Nhân loại đang chạy đua cật lực trong cuộc chiến mất – còn với Covid-19 và các biến thể. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có hai mặt.
Dịch bệnh mới là phép thử con người, từ cá nhân đến tập thể; từ cá tính, phẩm hạnh đến trình độ chuyên môn, năng lực quản trị và xử lý tình huống. Là chiếc gương ảo nhưng phản ảnh chân thực nhất với bản thân và những người chung quanh.
Dịch bệnh mới tạo nên căn bệnh mới rất nguy hại - bệnh SỢ TRÁCH NHIỆM. Sợ trách nhiệm là thuộc tính tích cực của con người; khác biệt với những động vật khác. Vì sợ trách nhiệm, gây hậu quả nên con người biết suy nghĩ trước khi hành động. Người xưa khuyên “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Nói đã vậy, làm càng phải cân nhắc. Nhưng sợ tới mức “Làm gì cũng sợ” nên không dám làm gì, nguy hại chẳng kém việc không biết sợ.
Sợ trách nhiệm với dân nên mới có những cán bộ dũng cảm, dám xé rào, làm chui; dẫu biết rằng rất dễ bị kỷ luật. Không ít cán bộ chỉ sợ trách nhiệm với cấp trên. Đây là nỗi sợ đáng lo, có nguy cơ bùng phát song hành dịch bệnh. Thay vì tham mưu, góp ý, phản biện các chủ trương chưa sát sườn từ cấp trên, thì im lặng hoặc thực hiện một cách máy móc. Sợ trách nhiệm nên việc gì cũng chờ ý kiến, hỏi lãnh đạo; chỉ biết thừa hành như người máy.
Khi dịch bệnh bùng phát, nhà nước chủ trương hạn chế lưu thông, trừ các mặt hàng thiết yếu. Lúng túng trong việc xác định hàng thiết yếu, Bộ Công thương vội vã đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ đạo danh mục “Các mặt hàng không thiết yếu”. Sợ trách nhiệm nên máy móc thừa hành nhiệt tình quá mức cần thiết. Chuyện gì cũng không dám giải quyết tận gốc, cứ đẩy lên Thủ tướng.
Có gì đổ tại và bị đủ thứ, ngoài trừ do mình. Từ việc khẳng định “Bánh mì không phải là thực phẩm” (Khánh Hòa); “Tiền không phải là hàng cấp thiết” (Ninh Thuận); “Khóa cửa 278 hộ gia đình” (Thanh Hóa); “Phá khóa, còng tay, cưỡng chế nữ giáo viên yoga đang dạy online” trước mặt các con nhỏ, áp giải đi xét nghiệm (Bình Dương)… là hệ quả tất yếu của việc sợ trách nhiệm với cấp trên, bỏ qua trách nhiệm với người dân.
Sài Gòn là tâm điểm bùng phát dịch bệnh, số ca lây nhiễm và tử vong hơn cả nước cộng lại. Sau mấy tháng phong tỏa bế tắc với đủ thứ biện pháp cực đoan, dịch bệnh vẫn giảm không đáng kể. Từ 1/10, thành phố gỡ bỏ phong tỏa, rào chắn; giải phóng tâm lý tù túng, ngột ngạt; cuộc sống bật dậy như lò xo, dịch bệnh giảm hẳn. Mừng nhất là việc thay đổi triệt để tư duy chống dịch.
Nhưng thành phố không thể một mình mở cửa khi các địa phương vẫn bịt hết lối ra vào. Nhiều tỉnh vẫn chống dịch theo kiểu cũ, cứ có vài F0 là phong tỏa cả khu vực, đến F1 cũng cách ly. Thậm chí có những biện pháp cực đoan hoặc phớt lờ chỉ đạo Thủ tướng; bất chấp nỗi thống khổ của người dân và doanh nghiệp.
Đáng buồn nhất là việc người dân ùn ùn về quê. Người Việt rời quê kiếm sống là chuyện bất đắc dĩ, từ xuất khẩu lao động đến mưu sinh trong nước. Họ đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế các vùng quê Việt Nam. Không chỉ lo được cho người thân mà còn làm lại nhà cửa, tích lũy cho gia đình.
