mercredi 20 octobre 2021

Khiết Nguyễn - Đệ Nhất Phu Nhân Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Thị Mai Anh


Nếu nhìn lại Việt Nam Cộng Hòa và nhìn sang Đại Hàn Dân Quốc, một quốc gia bà con xa và cũng là một đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi thấy hai vị nguyên thủ quốc gia và đệ nhất phu nhân có vài điểm giống nhau.

Tổng Thống Phác Chính Hy và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều xuất thân từ quân đội, đều biết làm ruộng, lái máy cày. Phu nhân của Tổng Thống Phác, Bà Yuk Young Soo, cũng giống phu nhân của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Bà Nguyễn Thị Mai Anh, ở vài điểm: đi bên phu quân, cả hai đều khiêm tốn, luôn tìm mọi cách để tránh lôi cuốn sự chú ý của quần chúng cũng như giới truyền thông.

Khi bắt buộc phải có mặt bên chồng, Bà Yuk luôn khép nép trong chiếc áo Hanbok cổ truyền, và tuy rằng lúc nào cũng giữ một nụ cười khả ái nhưng Bà rất ít nói. Bà Mai Anh cũng vậy, luôn mặc chiếc áo dài truyền thống và đứng lùi lại phía sau Tổng Thống một chút. Thế nhưng cả hai đều là những người phục vụ xã hội một cách rất hăng say.

Tiếc thay, Bà Yuk tử thương khi quân khủng bố Bắc Hàn đặt bom mưu sát Tổng Thống Phác vào năm 1974. Đúng 5 năm sau, đến phiên Tổng Thống Phác. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thì thọ lâu hơn, và riêng Bà Mai Anh thì được thượng thọ, qua đời vào ngày 15 tháng Mười vừa qua ở tuổi 90.


Sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tình trạng rối ren. Các vụ xuống đường xảy ra liên miên và chỉ trong vòng hơn một năm, đã thay đổi chính phủ đến chín lần. Cuối cùng thì ngày 11 tháng Sáu 1965, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát từ chức vì không thể làm việc có hiệu năng, trong bối cảnh chiến tranh leo thang trong khi đám sinh viên và một số Phật Tử nghe lời phe Ấn Quang cũng như ngoại bang, biểu tình không ngưng nghỉ.

Vậy nên chính phủ quân sự được thành lập, với Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch, và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương với chủ tịch là Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Hai Ủy ban ra mắt quốc dân vào ngày 19 tháng Sáu 1965, và từ đó chúng ta có Ngày Quân Lực.

Suốt một năm trời sau đó, Bà Đặng Tuyết Mai, vợ của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ theo chồng đi khắp nơi. Lúc thì trong chiếc váy đầm, lúc thì trong chiếc áo dài, lúc thì trong bộ đồ phi công. Bà được rất nhiều người biết đến, kể cả tại quốc ngoại. Trong khi đó, với tư cách là phu nhân của Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, tương đương với chức quốc trưởng, Bà Mai Anh được xem như Đệ Nhất Phu Nhân của Việt Nam Cộng Hòa nhưng rất ít người biết mặt Bà.

Đầu tháng Hai 1966, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng, Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, Đại Sứ Bùi Diễm, cùng một số nhân vật quan trọng khác của Việt Nam Cộng Hòa đến Honolulu để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh. Phía Hoa Kỳ thì có Tổng Thống Lyndon Johnson, Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara, và Đại Tướng William Westmoreland cùng với nhiều nhân vật quan trọng khác.

Vì đây là một hội nghị nên tất cả các vị nói trên đều đi một mình, ngoại trừ Tướng Kỳ đem theo Bà Tuyết Mai. Tướng Kỳ đưa vợ đến tham dự các buổi tiếp tân, họp báo, và cuối cùng thì do sự vắng mặt của Bà Mai Anh, Tuyết Mai được xem như một đệ nhất phu nhân khiến báo chí Việt Nam bàn tán một thời gian dài. Mãi đến Tết Trung Thu 1967 thì hầu hết dân chúng miền Nam mới biết mặt Bà Mai Anh. Lúc đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã đắc cử vào chức vụ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời máy vô tuyến truyền hình đã bắt đầu phổ biến tại thủ đô Sài Gòn và các tỉnh.

