra ngay chính quyền địa phương xem chúng tôi có lấy hay không thì họ trả lời ngay, chứ không thể nói không không được. Đó là lý do tại sao tổ chức này chúng tôi mời qua nhiều lần mà không dám qua.

RFI: Ông nói nếu ông làm sai thì tại sao chính quyền không kiểm tra, nhưng theo Global Witness thì chính quyền địa phương tham nhũng?

Rõ ràng những gì họ nói là vu khống, tham nhũng thì bằng chứng đâu ? Lẽ nào cả chính phủ đều tham nhũng hết à? Một điều cực kỳ phi lý! Mà cũng không thể nói người ta một cách vô tội vạ là tham nhũng được. Cả thế giới đầu tư vào – tôi đã nói có hàng ngàn công ty của thế giới đầu tư vào Campuchia chứ không phải một mình tôi. Như vậy tất cả hàng ngàn công ty kia đều tham nhũng à? Cực kỳ vô lý! Họ nói một cách đơn phương, một chiều, không có bằng chứng nào, thì có thuyết phục không?

RFI: Như vậy sắp tới Hoàng Anh Gia Lai vẫn tiếp tục đầu tư vào trồng cao su tại hai nước này?

Đó là chuyện đương nhiên! Tại vì cao su thì chúng tôi đã trồng rồi, đã đầu tư vào hàng trăm triệu đô la thì không thể bỏ được. Và nếu tôi bỏ vườn cao su đó, vừa đồng nghĩa với mất của cải của tôi và mất việc làm của dân, cái đó càng tồi tệ hơn. Hơn nữa không ai cấm chúng tôi hết, chỉ có chính phủ hai nước đó thôi. Mà hiện tại chúng tôi làm rất đúng theo luật pháp hai nước đó, thì không lý do gì mà tôi bị cấm.

Đầu tư nhiều nhất là tại Lào. Ở Lào chúng tôi có tới 30.000 hecta, ở Việt Nam có khoảng 10.000 hecta, ở Campuchia khoảng 8.000 hecta đã trồng rồi. Nếu tính ở Việt Nam, Lào thì tôi tạo việc làm cho khoảng 30.000 người. Campuchia thì tôi mới qua, sự thay đổi chưa rõ ràng nên xin lấy ví dụ ở Lào.

Lào thì tôi qua năm 2008. Nơi đó là nơi rừng không có cây mọc, người không sống được, không có làng mạc hay làng mạc rất thưa thớt, dân thì rất đói khổ, và tỉnh đó là tỉnh nghèo nhất nước Lào.

Khi tôi vào đầu tư, sau bốn năm là tôi xây 2.000 cái nhà cho người dân lao động ở, làm một bệnh viện 200 giường, xây nhiều trường học và kéo hàng trăm kilomet đường điện, làm hàng trăm kilomet đường cấp phối cho dân làng. Nói tóm lại tôi đầu tư hạ tầng gần như toàn diện khu vực đó, và tạo cho tỉnh đó có một bộ mặt mới cực kỳ lớn, GDP hàng năm tăng 15-20% chứ không phải vài phần trăm.

Tức là tăng trưởng rất lớn, và tạo một bộ mặt thay đổi cực kỳ nhanh. Cả chính phủ Lào đều ghi nhận, chứ không phải là nói không không. Đây là bằng chứng thiết thực nhất cho thấy khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào là tốt hơn cho môi trường xã hội ở đó thôi, chứ không có xấu hơn được. Làm bệnh viện, trường học, làm đường làm nhà cho dân v.v…Và dân thì hồi trước không có tivi coi, bây giờ có tivi, không có xe máy chạy bây giờ có xe máy, lúc trước bữa đói bữa no nay thì có thu nhập ổn định.

Như vậy môi trường xã hội là quá tốt chứ không phải tốt vừa nữa. Mà cái việc này được chính phủ Lào và chính phủ Việt Nam ghi nhận. Những thông tin này có thể kiểm chứng nơi chính quyền hai nước Lào, Campuchia hay Việt Nam. Thậm chí luật đầu tư họ ghi rõ là miễn thuế bảy năm đầu để khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nơi đó. Và họ cho đầu tư là đầu tư vào những vùng sâu vùng xa, những vùng rất nghèo khổ chứ không phải cho đầu tư ở thành thị. Mục đích chính là họ tạo việc làm cho dân.

RFI: Xin rất cảm ơn ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.

tags: Phỏng vấn - Việt Nam - Đất đai
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130514-chu-tich-hoang-anh-gia-lai-khong-chiem-dat-ma-tao-viec-lam-cho-lao-va-cam-bot 

1 commentaire:

  1. Phạm Nhật Vượng15 mai 2013 à 11:35

    Tham nhũng ư? Bằng chứng đâu?
    Câu hỏi không lạ, do bọn tham nhũng vẫn trưng ra. Phải, làm sao ghi âm, chụp ảnh lúc chúng trao, chuyển tiền, quà biếu...? Nhưng lương quan chức thì không đủ sống, nhưng biệt thự hoành tráng, đất đai mênh mông thì lấy đâu ra? Chẳng ai khờ khạo đến không biết sự thật ở những xứ độc tài như VN, Lào. Campuchia, không bôi trơn thì không nhận được đất đai, dự án.
    Đoàn Nguyên Đức khét tiếng phá rừng VN lâu nay, bây giờ lại còn qua Lào, Campuchia phá nốt. Chắc chắn chỉ có Trung Quốc sẽ mua mủ cao su của Hoàng Anh Gia Lai, các nước văn minh chắc chắn tẩy chay sản phẩm của kẻ đã cắt đi lá phổi của loài người

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.