mercredi 8 mai 2013

Kim Jong Un : Hiếu chiến và tham vọng hơn người cha

Bài đăng : Thứ tư 08 Tháng Năm 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 08 Tháng Năm 2013 
Bài viết trên trang Diễn đàn của thông tín viên Le Figaro tại Seoul hôm nay nhận định : « Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên còn lâu mới chấm dứt ». Tác giả dẫn lời một chuyên gia, cho rằng Kim Jong Un hiếu chiến và tham vọng hơn người cha, anh ta thích chơi trò gây sợ hãi cho người Mỹ.

Bài báo mở đầu bằng nhận xét, mùa xuân cuối cùng cũng đã đến với bán đảo Triều Tiên. Từ vài tuần qua, những cây anh đào đã nở hoa, và Kim Jong Un đã dịu hẳn giọng điệu hiếu chiến của hai tháng trước đây, khi đe dọa « tấn công nhiệt hạch » Hoa Kỳ. Thế giới ngạc nhiên trước sự thay đổi này, nhưng các chuyên gia về Bắc Triều Tiên thì đã dự đoán trước. 

Hàng năm, Bình Nhưỡng lại cao giọng vào cuối mùa đông, lúc diễn ra các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tên Foal Eagle, được Bắc Triều Tiên mô tả như một cuộc xâm lăng. Và mỗi năm, căng thẳng lại tan biến với một sự chính xác máy móc, khi cuộc tập trận chấm dứt – năm nay là vào ngày 30/4. Những ngày đẹp trời đã đến, những người lính của đội quân cồng kềnh Bắc Triều Tiên bị huy động ra đồng làm nông, và anh thanh niên Kim Jong Un có thể khoe khoang là đã bảo vệ 23 triệu thần dân trước sự xâm lược của « bọn đế quốc ». 


Một hành động được lặp đi lặp lại. Con trai của Kim Jong Il dường như sử dụng lại các biện pháp xưa cũ mà người cha đã áp dụng thành công trước Washington, theo một chu kỳ đã biết rõ : gây ra một cuộc khủng hoảng để dẫn dụ cường quốc số một thế giới đến bàn thương lượng, và đạt được những nhượng bộ. Một kỹ thuật được Kim Jong Il nâng lên tầm nghệ thuật, đã kiếm chác được viện trợ kinh tế từ George Bush, sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ nhất vào năm 2006. 

Bảy năm sau đó, người con trai trẻ tuổi nhất của ông ta đã ứng dụng cực điểm phương pháp của cha mình, khi cho thử nghiệm một tên lửa có vẻ như là hỏa tiễn đạn đạo, rồi đến một vụ nổ nguyên tử và đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. 

Cheong Seong Chang, thuộc Viện Sejong giải thích: “Kim Jong Un hiếu chiến và tham vọng hơn người cha, anh ta chơi trò làm cho người Mỹ sợ hãi”. Nhưng sau khi trêu ngươi Lầu Năm Góc, nhà lãnh đạo ở độ tuổi ba mươi đã biết cách giảm nhiệt – như một chính khách lão luyện – vào lúc mà căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có nguy cơ vượt khỏi vòng kiểm soát. 

Thái độ này làm an lòng các nhà chiến lược ở Washington, Seoul và Tokyo. Bruce Klingner, cựu nhân viên CIA, chuyên gia của Heritage Fondation tổng kết : « Chúng ta không biết được giới hạn cuối của họ là gì ».

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên nâng lên một ngưỡng mới 

Theo kịch bản truyền thống, thì sẽ có những lời kêu gọi tái lập thương thảo trong những tháng tới. Tuy vậy kịch bản quen thuộc này không còn được đảm bảo nữa. Bởi vì cuộc khủng hoảng lần này đã đánh dấu một ngưỡng mới trong quan hệ xung khắc giữa triều đại họ Kim với Washington, mang những mầm mống của các cuộc đối đầu mới. 

Có hai nhân tố đã làm thay đổi bàn cờ. Trước hết, là cái chết của nguyên tắc giải trừ hạt nhân. Từ nay, chế độ Bình Nhưỡng cao giọng khẳng định sẽ « không bao giờ » từ bỏ vũ khí nguyên tử « một khi phần còn lại của thế giới không giải trừ hạt nhân » - như bài xã luận gần đây của tờ Rodong Simmun, cơ quan của Đảng. Rút ra bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Kadhafi, Kim Jong Un không còn tìm cách sử dụng kho vũ khí nguyên tử khiêm tốn của mình làm lá bài thương lượng để kiếm viện trợ, như cha mình đã làm. 