Trong khi tổ chức đón lao động xuất khẩu khá chu đáo, thì lao động nội địa gần như bỏ mặc. Sài Gòn muốn lao động nhập cư ở lại vì đó là nguồn nhân lực chính các khu công nghiệp. Muốn vậy, phải nuôi được tối thiểu. Bằng không, phải cho về. Chẳng ai muốn mạo hiểm, bỏ tất cả về quê. Về quê, dù bất định, bấp bênh nhưng còn chỗ ở, còn có người thân rau cháo qua ngày.
Giãn cách, thất nghiệp mấy tháng, hết đường sống nên bí quá, phải về quê. Được thuyết phục và hứa hẹn, không ít người quay xe và mỏi mòn chờ đợi. Tới lúc phong tỏa, hoàn cảnh nghiệt ngã, phải trốn về quê. Hết phong tỏa, dân Sài Gòn phấn khởi nhưng lao động nhập cư vẫn khốn đốn, lại ồ ạt về quê. Sức chịu đựng đã vượt ngưỡng và không còn hy vọng.
Trước dịch, mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp vào ngân sách hơn 1.300 tỉ. Khi dịch bệnh hoành hoành, phải xin Trung ương và các tỉnh hỗ trợ. Sư chi viện nhỏ giọt chẳng thấm vào đâu. Chỉ cần 10% số tiền đóng góp của thành phố trước đây trong một năm là thành phố có thêm 50.000 tỉ để lo cho cả người Sài Gòn lẫn dân nhập cư.
Nếu xin hỗ trợ không được, sao không vay Trung ương, vay ngân hàng để lo cho dân? Làm được thế thì đã không có chuyện nháo nhào về quê, bất chấp rủi ro nguy hiểm dọc đường. Cả thành phố lẫn các tỉnh, có hàng trăm ngàn xe chở khách trùm mền gần hai năm. Sao không tận dụng mà để dân đi xe gắn máy, xe đạp và cả đi bộ về quê kiệt sức, mang thêm nhiều F0. Chỉ cần có sự bàn bạc và hành động thống nhất giữa các địa phương, cảnh về quê nhức nhối đã không xảy ra.
Xác định dịch bệnh mới, cực kỳ nguy hiểm nhưng phải tìm cách chủ động sống chung với virus, chứ không co cụm, trốn chạy. Bình tĩnh đối mặt, dùng vaccin và 5K cùng với sự hợp lực của toàn dân thì chẳng dịch bệnh nào cản nổi. Rất đáng mừng, tối ngày 8/10, trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, Phó Chủ tịch UBND Phan Thị Thắng phát biểu “Sau 15-10, nếu dịch ổn định, TP.HCM tính toán trở về “bình thường”, không còn “bình thường mới”. Đây là câu trả lời được mong đợi nhất.
Chưa kịp mừng, ngày 14/10, Chủ tịch UBNDTP Phan Văn Mãi khẳng định “Dù diễn biến dịch bệnh của TP hiện nay đang có chiều hướng thuận lợi, nhưng đến tháng 11, vẫn chưa thể hoàn toàn bình thường mới”. Nghị quyết số 127/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các địa phương không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bất chấp “yêu cầu” của Thủ tướng, không ít địa phương làm ngược lại, vẫn áp dụng các Chi thị 15, 16, 19 dù đã bị bãi bỏ. Tuyên bố “Chống dịch như chống giặc” mà Tư lệnh không dám “Ra lệnh”, cứ hết “Yêu cầu” đến “Đề nghị”, kiểu thuyết phục, vận động. Luật pháp buộc mọi công dân phải thi hành, không có việc năn nỉ, thông cảm.Trong khi Sài Gòn mở cửa “Khẩn trương và an toàn” thì Hà Nôi và nhiều tỉnh cử đủng đỉnh “Chậm mà chắc”, không sợ “Trâu chậm uống nước đục”.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.