dimanche 31 octobre 2021

Nguyễn Hồng Hải - Tản mạn về cụ Ngô Đình Diệm

 

Tất nhiên thế hệ 8X của tôi mà viết về cụ Ngô tổng thống thì thật là viễn vông, vì khi tôi sinh ra thì cụ đã mất được 22 năm rồi.

Thế nhưng cái tên Ngô Đình Diệm lại gắn với những năm học cấp 2 của tôi, mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.

Chuyện là trong lớp tôi lúc đó có một bạn tên Ngô Đình Duy. Một hôm bạn được giáo viên gọi lên trả bài, vì lý do gì đó mà bạn lại không thuộc. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt tức giận của thầy giáo quát vào mặt đứa trẻ mới lớp 6 rằng: “Mày có phải con cháu gì với Ngô Đình Diệm không?”

Một đứa trẻ 12 tuổi mặt cúi gằm xuống đất vì xấu hổ chưa thuộc bài, lại bị thầy lớn tiếng như vậy thì các bạn thử tưởng tượng nó… thảm họa đến mức nào.

Điều làm tôi ấn tượng lúc đó là ba chữ “Ngô Đình Diệm”, và vì sao mọi cái xấu lại bị gán ghép cho nó? Thời đó không có điện thoại, laptop, internet để có thể vào mạng mà hỏi Google như bây giờ, cho nên thắc mắc ấy lại càng kéo dài.

Nhà tôi và nhà bạn ấy lại là hàng xóm gần nhau, hai thằng chung lớp nên cũng thường qua lại học bài chung. Nhà bạn ấy thuộc diện khá giả trong vùng, nên bà nội bạn ấy thường mỗi lần đi chợ về là có mua bịch chè hay cái bánh gì đó cho con cháu ăn. Tôi lại càng khoái vì mỗi lần hai thằng học chung thì thế nào bà cũng cho tôi ăn ké bịch chè.

Có lần tôi đem câu chuyện cụ Ngô để hỏi bà, thì được bà giải thích rằng cụ Diệm là người đứng đầu chế độ miền Nam, rồi bà kể tiếp cụ bị ám sát ra sao. Vì sao chế độ này lại không thích cụ Diệm…

Và hóa ra gia đình họ “Ngô Đình” của bà mặc dù không liên quan hay họ hàng gì với Ngô tổng thống, nhưng ít nhiều cũng gặp rắc rối với cái họ này.

Chuyện là bà có một người con trai (là bác của bạn tôi). Người con ấy đi tu ở một dòng Công Giáo nào đó ở Quảng Trị, rồi mất tích luôn trong khoảng thời gian “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972. Gia đình bà cũng đã nhiều lần ra lại nơi đó để tìm lại xác con nhưng đều vô vọng, chỉ nghe được thông tin khu vực đó ngày trước có hố chôn tập thể. Thế thôi!

Niềm mong ước của bà là tìm được xương cốt con mình, nhưng cho đến khi bà nhắm mắt lìa đời cũng không thể thực hiện được.

Đó là câu chuyện hoàn toàn có thật 100%.

Cho đến bây giờ thì chuyện dùng sách giáo khoa môn Lịch sử và bộ máy tuyên truyền để nói về cụ Ngô vẫn còn hiện hữu.

Những câu chuyện như “lê máy chém khắp miền Nam”, rồi tay sai bù nhìn, rồi Ngụy quân Ngụy quyền, nó vẫn hiện diện trên từng trang sách của lớp trẻ đang học. Nhưng sức ảnh hưởng của nó không còn nhiều như thời tuổi thơ của tôi, khi sức mạnh internet đã ra đời.

Mãi sau này khi đã vào Sài Gòn đi học, vào dịp ngày 2/11 năm nào tôi cũng xuống mộ cụ ở nghĩa trang Lái Thiêu để thắp nén nhang tưởng nhớ cụ. Mặc dù việc viếng mộ cũng gặp khá nhiều rắc rối bởi nhân viên an ninh và những người quản lý nghĩa trang.

Tôi nhớ như in lần đầu được nhìn ngôi mộ đơn sơ, cỏ mọc um tùm, ngay đến cái tên mình cũng không được ghi cho đúng (chỉ có chữ “Huynh”) mà thật đau lòng.

Thời gian về sau, nhất là những năm gần đây, đều có người dân mến mộ cụ, làm cỏ phát quang và có thánh lễ do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện ở mộ phần cụ.

Vài dòng tưởng nhớ đến cụ nhân dịp chuẩn bị lễ giỗ lần thứ 58 của cụ (2/11/1963 -2/11/2021).

NGUYỄN HỒNG HẢI 29.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.