Mục tiêu của anh ta là được mặc nhiên nhìn nhận như một cường quốc nguyên tử, giống như Pakistan, và chỉ thương thảo về « giải trừ » cục bộ. Một thực tế hiển nhiên nay đã được công khai. Một thái độ không thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ và ngay cả với người bảo hộ là Trung Quốc, và làm bế tắc hẳn quá trình thương lượng sáu bên – công cụ duy nhất của cộng đồng quốc tế để buộc Bình Nhưỡng đưa ra những cam kết. 

Nhân tố đáng ngại thứ hai, là các tiến bộ nhanh chóng của các chương trình nguyên tử và vũ khí đạn đạo Bắc Triều Tiên. Các nhà chiến lược Lầu Năm Góc nhìn nhận là đã bất ngờ trước các bước tiến của Bình Nhưỡng, như việc đưa một vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 12/2012. Bận dõi theo Iran, Washington bỗng dưng nhận ra Bắc Triều Tiên đang tiến rất nhanh về mục tiêu sở hữu hỏa tiễn đầu đạn hạt nhân. Cho đến nỗi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel quyết định đưa thêm 14 công cụ chống hỏa tiễn đến căn cứ Fort Greely ở Alaska. 

Klingner nhận định : « Tại Washington, người ta đã ý thức được rằng Bình Nhưỡng đang trở thành một mối đe dọa thực tế ». Kịch bản một hỏa tiễn Bắc Triều Tiên một ngày nào đó đe dọa lãnh thổ Mỹ không còn là khoa học viễn tưởng. Hahm Chaibong, Viện trưởng Asan Institut ở Seoul lo ngại: « Nếu không hành động gì từ nay đến 5 năm tới, Bắc Triều Tiên sẽ sở hữu được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Họ bắt đầu bằng các vũ khí chiến thuật, rồi đến các tàu ngầm. Và thế là không thể nào ngăn trở họ được nữa ». 

Thời khắc đã điểm, nhưng chính quyền Obama vẫn loay hoay chưa tìm ra được cách đối phó. Washington máy móc lặp lại hướng chiến lược chính : gây áp lực lên Bắc Kinh để đòi hỏi phải tạo áp lực lên đồng minh Bình Nhưỡng. Nếu bản thân Trung Quốc nay cũng phải buồn lòng vì đàn em, thì phương cách này cho đến nay vẫn chưa mang lại được hiệu quả rõ rệt. Trên thực tế, Nhà Trắng có rất ít phương án chiến lược, và từ chối nói về việc « thay đổi chế độ ». 

Ngoại giao rơi vào ngõ cụt, chạy đua nguyên tử tiến nhanh, thái độ do dự của Mỹ - thách thức Bắc Triều Tiên có đủ các yếu tố để gây ra quan ngại ngày càng cao về an ninh Đông Bắc Á, một trong những lá phổi kinh tế của thế giới. Tác giả kết luận : sự hòa dịu của mùa xuân có thể chỉ trong ngắn hạn. 

Khảo sát về H5N1 ở Việt Nam : Chỉ cần xử lý chợ gia cầm trọng điểm 

Liên quan đến dịch cúm gà ở châu Á, nhật báo Le Figaro có bài viết mang tựa đề « H5N1 : Các chợ gia cầm có nguy cơ cao ». Bài báo cho biết, qua công trình khảo sát tại Việt Nam, một nhà khoa học Pháp làm việc ở Anh, đã rút ra kết luận rằng các biện pháp trọng điểm tại các chợ bán gia súc, gia cầm sống có thể hạn chế được việc lây nhiễm tại Đông Nam Á. 

Tác giả bài báo cho biết, cách đơn giản nhất để hiểu được virus làm thế nào để có thể lan truyền tại các chợ bán các loại gia cầm sống vốn đầy dẫy ở Đông Nam Á, vẫn là chất vấn những người bán trong chợ. Đó cũng là những gì mà Guillaume Fournié, nhà nghiên cứu về dịch bệnh của Royal Veterinary College, thuộc đại học Luân Đôn đã thực hiện.

