Trong hai năm 1979 và 1980, tôi có dịp gặp Chế Lan Viên (1920-1989) vài lần tại Sài Gòn. Có lần, tôi nghe ông kể chuyện Võ Phiến từ Mỹ viết thư về cho con, trích hai câu Kiều: “Thôi thôi còn nói chi con / Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người” và khen tùy bút, và đặc biệt phiếm luận, của Võ Phiến xuất sắc, “nhất Việt Nam”, hiếm có người địch lại được.
Năm 1985, vượt biên thoát và sang Pháp định cư, trong một bài viết đăng trên Quê Mẹ, tôi có nhắc lại chuyện ấy. Võ Phiến thích và dùng ngay lời khen ấy để quảng cáo cho các tập Tùy bút và Tạp luận mới được nhà Văn Nghệ tái bản tại Mỹ.
Sau này, giao thiệp với Võ Phiến nhiều, tôi biết ông thích không phải chỉ vì nội dung của lời khen mà vì lời khen ấy xuất phát từ một người có nhiều ân nghĩa với ông từ trước năm 1945.
Lúc ấy ông chỉ là một học sinh trung học ở Qui Nhơn, được học với Chế Lan Viên trong vài tháng và được Chế Lan Viên khuyến khích đi vào con đường viết lách. Sau đó, khi ra Huế học, Võ Phiến được gặp Chế Lan Viên nhiều lần và tiếp tục được Chế Lan Viên động viên.
Đó là về tình riêng. Đứng về phương diện văn học, Võ Phiến rất thích Chế Lan Viên không những trong thơ mà còn cả trong văn xuôi. Võ Phiến kể với tôi là từ nhỏ, ông đã thuộc lòng nhiều trang trong tập Vàng sao (1942) của Chế Lan Viên. Bao giờ ông cũng nhắc đến Chế Lan Viên một cách trân trọng. Ngay cả khi ông mất trí nhớ, khi ông quên tên tuổi của nhiều bạn bè chung quanh ông, ông vẫn hỏi thăm tôi về Chế Lan Viên như tôi đã kể trong bài “Võ Phiến, những lần gặp sau cùng”.
Sự ngưỡng mộ giữa Võ Phiến và Chế Lan Viên với nhau có thể được giải thích bằng quan hệ ngoài đời của họ. Về phương diện này, sự ngưỡng mộ giữa Võ Phiến (1925-2015) và Nguyễn Khải (1930-2008) đáng nói hơn.
Giữa Võ Phiến và Nguyễn Khải có vài điểm giống nhau. Giống, trước hết, ở tài năng: Võ Phiến được xem là một trong những nhà văn xuất sắc nhất ở miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau 1975. Nguyễn Khải cũng được xem là một trong những nhà văn xuất sắc nhất ở miền Bắc trước 1975 và trong cả nước sau 1975. Giống, còn ở phong cách: Cả hai đều thích và đều có năng khiếu trong việc phân tích tâm lý nhân vật một cách tỉ mỉ và hết sức tinh tế.
Nhưng giữa hai người cũng có những khác biệt to lớn, trong đó, sự khác biệt quan trọng nhất là về chính trị: Võ Phiến được xem là một nhà văn chống Cộng, sau năm 1975, tất cả các tác phẩm của ông đều nằm ở hàng đầu trong danh sách sách bị cấm. Nguyễn Khải, ngược lại, là đảng viên Cộng sản, một đại tá trong quân đội, người được xem là một trong những đứa con cưng của chế độ. Có thể nói hai người ở hai vị trí đối nghịch hẳn với nhau. Tuy nhiên, điều đáng để ý là họ lại vẫn thích nhau.
Trong những cuộc chuyện trò với Võ Phiến, tôi biết ông thích ba nhà văn nổi bật trong phong trào đổi mới tại Việt Nam: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và Bảo Ninh. Với các nhà văn thời tiền-đổi mới (trước năm 1986), có vẻ ông thích Nguyễn Khải nhất. Ông đọc Nguyễn Khải khá nhiều và thỉnh thoảng khen ngợi Nguyễn Khải là một cây bút tài hoa, thông minh và sắc sảo.
Còn phía Nguyễn Khải thì sao? Tôi chưa hề gặp và cũng chưa bao giờ chuyện trò với Nguyễn Khải nên không biết ông đánh giá thế nào về Võ Phiến. Chỉ nghe Võ Phiến kể là năm 1989, Nguyễn Khải sang Mỹ có điện thoại cho Võ Phiến và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Võ Phiến. Sau lần nói chuyện ngắn ngủi ấy, Nguyễn Khải gửi tặng Võ Phiến chiếc đồng hồ ông đang mang kèm theo một bức thư như sau:
“New York 12/8/89
“Anh Võ Phiến thân mến,
“Được nói chuyện với anh vài phút, Khải vui quá, chẳng biết có cơ hội nào gặp lại, xin kính tặng anh cái đồng hồ đeo tay cũ kỹ, Khải đã dùng từ nhiều năm nay, mong được anh nhìn vật mà nhớ đến Khải.
“Một lần nữa, Khải xin kính chúc anh chị và toàn gia luôn luôn vui mạnh.
Kính
Nguyễn Khải”
Trong lần ghé thăm Võ Phiến vào đầu năm 2007, Võ Phiến tặng lại tôi chiếc đồng hồ và bức thư ấy để làm kỷ niệm. Lúc ấy chiếc đồng hồ đã hết pin, không còn chạy được nữa.
Mỗi lần nhìn chiếc đồng hồ và đọc lại bức thư của Nguyễn Khải, tôi đều nghĩ đến quan hệ giữa giới cầm bút với nhau. Một cách chính thức, trên các trang viết, do nhiều lý do và với nhiều lực đẩy khác nhau, người ta có thể phê phán nhau, công kích nhau, nhưng ở chỗ riêng tư, họ vẫn đọc nhau và, tự thâm tâm, họ vẫn có thể nể phục nhau. Văn học có những biên giới khác với chính trị. Nếu có điều kiện, tìm hiểu sâu hơn, với nhiều tài liệu và chứng cứ hơn, về vấn đề này, chắc cũng thú vị lắm.
NGUYỄNHƯNG QUỐC 27.10.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.