 

Kể từ khi trở thành Đệ Nhất Phu Nhân của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, Bà Mai Anh vẫn ít khi có mặt cùng Tổng Thống trong các chuyến đi của Ông, trừ khi có mục đích xã hội. Một thí dụ rõ ràng nhất là Tổng Thống và phu nhân đã ra Huế để ủy lạo các đồng bào nạn nhân chiến cuộc sau biến cố Tết Mậu Thân. Bà Mai Anh cũng có đôi lần chủ tọa lễ lớn, điển hình là lễ đặt viên đá đầu tiên cho Bệnh Viện Vì Dân, lễ khánh thành thư viện mới của Trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Ngoài ra, Bà còn làm trưởng phái đoàn thăm viếng và ủy lạo các thương bệnh binh đang được điều trị tại các quân y viện vào các dịp Noel, Tết Nguyên Đán, Ngày Quân Lực.

Bà Mai Anh hạn chế việc xuất hiện trong các lễ lạc quan trọng là vì bản tính khiêm cung của Bà, và cũng còn vì một nguyên nhân khác mà ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra vài trường hợp đã được nhiều người biết rõ.

Nhân dịp một lễ lớn nọ, Bà Mai Anh cùng một số phu nhân của các nhân vật trọng yếu đến ủy lạo các thương bệnh binh tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Bà Mai Anh đã nhờ người chuẩn bị sẵn các phần quà cho các chiến sĩ, mà các gói quà này ngoài hiện kim thì còn có một số đồ dùng cá nhân trong đó có cả mấy đôi vớ. Vô tình, trong số những người nhận quà lại có một ít chiến sĩ đã bị cưa mất một chân. Sau đó, Tuyết Mai nói lớn rằng không có gì lố bịch cho bằng đem vớ để cho người không còn chân. Nói xong, Tuyết Mai ngửa cổ cười lớn.

Lần thứ hai, trong một dịp lễ nọ, vừa xong nghi thức chào quốc kỳ thì Tuyết Mai nói với phu nhân của một vị nọ rằng chồng của bà ta chỉ có "hai viên" mà bà ta còn chịu không thấu, trong khi “đằng kia” có đến những "ba viên". Ba viên mà Tuyết Mai muốn nói đến là Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên, Đại Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Linh Quang Viên.

Khi được những người thân cận cho biết điều này, Bà Mai Anh không nói nhiều. Bà chỉ nhờ những người thân cận tìm hiểu xem lễ lạc nào có Tuyết Mai tham dự thì Bà không đến.

Tuyết Mai cùng chồng thích xuất hiện, thích tuyên bố nảy lửa và khéo trình diễn nên trở thành đề tài hấp dẫn để báo chí khai thác, thu hút độc giả. Trong khi đó thì Bà Mai Anh không phải là một đề tài sống động để lôi cuốn độc giả. Bà thường có mặt ở ghế hàng đầu trên khán đài trong các Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu hàng năm. Như thế, bà là một trong những mục tiêu chính của tất cả các ống kính cũng như bao cặp mắt soi mói. Thế nhưng chẳng một ai tìm ra một sơ xuất nào của Bà trong những dịp như thế để chỉ trích hay khai thác.

 

Ngay sau biến cố Tết Mậu Thân tang tóc, Bà Mai Anh dấn thân mạnh hơn vào các công tác xã hội. Hội Phụ Nữ Việt Nam Phụng Sự Xã Hội do Bà và thân hữu thành lập và điều hành hoạt động ngày càng mạnh. Hội có có chương trình trên đài phát thanh Sài Gòn. Hành khúc của Hội bắt đầu bằng lời kêu gọi mang tính cách một lời tâm nguyện, “Phụ nữ Việt Nam cùng chung sức phụng sự xã hội”. Hội để lại cho hậu thế một công trình không một ai có thể phủ nhận là Bệnh Viện Vì Dân tân tiến nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Cá nhân Bà Mai Anh, trong vai trò Chủ Tịch của Hội, cũng rất quan tâm đến đời sống gia đình của các chiến hữu trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà phu quân của Bà giữ chức Tổng Tư Lệnh Tối Cao.

Hầu như tất cả các bạn đều biết có một vị tỉnh trưởng phải đi nhận nhiệm sở mới vì Bà Mai Anh can thiệp. Vị đại tá này bị vợ quát tháo ngay ngoài phố vì một lý do nào đó. Về đến nhà, ông này cho vợ mấy tát tai nảy đom đóm. Bà kia bay vào Sài Gòn, xin gặp Bà Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Việt Nam Phụng Sự Xã Hội. Bà Chủ Tịch yêu cầu Tổng Thống giải quyết ngay vụ đó.

