mercredi 9 octobre 2024

Phúc Lai - Đôi dòng suy nghĩ về hồn cốt Hà Nội xưa


Anh Mai-cồ Míng bạn tôi ở Tân Gia Ba mới viết một tút ngắn rất hay, trong đó có đoạn:

“…Hoài niệm về ‘Hà Nội xưa thanh lịch’ chỉ nên để cho hoài niệm. Muốn tìm lại tính cách, phong thái, truyền thống của người Hà Nội xưa, hãy cố tìm ở Sài Gòn, ở Pháp, Châu Âu, Mỹ, Úc và thậm chí ở Singapore… Người Hà Nội cũ có tiếc Hà Nội không? Chẳng tiếc. Họ đã ra đi mang theo quê hương.”

Nhưng anh ấy viết thế là anh ấy đã đi và mang theo hồn cốt Hà Nội, cụ thể hơn là hồn cốt Hàng Bạc của ảnh sang tận làng chài. Thế với những người vẫn còn ở lại với Hà Nội thì sao? Vẫn còn đầy những bạn bè tôi, người gốc Hàng Vải nay lặng lẽ nghe những người Hà Lội mới lên mạng chém gió hàng ngày… người từ những năm 1990 đã nổi tiếng vì giọng hát trong những dạ hội sinh viên ở Trung tâm phương pháp…

Riêng cái tên Trung tâm phương pháp bây giờ mà nói, nhiều bác người Hà Lội chẳng hiểu là cái gì rồi.

Hôm qua đi ra khỏi thang máy – (lại thang máy!) lại bị chen như con ngóe chỉ bởi một thiếu phụ. Đề nghị “Chị từ từ để người ở trong ra đã!” nhưng đúng là bị bắt nạt, vì chị ta mặt hầm hầm cứ chen vào bằng được. Chị ta có biết như vậy là không đúng quy tắc không? Biết – nhưng chị ấy muốn bắt nạt người dám phản ứng mình.

Vẫn hôm qua có bác viết trên mạng xã hội: Đi xe máy trên vỉa hè đã là đặc sản của người Tràng An hiện nay. Cũng đúng. Nhưng cũng có đặc sản khác của những người Chàng-an khác, những người vừa mới mua ô tô được mấy năm, thấy chỗ trống là chen, chỉ để lại những người cũng đi ô tô mà dán đằng sau một cái tem “bên phải là 1 mét đường hãy chừa lại cho xe máy.”

Hà Nội bây giờ đã là của người mạnh vì gạo, bạo vì tiền, bao giờ cũng thế. Mười năm trước, tôi viết bài “Người Hà Nội kiêu bạc”, bây giờ đọc lại vẫn thấy… thú vị. Hồi đó tôi đã viết về sự dịch chuyển, đầu tiên là của những gia đình “Hà Nội phố” bị dịch chuyển lên… gác, nhường lại mặt đường cho những “người Hà Nội 1954” và hình thành những kiểu kiêu bạc mới của người Hà Nội mới. Còn có sự dịch chuyển nữa, sự dịch chuyển của những người như anh Mai-cồ từ Hàng Bạc ra Đồng Xa, từ “Hà Nội 1” ra tận “Hà Nội 7.”

Thời nào cũng thế, vẫn có những sự dịch chuyển mới, và những sự bắt nạt, o ép mới. Thậm chí bạn có thể bị bắt nạt ngay cả trên mạng xã hội, bởi những người vừa thoát khỏi “cái đuôi trâu làm thước ngắm” vì câu “mạnh vì gạo bạo vì tiền” vẫn đúng. Lúc đó bạn mới thấy quý những người bạn mới của mình, vẫn còn giữ được sự chân thành của vùng quê nơi xuất xứ của họ.

Tôi có nhiều người bạn như thế. Có một cô tôi quen nhờ dạy “Cảm thụ văn học” cho nhóm có con cô ấy, cổ nói: Em yêu ngôi nhà của em ở Hà Nội, nhưng vẫn yêu quê của mình. Cái khái niệm “ngôi nhà ở Hà Nội” là sự phấn đấu cho cuộc sống đi lên, và là tổ ấm… Nhưng cái xô bồ ngột ngạt ở Hà Nội ngày nay, tôi nghĩ cũng khó mà yêu được. Càng ngày, Hà Nội càng khó được gọi là nơi đáng sống, mà nó biến thành nơi chiến địa.

“Thăng Long phi chiến địa” đã bắt đầu sai đi, sai cùng với biến đổi khí hậu.

Ba mươi năm trước, mùa thu Hà Nội tháng Mười chỉ có nắng vàng và gió mát, nếu ngồi trong hiên nhà còn hơi lạnh. Hà Nội của 70 năm sau Tiếp quản, mùa thu vẫn nóng hừng hực như cái lò. Có người hỏi tôi thấy thế nào với những ký ức từ 40 năm trước, lần đầu tiên háo hức kỷ niệm 30 năm Tiếp quản thủ đô? Bây giờ đã đi qua 2/3 cuộc đời, chỉ thấy mọi chuyện phù du cả, được mất đều chẳng còn ý nghĩa.

Bạn có thể bị bắt nạt ở mọi chỗ trên đường phố, cả trên mạng xã hội… Nhưng cũng nhờ mạng xã hội chúng ta lại tìm thấy những người bạn xưa, chợt nhận ra những được mất, chẳng còn quan trọng nữa. Họ vẫn còn đó Hồn Cốt Hà Nội. Chợt nhận ra chưa bao giờ hỏi người chị quen trên mạng đang ở tận Kyiv: Ngôi nhà Hàng Đường nhà mình, bây giờ nó ra sao? – Thấy chị ấy sống nền nã quá, “Hà Nội quá” ngay cả ở một thành phố đang chiến tranh, nghĩ những gì gia đình mình đã mất sau những cơn bão thổi qua thành phố, nhỏ bé cả.

Mai mới tròn 70 năm ngày Tiếp quản Thủ đô. Vụn vặt và lộn xộn đôi dòng.

PHÚC LAI 09.10.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Ảnh: Phố Hàng Lược.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.