jeudi 28 octobre 2021

Mai Bá Kiếm - Quy định 37 nghiêm hơn Luật Phòng chống tham nhũng?

 

Tổng Bí thư vừa ký ban hành Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm. Trong đó có mấy điều cấm mới: Không được nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định, không can thiệp để con cái du học bằng tiền tài trợ.

Quy định này rất khắt khe so với lời của Tổng bí thư đã tâm tư với cử tri quận Cầu Giấy (Hà Nội) chiều 17/6/2018: “Kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm, bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân”.

Tuy “khó và nhạy cảm”, nhưng khi chỉ đạo công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng ngày 26/04/2020, Tổng Bí thư lại kiên định: “Không để lọt vào trung ương cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc”.

Nhưng, chủ trương “không để lọt vào” đã không được “luật hóa”, khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình ba phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là: giao cho tòa án xử lý, hoặc nộp 45% thuế thu nhập cá nhân, hoặc tạm bỏ quy định này. Thì, Quốc hội chọn “bỏ quy định này”!

Vì thế, khó mà “không để lọt vào” cán bộ kê khai tài sản không trung thực, không nguồn gốc! Còn, ai giàu nhanh, nhiều nhà đất thì chỉ trời và cán bộ đó biết.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, quy định hạn chót kê khai tài sản là 31/12/2019, nhưng "tiến độ kê khai" giống như "tiến độ vận hành" đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Cuối cùng, Thanh Tra Chính phủ ra Công văn 252/TTCP-CV yêu cầu Bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu xong trước ngày 31/3/2021. Bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xong trước ngày 30/4/2021. Báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Thanh tra Chính phủ chậm nhất là ngày 31/5/2021.

Chỉ có Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức hội nghị công khai tài sản, thu nhập lần đầu đối với các 19 thành viên của cơ quan này trước hạn, vào chiều 22/3/2021.

Đến giờ này, Thanh tra Chính phủ đã nhận trên 1,283 triệu bản kê khai (đạt 99%), nhưng còn chờ Thủ tướng xem xét, phê duyệt; xây dựng định hướng kế hoạch xác minh về tài sản. Như Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát, thu nhập năm 2022 đã trình, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện trong năm tới.

Chuyên xác minh tài sản kê khai có trung thực hay không thì còn lâu. Bây giờ trở lại Quy định 37 để ôn cố tri tân mà rút kinh nghiệm. Nhớ lại, khoảng năm 1995, ông chánh văn phòng UBND Q.5, quận ủy viên, đã cùng vợ con xuất cảnh sang Mỹ theo diện ODP, mà cả quận không ai biết!

Thời đó, đảng viên có thân nhân ở nước ngoài không dám hé răng, nhưng bây giờ con cái ở nước ngoài là đẳng cấp để phô trương. Như, Nguyễn Đức Chung khuyên con ở lại Mỹ đừng về Việt Nam tránh dịch, nên chuyện lấy quốc tịch nước ngoài dễ như trở bàn tay.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc - chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành bị báo nước ngòai phanh phui có hộ chiếu Cyprus (cùng vợ) vào tháng 12/2018 theo chương trình "Hộ chiếu vàng" (golden passport).

Nhưng đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt Hường mới “cao tay”! Phú Quốc mới là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Nguyệt Hường đắc cử liên tục 3 khóa XII, XIII và XIV. Lần thư 3, bà trúng cử với tỉ lệ cao nhất (78,51%) tại đơn vị bầu cử số 5 Hà Nội, nhưng đến ngày 15/7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia mới biết Nguyệt Hường mới tậu quốc tịch Malta!

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân Thanh cũng trúng cử với số phiếu cao nhất tại Hậu Giang và bỏ trốn sang Đức mà không ai biết. Cùng ngày 15/7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia bác luôn tư cách đại biểu với Thanh.

Khi Bộ Công an xác định cựu thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa có liên quan vụ án Sabeco để khu "đất vàng" số 2-4-6 Hai Bà Trưng lọt tay tư nhân, thì bà đã ở bên trời Âu.

Tháng 1/2021, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh bắt tạm giam Phạm Văn Sáng - cựu giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", thì ông đã bay tới Mỹ!

Thành phố Hồ Chí Minh có hai nữ giám đốc cùng bị truy nã trong năm 2019, khi bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", thì bà Đào Thị Hương Lan, cựu giám đốc Sở Tài chính TP.HCM bổng dưng “mất tích”

Ngày 30/12/2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an cũng truy nã bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM) vì liên quan tới vụ án nhà đất 8-12 Lê Duẩn, Thành phố Hồ Chí Minh.

MAIBÁ KIẾM 28.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.