Trong vòng sáu tháng trời, nhà dịch tễ học này đã dạo khắp các chợ ở Hà Nội và ngoại thành, cũng như các chợ nông thôn ở Bắc Giang. Sau khi hỏi han 567 người bán hàng, ông đã có thể vạch ra được mạng lưới nối kết các chợ này, trên cơ sở những chuyển dịch của người bán. Đây là tính độc đáo của công trình nghiên cứu trên. Kết quả vừa được công bố trên PNAS (các văn bản của Viện hàn lâm khoa học Mỹ) nêu ra những hệ quả đáng quan tâm đối với sức khỏe cộng đồng. 

Đông Nam Á là điểm nóng cho việc phát sinh và lan truyền các bệnh truyền nhiễm virus, như thực tế đã chứng minh trong trận dịch SARS trước đây hay dịch cúm gà H5N1 năm 2003. Bác sĩ Fournié nhấn mạnh : « Các chợ bán gia cầm sống đóng một vai trò quan trọng trong dịch tễ học, nhưng mục tiêu là thiết lập các biện pháp có thể áp dụng được. Có nghĩa là tôn trọng thu nhập của những người sống bằng nghề này, mang tính hợp lý về mặt kinh tế và có hiệu quả. »

Thay vì dùng đến biện pháp triệt để là đóng cửa các chợ gia cầm, tạo nguy cơ làm nở rộ nạn buôn lậu, phương cách mới được đề nghị vẫn có thể mang lại hiệu quả trong khi vẫn giữ nguyên các mạng lưới chính thức và không chính thức hiện có. Theo đó, tốt nhất nên tập trung nỗ lực vào các chợ có nguy cơ lây nhiễm cao, hơn là hành động lan tràn ở khắp nơi. 

Bác sĩ Fournié giải thích : « Nghiên cứu của chúng tôi đề nghị nhận dạng các chợ trọng điểm trên cơ sở khá đơn giản ». Trước hết là chất vấn những người bán hàng về những nơi họ thường đi đến, rồi phân tích cơ cấu thị trường và sự năng động của mạng lưới để tìm ra các điểm nóng. Không nhất thiết là các chợ lớn nhất hay chính thống. Điều quan trọng là làm việc một cách hiệu quả, mà không làm cho người bán có thái độ tránh né. 

Nhà khoa học nhấn mạnh, nếu không thì người bán hàng có thể ít hợp tác, thậm chí chống đối. Phương pháp này cũng giúp tránh được các biện pháp vừa nặng nề vừa tốn kém, là giám sát chặt các chợ, lấy nhiều mẫu vật đem về phòng thí nghiệm phân tích. 

Đây là điều hết sức quan trọng đối với các nước Đông Nam Á, mà phương tiện đôi khi rất hạn chế. Như vậy, cần tập trung vào các chợ có nguy cơ cao, áp dụng một cách nghiêm ngặt - và lý tưởng nhất là hàng ngày - những biện pháp tiệt trùng, giúp tách rời các chợ và tránh lây nhiễm. Bác sĩ Fournié cho biết cụ thể : « Phải sát trùng môi trường – nền chợ, các lồng gà vịt, các xe cộ, và rộng hơn là tất cả các dụng cụ, thiết bị có thể ra khỏi chợ và phát tán virus ». 

Trang nhất báo Pháp  

Do hôm nay là ngày nghỉ, kỷ niệm đồng minh chiến thắng phát-xít Đức, nên chỉ có ba nhật báo lớn tiếp tục phục vụ độc giả Pháp. Tựa chính của Le Monde đề ngày hôm nay nói về « Các vụ làm ăn đáng chú ý của luật sư Claude Guéant ». Tờ báo cho biết cánh tay mặt của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy xuôi ngược châu Phi, sử dụng những quan hệ trước đây để hưởng lợi. 

Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhấn mạnh : « Châu Âu kêu gọi nước Pháp cải cách về chiều sâu ». Bruxelles yêu cầu Paris tiến hành cải cách cơ cấu táo bạo và quy mô lớn để tăng tính cạnh tranh và giải phóng tiềm năng tăng trưởng để tạo công ăn việc làm. Nhật báo cánh tả Libération đề cập đến phiên bản mới của DSM-5, cuốn sách Mỹ được xem là kinh điển thế giới về các loại bệnh tâm thần, quan tâm đến các triệu chứng và cách điều trị, hơn là bản thân bệnh nhân. Tờ báo chạy tựa trang nhất : « Không điên đến như thế ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130508-kim-jong-un

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.