samedi 30 octobre 2021

Trần Phi Tuấn - Quán nhậu bán mồi, không bán bia

 

Cho bán mồi không cho bán rượu bia. Có vẻ như cái thời những năm 1990 đã quay lại!

Thời đó, mới dò dẫm “kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường" cho nên cái gì cũng “dò đá qua sông”, thí điểm, thử nghiệm, vì sợ bung ra, không kiểm soát nổi. Nền kinh tế trên đỉnh cao chỉ huy đã ăn sâu mấy chục năm, dễ gì thay đổi.

Cho nên, quyền trao cho Chủ tịch tỉnh, thành phố về việc cấp phép thành lập doanh nghiệp. Mà ngài chủ tịch thì trăm công ngàn việc, muốn chắc ăn thì hỏi các ban ngành, sở, quận huyện. Đến lượt chủ tịch quận lại hỏi các ban bệ của mình, và ông chủ tịch phường. Phường lại hỏi tổ dân phố, rồi ban bệ của mình.

Hệ thống búp bê Matryoshka cứ thế hết lớp này đến tầng khác. Doanh nghiệp muốn thành lập chạy đủ thứ thủ tục, quen biết thì mất 6 tháng, không quen thì 3 năm mới làm được thủ tục. Đến lúc ông chủ tịch tỉnh - thành phố ký quyết định thành lập, tờ giấy có tổng cộng 36 chữ ký, 32 con dấu. Sở dĩ con dấu ít hơn vì 4 cơ quan đoàn thể cấp phường, khu phố không có con dấu.

Cơ mà khổ, xong xuôi, nhiều ngành nghề kinh doanh bị hạn chế vì thời hạn cấp phép chỉ có 3 tháng. Bán báo cũng 3 tháng. Photocopy cũng 3 tháng. Vẽ truyền thần cũng 90 ngày. Vì sao? Vì ông chủ tịch sợ bán báo lỡ bán báo địch thì sao? Photo lỡ sao chép mấy cái sách thế lực thù địch thì răng? Vẽ truyền thần lỡ vẽ cái ông lãnh tụ đối nghịch thì có mà hỏng?

Những nỗi sợ vô hình đó khiến cho các thủ tục nhiêu khê, điều kiện kinh doanh, giấy phép con cũng mọc ra nhan nhãn.

Chính phủ của ông Phan Văn Khải lúc đó đã phải lập ra một Tổ Công tác đi tiêu diệt giấy phép con, và đối đầu với muôn nẻo đường tình.

Bắc Giang, thời đó có một nữ chủ tịch, kiên quyết: Tôi là chủ tịch tỉnh, tôi biết ai tốt, ai xấu, nên có quyền cấp phép cho ai, không cho ai.

Nhưng chị căn cứ vào đâu, tiêu chuẩn nào để biết đó là người tốt, kẻ xấu? Luật nào cho chủ tịch tỉnh cái quyền đó.

Chịu! Rồi bao nhiêu là thứ. Đang quyền hành đầy, tự dưng mất quyền, sao đặng. Cho nên, dù Tổ Công tác “trảm” được hàng trăm giấy phép con, nhưng động vào lợi ích các bộ ngành, địa phương, nên sau đó giải tán.

Thế rồi, giấy phép con, điều kiện kinh doanh tăng vùn vụt, từ hơn 200 lên cả ngàn.

Luật Doanh nghiệp, dù vậy, cũng đã xác lập một quyền cơ bản: Doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Tư duy này đảo ngược với Doanh nghiệp được làm những gì pháp luật cho phép, và đã tạo nên một nền kinh tế Việt Nam phát triển sau đó.

Thế nhưng, cơn địa chấn Covid-19 tràn tới, quét sạch những lớp sơn hào nhoáng phủ bên ngoài của quyền kinh doanh, của cách mạng 4.0 hay chuyển đổi số. Rất nhanh chóng, nền kinh tế đã gần như đóng băng, với lệnh cấm, giãn cách, phong tỏa, giới nghiêm, thiết quân luật. Trận covid cũng đưa Việt Nam trở lại thời 1970s, 1980s.

1-10, mở cửa hé ra, và với bao nhiêu tiêu chí, tiêu chuẩn mà doanh nghiệp thà đóng cửa còn hơn là mở vì chi phí vượt quá lợi ích.

Không rõ cái lý luận cho bán quán nhậu nhưng cấm bán bia, cho mở nhà hàng nhưng cấm xài máy lạnh dựa trên cơ sở nào, hay chỉ là cảm tính: uống bia thì phải cụng, phải đụng, nên lây nhiễm, và bia rượu là thứ “không khuyến khích”.

Ban An toàn thực phẩm của chị Phong Lan vừa hé lộ, Sở Công thương khép lại: “Còn cân nhắc, chưa mở được”, dù ngoài kia dân tình ăn uống ầm ầm. Ban của chị Lan phụ trách an toàn thực phẩm thôi, còn sở Công thương thì phụ trách bán mồi và bán bia.

Giờ là nỗi sợ: Lỡ uống bia mà 2 vạch thì sao?

TRẦNPHI TUẤN 26.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.