Vụ thứ hai thì trước đây chúng tôi có nói đến một lần, xảy ra vào năm 1974.

Trong một cuộc bầu cử Hội Đồng Tỉnh năm đó, có một vị thiếu tá chèn ép một ứng cử viên đối thủ, vốn là người Thượng, và những người đi vận động tranh cử cho ông mà trong đó có cả bà vợ của ông. Ông này khiếu nại và sau đó có nói nhắn rằng nếu chúng tôi không làm đến nơi đến chốn thì họ sẽ khiếu nại lên Giám Sát Viện. Thật ra, chúng tôi không lo ngại nếu như trên Giám Sát Viện biết được vụ này, vì chúng tôi không phải là người phạm lỗi. Chúng tôi thụ lý vụ này rất nghiêm, nhưng gặp trở ngại ở mặt khác.

Vì tính chất của sự việc, chúng tôi phải mời nhiều nhân chứng đến tường thuật, mà không thể gọi tất cả về một lúc nên cần nhiều thời gian. Kế đến, cứ mỗi lần nhân chứng tường thuật xong, thì chúng tôi lại thấy có thêm nhiều người khác cũng có thể là nhân chứng nên cũng mời họ về lấy lời khai. Vì vậy nên sau hơn một tháng trời chúng tôi vẫn chưa có thể kết luận. Thấy lâu quá mà chưa có kết quả, bà vợ của đương đơn liền gặp Bộ Trưởng Phát Triển Sắc Tộc Nay Luett. Ông này liền xin gặp Bà Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Việt Nam Phụng Sự Xã Hội để trình bày sự việc. Vài ngày sau, có điện thoại từ Sài Gòn gọi ra cho chúng tôi, hỏi rằng “Mấy chú thụ lý tới đâu rồi, Tổng Thống mới hỏi tụi tôi đó?”

Sau khi chúng ta mất nước, Bà Mai Anh rất ít khi tiếp xúc với ai, và càng tránh xa giới truyền thông. Tuy vậy, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời thì Bà dành gần hết 20 năm cuối đời mình cho các sinh hoạt bác ái và những chương trình có chính nghĩa. Những khi được hỏi về người chồng quá cố của mình, Bà rất hiếm khi khoe khoang về chồng mình, hoặc tìm cách minh oan cho chồng trước những lời bịa đặt, vu khống. Thay vào đó, Bà thích nói về cá tính của chồng, và Bà rất hãnh diện về đạo nghĩa của chồng.

Ngày xưa, Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu xin rửa tội để trở thành một người Công Giáo, bị một số người cho là vì chiều lòng vợ. Một số khác thì tin rằng ông thích tín lý của Công Giáo qua lối sống của vợ mình. Có thể cả hai điều này đều đúng.

Bà Mai Anh thì rất vui lòng khi thấy chồng của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều giữ vững niềm tin, luôn luôn cố gắng sống như một con chiên ngoan và khiêm tốn. Thật sự thì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rất sốt sắng trong việc thờ phượng Chúa. Ông tỏ ra rất sung sướng khi được luân phiên bước lên cung thánh đọc Thánh Thư, như mọi người khác. Trước mặt Chúa, ai cũng như ai, từ một người thu thuế đầy tội lỗi cho đến một phú ông dám bỏ tiền ra xây dựng cả một đền thờ nguy nga.

Ngày trong quân đội, tôi có được đối thoại với Tổng Thống khoảng 20 giây đồng hồ. Tôi kính cẩn “thưa Tổng Thống” trong khi Tổng Thống gọi tôi là “Em”. Sau khi chúng ta bị mất nước đúng 20 năm, qua bao nhiêu lời giới thiệu, tôi được Ông tiếp chuyện qua điện thoại gần hai phút. Chúng tôi vẫn kính trọng Tổng Thống như khi Ông còn là Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội, nhưng vì ông không còn tại chức và tôi thì không còn tại ngũ nên tôi gọi Ông là “Thầy” và xưng là “Con” vì Ông thua thân phụ của tôi chỉ bốn tuổi. Ngày xưa, tôi cũng xưng hô với thầy giáo già của tôi như vậy.

Bà Mai Anh thì thua thân mẫu của tôi bốn tuổi mà lại là hiền thê của Thầy tôi nên tôi sẽ gọi Bà là Cô, mỗi khi tôi nhớ đến Bà trong các lời kinh nguyện.

Cúi xin Chúa nhân lành sớm đưa Cô về Thiên Đàng.

KHIẾT NGUYỄN 18.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.